Quần quật nấu nướng mấy ngày Tết, tôi chẳng có thời gian để chơi: Sao phải khổ vậy

Ngày nay, đại đa số chị em đều sợ Tết, nhiều khi chẳng phải vì chuyện tiêu nhiều tiêu ít mà chính là việc phải quần quật dọn dẹp, cỗ bàn và chúc tụng.

Cả năm trời chạy ngược chạy xuôi lo miếng cơm manh áo, chỉ có Tết là khoảng thời gian nghỉ lễ dài nhất thì nhiều gia đình lại phải vùi đầu vào việc cơm nước, dọn dẹp…Tết để nghỉ ngơi mà thành ra lại vất vả gấp 10 so với ngày thường!

Từ trước Tết cho đến tận bây giờ, nhiều chị em vẫn liên tục thở than vì Tết bận quá, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi chứ đừng nói đến chuyện đi chơi. Tết gì, mà cực quá!

Sau một cuộc khảo sát nho nhỏ, người ta phát hiện ra rằng những người than vãn về Tết đa phần đều là các chị con dâu. Những người này thường không có tiếng nói trong gia đình đa thế hệ. Mà hệ gia đình như này lại rất phổ biến ở vùng quê. Có nhà thậm chí còn cúng viếng, hương khói suốt cả tuần lễ hay cứ có khách đến chúc Tết là lại bày biện mâm bát. Tuy nhiên, cùng chịu chung số phận làm dâu, nhưng nhiều chị em lại may mắn không rơi vào trường hợp như vậy. Đó là tùy theo phong tục và tập quán của mỗi vùng miền.

Thế nhưng nói về chuyện vùng miền, cũng còn phải phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi cá nhân. Cùng sinh sống tại vùng miền đó, nhưng có nhiều chị phải vật lộn với cỗ bàn ngày Tết, trái ngược nhiều chị rủng rỉnh như không. Theo thời gian thì chuyện nấu nướng, cúng bái ngày Tết đã có phần cải cách hơn. Nhiều gia đình đã bỏ dần tục gói bánh chưng bánh tét, thổi xôi…mà chuyển dần sang mua sẵn. Thậm chí gà luộc, mâm cỗ cúng còn đặt ship đến tận nơi.

Theo tư tưởng của nhiều người trẻ hiện nay, mâm cơm cúng Tết vẫn phải làm đàng hoàng nhưng có thể cải biên để hạn chế việc nấu nướng. Người xưa vẫn có câu “của ít lòng nhiều”, thì cỗ cúng có thể đơn giản hơn miễn sao gia chủ thành tâm là được. Vậy nên chuyện mua đồ sẵn về cúng bái cũng chẳng ảnh hưởng gì.

Ngẫm ra cũng có phần đúng, bởi ngày xưa kinh tế khó khăn, cả năm có khi chỉ ăn cơm độn khoai độn sắn. Nên nhiều người mong chờ đến Tết để được ăn thoải mái no nê và sắm quần áo mới.

Còn thời buổi này hầu hết gia đình nào cũng có điều kiện hơn trước rất nhiều, dễ dàng mua sắm quần áo mới hay ăn những món ngon bất cứ khi nào thích. Mâm cơm ngày Tết khác với ngày thường đôi khi chỉ là thêm món bánh chưng, củ kiệu muối, giò chả…là những món cổ truyền không thể thiếu trong mâm cỗ.

Cuộc sống hối hả khiến con người cũng phải chật vật theo, người lớn thì đi làm còn trẻ nhỏ đi học, chẳng còn ai đủ thời gian để bày vẽ từng đấy món. Nhiều khi tiện thì ghé qua chợ, siêu thị rồi về nấu nướng còn không thì vào quán đánh chén 15-20 phút cũng xong bữa.

Phải người nào đam mê nấu nướng, hay đứng bếp là công việc chính thì may ra họ mới dành trọn thời gian cho bếp núc thôi. Mà nấu hay mua sẵn thì cũng chỉ bỏ bụng mà. Nếu có tiền mà không có thời gian thì mua sẵn là lựa chọn lý tưởng. Vậy nên ngày Tết cứ món gì tiện lợi thì làm, còn mất nhiều thời gian thì đi mua hoặc bỏ qua. Cứ chăm chăm vào bếp thì đâu thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng kỳ nghỉ lễ. Chưa kể đến thời gian mấy ngày Tết trôi qua nhanh lắm, vèo cái là hết Tết rồi. Nhìn đi nhìn lại, thấy Tết chả làm được gì nên trò trống.

Thôi thì “thời thế, thế thời”, cúng bái chỉ cần thành tâm là được chứ đâu cần phải tiểu tiết quá vào mâm cơm đâu. Có mỗi chuyện dọn dẹp, cơm nước mà năm nào các chị em cũng phải than thở.
Vả lại xã hội ngày một khác, thì Tết cũng dần phải hiện đại hóa hơn chứ, các bà các bác đừng tự làm khổ mình nữa. Khổ mình chưa xong, lại kéo theo con cháu, đặc biệt là con dâu cũng phải khổ cùng. Thay vì đó cái gì dễ nấu thì làm, còn khó quá thì đặt mua như bánh chưng, gà luộc, kiệu muối chẳng hạn. Miễn sao chọn nơi uy tín, vừa ngon lại đảm bảo vệ sinh là được, chứ Tết là để nghỉ ngơi, tự nhiên mua việc vào người làm gì

Thế nhưng một số bộ phận lại cho rằng chị em quá lười, để rồi chỉ trích Tết chỉ vì biện minh cho cái lười của mình mà thôi. Cả năm có vài ngày Tết, có mấy cái chuyện dọn dẹp bếp núc cũng phải kêu ca. Nói đi cũng phải nói lại, chừng nào gia đình nhà chồng thay đổi được tư duy thì may ra các chị mới thôi than vãn chuyện sợ Tết.

Tết năm nay cũng đã qua rồi, nếu chị em vẫn phải vất vả vì chuyện dọn dẹp, cỗ bàn ngày Tết thì năm tới mình chủ động đề xuất ý kiến, miễn sao cỗ bàn vẫn đầy đặn và mình lại rảnh là được.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/quan-quat-nau-nuong-may-ngay-tet-toi-chang-co-thoi-gian-de-choi-sao-phai-kho-vay-d155830.html
X