Không cần nhiều, mỗi ngày cha mẹ chỉ cần dành 5 phút để làm những điều này cho con, đảm bảo con sẽ trở nên ngoan ngoãn, phát triển toàn diện.
Ông Đào Hạnh Tri – một nhà giáo dục, nhà cải cách nổi tiếng Trung Quốc từng nhận định: “Giáo dục chân chính cần xuất phát từ trái tim. Chỉ khi xuất phát từ trái tim mới có thể phát triển vượt bậc. Đó chính là bản chất của giáo dục”.
“Trường lớp” đầu tiên của trẻ em chính là gia đình. Đó là nơi xây những nền móng đầu tiên cho nhân cách trẻ. Vậy làm thế nào để cha mẹ giáo dục đươc con mình, hãy tham khảo ngay “quy tắc 5 phút mỗi ngày” của nhà giáo dục Đào Hạnh Tri.
1. Hãy lắng nghe con 1 phút
Cha mẹ thường hồn nhiên nói những chuyện tiêu cực hoặc tế nhị ngay trước mặt con và cho rằng “con còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện”. Trên thực tế, trẻ rất nhạy cảm, có thể biết được niềm vui, nỗi buồn, sự bực dọc, nỗi lo âu của người lớn.
Cha mẹ hãy dành 1 phút mỗi ngày để bước vào thế giới con. Hãy nghe con chia sẻ, tâm sự mọi chuyện để hiểu con hơn. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ.
Trẻ không được lắng nghe sẽ trở nên thiếu tự tin vì tâm lý “không ai quan tâm, không ai cần”. Và cho đến khi được chú ý, trẻ trở nên rụt rè, xấu hổ, không dám phát biểu ý kiến vì không có thói quen “được lắng nghe” ngay trong gia đình.
2. Hãy dành 1 phút thể hiện tình yêu
Nhà giáo dục Đào Hạnh Tri chia sẻ: “Tình yêu là sức mạnh to lớn, không có tình yêu thì không có giáo dục”. Tình yêu thương và sự đồng hành là điều cha mẹ nên dành cho con nhất. Hãy dành 1 phút mỗi ngày để trao ánh nhìn yêu thương, ôm con và cho con biết bố mẹ yêu con nhiều như thế nào.
Đừng la mắng con ở nơi công cộng. Đừng luôn phàn nàn về điểm số, đừng tước bỏ sở thích của con. Không chỉ yêu thương con, bố mẹ hãy dành cho con sự tôn trọng. Đối với trẻ, không gì tuyệt vời hơn là có được tình yêu thương từ gia đình.
3. Hãy cho con 1 phút tham gia
Sự tương tác của cha mẹ với con cái vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục. Cha mẹ hãy cố gắng khám phá những điểm chung mà bản thân và con cái thích thú để tăng cường sợi dây gắn kết tình cảm. Trẻ cũng muốn khám phá và tham gia vào thế giới của người lớn.
Cha mẹ nên cho con tham gia vào công việc gia đình, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con. