Món xôi là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ tết, những bữa tiệc của gia đình. Nếu bạn muốn đồ xoio nhanh chín thơm ngon dẻo đều thì đừng bỏ qua bí quyết đồ xôi dưới đây nhé!
Chọn gạo nếp ngon
Theo kinh nghiệm từ xưa, để có món xôi ngon thì gạo nếp quyết định tới 70%. Nếp cái hoa vàng khi thổi xôi ít bị hao, hạt đều, bóng đẹp, dẻo thơm. Ngoài ra, còn có nếp Tú Lệ, nếp nương Điện Biên, nếp ngỗng, nếp nhung cũng được ưu tiên vì hương thơm tự nhiên, dẻo mềm. Cách chọn gạo nếp ngon là có màu trắng đục, hạt tròn đều, bóng mẩy, thơm mùi lúa mới.
Cần phải ngâm gạo
Vì xôi đồ chín bằng hơi nước nên cần ngâm gạo từ 6 đến 8 tiếng tùy theo từng loại để giúp gạo nếp ”ngậm tròn” nước, khi chín sẽ nở ra dẻo thơm. Khi ngâm, thêm chút muối hạt vừa giúp xôi đậm vị, vừa khử mùi nước gạo ngâm lâu bị chua. Sau khi ngâm thì đổ gạo ra rổ cho ráo nước trước khi cho lên chỗ hấp.
Căn đủ lượng nước
Việc căn lượng nước vừa đủ là chìa khóa giúp xôi chín đủ độ dẻo mềm. Nếu ít quá xôi sẽ bị khô mà nhiều quá lại bị nát. Thông thường lượng nước trong nồi hấp chỉ khoảng 1/3 dung tích nồi. Khi đồ nếu lượng gạo nếp nhiều quá, xôi chưa chín thì thêm nước cũng định lượng như trên và tiếp tục đồ.
Nên đảm bảo nhiệt độ
Việc canh và giữ mức nhiệt ổn định rất quan trọng để quyết định món xôi ngon. Sau khi đặt nồi lên bếp, đợi sôi thì mới đặt chõ xôi lên đồ. Chú ý dàn đều nếp, lấy đũa chọc 4 – 5 lỗ to cho lưu thông không khí. Để lửa trung bình và đồ từ 30 – 40 phút tùy từng loại gạo nếp. Thỉnh thoảng mở nắp ra ngoài để chảy bớt phần hơi nước bốc lên, hoặc dùng vải màn (hoặc khăn xô to sạch) phủ kín để nước không đọng, chảy xuống làm nhão xôi. Cứ 10 phút thì đảo cho các hạt xôi chín đều, ráo nước.
Cần phải đồ xôi hai lần lửa
Đây là ”bí quyết vàng” để món xôi hoàn hảo. Ở lần lửa 1, đồ xôi khoảng 30 phút vừa chín tới thì múc ra mâm hoặc mẹt, tãi đều rồi hong quạt cho nguội bớt. Trước khi ăn thì đồ lửa 2 bằng cách vẩy chút nước lạnh, cầu kỳ hơn thì thêm chút mỡ gà vào trộn đều và tiếp tục đồ thêm 10 – 15 phút cho hạt xôi căng mẩy, bóng đẹp, dẻo mềm dù để lâu.
Cách 2: Đồ xôi không cần ngâm gạo
Theo chia sẻ của các bà nội trợ có kinh nghiệp, khi không có thời gian ngâm gạo bạn vẫn có thể đồ xôi dẻo ngon, không bị khô cứng.
Lấy khoảng 500 gram gạo nếp, không cần vo hay ngâm gạo.
Đun sôi 1 lít nước rồi đổ gạo vào. Lấy muôi đảo liên tục gạo không dính vào đáy nồi vào bị cháy. Đảo khoảng 2-3 phút, khi thấy bên ngoài hạt gạo có một lớp áo trong mỏng bao quanh thì tắt bếp. Đổ gạo ra rá và xả bằng nước lạnh cho hết nhớt gạo.
