Sử dụng tủ lạnh mà biết cài đặt chế độ này thì sẽ tiết kiệm đáng kể tiền điện mỗi tháng

Sử dụng tủ lạnh đúng cách không chỉ giúp tăng tuổi thọ của tủ, mà còn tiết kiệm đáng kể điện năng sử dụng. Các mẹo nhỏ đơn giản sau đây sẽ giúp số tiền điện hằng tháng của gia đình bạn giảm đi đáng kể.

Khi sử dụng tủ lạnh, hiếm người dùng nào để ý đến hai nút điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh ở ngăn đá và ngăn lạnh, vì thế việc hiểu ý nghĩa của chúng cũng là điều xa vời. Nhưng không nút nào là dư thừa trên tủ lạnh, việc tìm hiểu công dụng là vô cùng cần thiết.

1.Các nút điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh

Nút điều chỉnh công suất dàn lạnh

Nút này thường có dạng núm vặn, nằm trong ngăn mát với chức năng là điều chỉnh độ lạnh của cả ngăn đông và ngăn mát. Khi bạn chỉnh số càng to, tủ lạnh sẽ hoạt động với công suất lớn hơn và làm lạnh nhanh hơn trên cả 2 ngăn. Khi bạn vặn về số nhỏ thì độ lạnh của tủ sẽ giảm xuống.

Nút điều chỉnh công suất dàn lạnh nằm trong ngăn mát

Nút phân phối gió

Nút này thường có dạng thanh trượt, nằm trong ngăn đá và cũng có chức năng chia luồng gió xuống mỗi ngăn bên trong tủ. Khi bạn kéo thanh trượt sang phải về phía MAX thì sẽ tăng lượng khí lạnh thổi vào ngăn đá. Ngược lại, khi bạn kéo thanh trượt sang trái về phía MIN thì lượng khí lạnh sẽ thổi xuống ngăn mát nhiều hơn.

Nút phân phối gió nằm trong ngăn đá

2.Cách điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh

Tùy theo thời tiết của môi trường bên ngoài mà bạn có thể tùy chỉnh tăng giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp. Bạn không nên vặn nhiệt độ ở mức cao vì rất tiêu hao năng lượng. Vào mùa lạnh, bạn có thể chỉnh độ lạnh xuống mức 3 và tăng lên mức 4 vào những ngày nóng để tiết kiệm điện cho tủ lạnh hiệu quả.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể tăng giảm nhiệt độ linh hoạt theo từng ngăn đông, ngăn mát và ngăn đựng rau củ quả. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm trên ngăn đông nằm khoảng -18 độ C và khoảng 2 – 4 độ C để giữ độ tươi ngon cho thức ăn, rau củ trong ngăn mát.

Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dựa trên số lượng thực phẩm

Tùy vào tủ lạnh nhà bạn đang chứa nhiều hay ít thực phẩm mà sẽ có cách chỉnh công suất dàn lạnh cho phù hợp. Nếu tủ lạnh đang trữ nhiều thực phẩm, bạn vặn nút điều chỉnh công suất dàn lạnh (Temp. Control) lên mức cao khoảng số 6 hoặc 7. Nếu tủ đang trữ ít thực phẩm, bạn có thể điều chỉnh nút vặn ở mức trung bình khoảng số 4.

Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dựa trên số lượng thực phẩm

Tùy vào lượng thực phẩm mà điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh

Nhiệt độ phù hợp cho ngăn đông tủ lạnh

Ngăn đông tủ lạnh là nơi dùng để bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cùng các loại đồ khô. Vì vậy cần được điều chỉnh nhiệt độ đúng cách để bảo quản các loại thực phẩm này. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm tươi sống ở ngăn đông được nhiều chuyên gia khuyến khích là khoảng -18 độ C. Ở nhiệt độ này vi khuẩn và các loại nấm mốc trong đồ ăn không phát triển được. Nếu tủ lạnh không có quá nhiều đồ, bạn có thể tăng nhiệt độ ngăn đông lên -16 độ C để tiết kiệm điện năng hơn.

Nhiệt độ phù hợp cho ngăn mát tủ lạnh

Thực phẩm tại ngăn mát thường được sử dụng ngay hoặc chậm nhất là trong một tuần. Vì thế nhiệt độ để bảo quản ngăn mát khoảng từ 2 đến 4 độ C. Bình thường, bạn co thể điều chỉnh nhiệt độ ngăn mát ở mức trung bình là số 4. Nếu như khối lượng đồ ăn trong ngăn mát nhiều, bạn có thể hạ nhiệt độ hoặc tăng cường quạt gió về ngăn mát để giữ được độ tươi cho thực phẩm.

Nhiệt độ lý tưởng ngăn mát khoảng từ 2-4 độ C

Nhiệt độ phù hợp cho ngăn rau củ quả

Ngăn rau củ là ngăn dưới cùng của tủ lạnh giúp giữ ẩm tốt để rau luôn tươi, trái cây giữ lâu hơn và cùng một mức điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh như ngăn mát. Để giữ độ tươi cho các loại rau củ, bạn cũng nên duy trì nhiệt độ ở mức 2-4 độ C. Trường hợp phải hạ nhiệt độ trung bình của ngăn mát để bảo quản đồ ăn hiệu quả hơn, để tránh dẫn đến việc ngăn rau củ bị đông đá, bạn có thể chỉnh quạt gió mạnh hơn ở ngăn mát để không khí luôn lưu thông, từ đó giảm tình trạng rau củ quả bị đóng băng.

