Những ngày vừa qua, sự việc một nam sinh nhảy tự tử từ tầng 28 của chung cư tại Hà Nội, để lại láthư tuyệt mệnh đang gây xôn xao dư luận.
Như đã đưa tin trước đó, theo báo Lao Động, khoảng 4h15 ngày 1/4, Công an phường Phú La nhận tin báo từ đơn vị quản lý về việc phát hiện thi thể một nam thanh niên tại khu vực sảnh khu chung cư Văn Phú Victoria, rơi từ tầng cao xuống. Công an phường sau đó đã tới phong tỏa hiện trường, phối hợp với Công an quận Hà Đông khám nghiệm, điều tra.
Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, M. có để lại đoạn thư tuyệt mệnh.
Liên quan đến sự việc này, ngay sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc và yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ những video, hình ảnh có chưa nội dung nêu trên. Cụ thể, dẫn tin từ báo Giao Thông, chiều 2/4, lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, đơn vị đã gửi yêu cầu cho các nền tảng mạng xã hội không đăng tải clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh Hà Nội rơi từ tầng cao chung cư tử vong.
Theo Cục PTTH và TTĐT, đơn vị cũng đề nghị các cơ quan báo chí không đăng tải clip và nguyên văn lá thư, không xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân. Bởi đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, quyền trẻ em và thiếu tính nhân văn.
Hiện nay, các đơn vị đang phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh Hà Nội.
Giữa lúc dư luận vẫn đang xôn xao về vụ việc thương tâm, hot mom Trần Thu Hà – chủ nhân 3 cuốn sách best seller về nuôi dạy con đã có bài đăng dài trên trang cá nhân để trình bày quan điểm về vấn đề này.
Mở đầu bài viết, cô khẩn thiết mong CĐM dừng việc chia sẻ clip, hình ảnh về nam sinh M., đồng thời gây xúc động với nhận định:
“Nếu một đứa trẻ mất đi cha, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh chị có biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả.
Không một từ nào…”
Nữ tác giả bày tỏ quan điểm về việc dư luận đang chỉ trích cha mẹ của nam sinh M. một cách thái quá và vô lý. Cô chia sẻ: “Hầu hết những gò ép, những cơn nóng giận của ba mẹ đều bắt nguồn từ sợ hãi mà thành. Cơn bão của tuổi dậy thì của con, thường lại tới vào lúc ba mẹ cũng đang đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên. Số người trung niên và người già tự tử cũng đang rất cao”.
Đồng thời trong bài viết, Trần Thu Hà cũng lấy chính câu chuyện và nỗi lo của gia đình mình để minh chứng cho việc “Mẹ tuy nhiều tuổi hơn, nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con túng lúng, mẹ cũng lúng túng, con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ, có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa. Chúng ta cùng ngơ ngác và hoang mang”.
Cũng trong bài đăng, nữ tác giả đưa ra lời khuyên cho các gia đình hiện đại để hạn chế thấp nhất những sự việc đau lòng như vừa qua lại tái diễn. Theo cô, mỗi bậc phụ huynh không thể chắc chắc bản thân sẽ đúng 100%, tuy nhiên “Nếu ba mẹ lạc đường, hãy nắm tay, hãy chỉ dẫn…”. Quan điểm ‘ba mẹ và con cái hỗ trợ nhau, cùng nhau lớn lên” có lẽ chính là điều mà nữ tác giả muốn đề cập.
Bài viết của nữ tác giả đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cư dân mạng. Nhiều người tán thành với quan điểm của Trần Thu Hà. Đa số ý kiến đều cho rằng việc làm cha, làm mẹ của một đứa trẻ sơ sinh đã khó, huống gì là giáp dục và thấu hiểu một đứa con đang ở độ tuổi dậy thì với tâm sinh lý đầy những bất ổn. Chính vì vậy, suy cho cùng việc chỉ trích hay tìm ra người đúng, người sai trong câu chuyện nam sinh nhảy lầu tự tử ở Hà Nội là điều không nên và cũng không cần khi hiện tại sẽ chẳng có từ ngữ nào đủ để diễn tả được nỗi mất mát của cả người ra đi và người ở lại.