Sau đó, cho thêm vài hạt muối trộn đều với gạo. Bỏ gạo vào xứng hấp khoảng 10-15 phút cho xôi chín (tùy theo lượng gạo mà bạn có thể điều chỉnh thời gian đồ xôi cho phù hợp). Với cách này, xôi để qua ngày hôm sau vẫn dẻo và tơi.
Ngoài cách trên, bạn có thể làm theo một cách khác. Gạo vo xong đem trộn với một chút muối, hạt nêm, nước cốt dừa và dầu mè. Cho gạo đã trộn gia vị vào chảo chống dính đảo với lửa nhỏ đến vừa cho đến khi thấy hạt gạo nếp trong, nước cốt dừa ngấm hết vào gạo thì tắt bếp. Cho gạo vào xửng hấp và đem hấp như bình thường. Cách này cũng giúp hạt gạo nở bung đều, dẻo và béo.
Một số lưu ý khác khi đồ xôi
– Khi đồ xôi phải giữ lửa đều.
– Chỉ đổ nước bằng 1/3 dung tích nồi hấp. Lượng nước như vậy vừa đủ để làm chín hạt gạo mà không làm xôi nhão hay cháy nồi khi nấu. Một bí quyết để biết nồi còn nước hay không là đặt một chiếc đĩa nhỏ vào trong nồi. Khi nghe tiếng lạch cạch trong nồi nghĩa là nước đã gần cạn. Nếu xôi chưa chín, bạn hãy cho thêm nước sôi vào để đồ tiếp.
– Chỉ đặt chõ/xửng hấp lên khi nước bắt đầu bốc hơi nhiều. Để lửa trung bình. Thời gian đồ xôi rơi vào khoảng 30 phút, tùy theo lượng gạo.
– Để tránh tình trạng xôi chín không đều, phía dưới nhão, trên sống, bạn lót khăn xô dưới chõ/xửng hấp rồi mới cho gạo vào. Phủ kín khăn lên mặt gạo để nước không bị đọng và chảy xuống gạo.
– Khi xôi chín khoảng 80% thì dỡ ra và vẩy thêm một chút nước cho hạt xôi se lại. Sau đó, cho xôi vào đồ lần hai để hạt xôi chín hẳn và đạt độ dẻo như ý.
– Trong quá trình đồ xôi, hãy mở vung nồi thường xuyên và đảo đều để xôi chín mềm.
– Để hạt xôi căng bóng, khi xôi chín, hãy trộn thêm một chút dầu ăn hoặc mỡ gà và đảo đều rồi mới xới xôi ra.
– Để tạo màu cho xôi, bạn có thể ngâm gạo với các nguyên liệu như lá cẩm hoặc hoa nước hoa đậu biếc pha chút xíu chanh cho ra màu tím, bột nghệ hoặc saffron (màu vàng), hoa đậu biếc (màu xanh da trời), nước thanh long ruột đỏ (màu hồng đỏ), nước hoa đậu biếc trộng với bột nghệ sẽ cho ra màu xanh lá cây… Thông thường, các loại lá sẽ được xay lấy nước rồi dùng nước này để ngâm với gạo trước khi đồ. Nếu nấu xôi gấc thì phần thịt gấc sẽ được trộn với gạo sau khi gạo đã được ngâm nước.
-Nếu chẳng may xôi bị sống, bạn hãy vẩy thêm nước lên xôi và dùng muôi đảo đều. Sau đó, đậy kín nắp nồi, lấy khăn phủ ra bên ngoài nắp. Cứ để nguyên như vậy, không cần bật bếp đồ lại. Với lượng hơi nước có sẵn trong nồi, xôi sẽ tự chín.
-Với các loại xôi ngọt, bạn có thể trộn thêm nước cốt dừa để tạo vị béo ngậy cho xôi.