Một số mẹo tiết kiệm điện khác hiệu quả cho tủ lạnh, bà nội trợ nào cũng nên biết

Đặt tủ lạnh tránh xa các nguồn nhiệt, không kê sát tường

Bạn không nên đặt tủ lạnh gần các nguồn nhiệt như bếp gas, nồi cơm điện, lò vi sóng cũng như ánh sáng mặt trời. Đồng thời, tủ lạnh cũng không nên kê sát tường vì tủ cần có không gian để tỏa nhiệt, giúp tủ lạnh làm việc hiệu quả hơn. Chuyện này đặc biệt quan trọng vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và mau xuống cấp.

Không mở cửa tủ lạnh quá lâu

Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở, khi đó máy nén sẽ hoạt động nhiều hơn, khiến bạn tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Do đó, bạn không nên mở tủ lạnh quá lâu và hãy nhớ đóng cửa tủ lạnh cẩn thận, sao cho miếng đệm cửa trên tủ lạnh hít chặt vào thân tủ.

Đựng thực phẩm bằng vật dụng bằng thủy tinh hoặc sứ

Các hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh và sứ sẽ giúp duy trì hơi lạnh trong tủ tốt hơn, vừa giúp thức ăn được đảm bảo chất lượng vừa giúp tủ lạnh nhà bạn sử dụng tiết kiệm điện. Vì vậy, các bạn có thể sử dụng chén đĩa bằng sứ hay thủy tinh để trữ thực phẩm. Sắp xếp thực phẩm vừa đủ đầy để hơi lạnh được trao đổi qua lại tốt hơn, giúp bạn tiết kiệm đáng kể tiền điện mỗi tháng.

Không để thức ăn nóng vào tủ lạnh

Thức ăn nóng sẽ làm tăng nhiệt độ tủ lạnh, khiến máy nén hoạt động với công suất cao để cân bằng nhiệt độ cho tủ. Nếu như bạn thường xuyên đặt thức ăn nóng vào trong, tủ lạnh cũng sẽ bị giảm tuổi thọ do phải khởi động mô-tơ để làm lạnh nhanh cho tủ nhiều lần.

Để thực phẩm trong tủ lạnh vừa đủ

Sắp xếp vừa đủ thức ăn trong tủ lạnh sẽ giúp không khí lạnh được duy trì tốt hơn nhờ vào sự trao đổi hơi lạnh qua lại giữa các món ăn, thực phẩm. Nếu tủ lạnh quá trống, việc trao đổi khí lạnh sẽ diễn ra kém hiệu quả, làm hao phí điện năng của gia đình. Để khắc phục tình trạng này, các bạn có thể linh hoạt giảm bớt nhiệt độ để máy nén làm việc ít hơn.

Quá nhiều thực phẩm trong tủ cũng không phải là một ý kiến hay vì chúng có thể che mất các lỗ thoát khí lạnh trong tủ. Việc này sẽ làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Tắt tính năng làm đá tự động khi cần thiết

Một số tủ lạnh sẽ có tính năng làm đá tự động giúp bạn nhanh chóng có các viên đá lạnh để sử dụng. Tuy nhiên để tiết kiệm điện hơn, bạn có thể tắt tính năng này đi khi không có nhu cầu sử dụng và thay thế bằng cách làm đông đá truyền thống trên ngăn đông.

Kiểm tra viền đệm cửa thường xuyên

Các ron cao su (còn gọi là gioăng tủ lạnh) ở cửa sau một thời gian dài sử dụng có thể bị hỏng hóc, làm tủ bị thoát khí lạnh. Các bạn có thể thử nghiệm bằng cách kẹp một tờ giấy mỏng vào khe tủ, nếu bạn dễ dàng kéo tờ giấy đi dọc theo khe hở thì ron cao su nhà bạn cần được thay thế. Ngoài ra, cũng cần nhớ vệ sinh chúng thật cẩn thận để tránh bụi bẩn làm hở cửa tủ nhé.

Vệ sinh dàn ngưng thường xuyên

Dàn ngưng có nhiệm vụ tản nhiệt của môi chất lạnh ngưng tụ ra ngoài môi trường. Dàn ngưng bị bẩn có thể dẫn đến việc tản nhiệt kém hiệu quả khiến cho việc sử dụng tủ lạnh hao phí điện năng hơn. Bạn cần tiến hành vệ sinh dàn ngưng thường xuyên, ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm một lần.

Đồng thời, bộ làm lạnh đằng sau tủ lạnh cần được quét dọn, hút bụi để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn hệ thống. Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng thì việc vệ sinh càng phải thường xuyên hơn vì đây là nơi lý tưởng cho lông động vật “trú ngụ”.

Các bạn nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, khoảng 2 – 3 tháng/lần để tránh phát sinh vi khuẩn. Ngoài ra, việc này còn giúp các bạn hạn chế được việc bụi bẩn bám vào các lỗ cung cấp khí lạnh khiến máy nén phải hoạt nhiều hơn để cung cấp đủ nhiệt độ, làm hao phí điện năng của gia đình.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/su-dung-tu-lanh-ma-biet-cai-dat-che-do-nay-thi-se-tiet-kiem-dang-ke-tien-dien-moi-thang-d203249.html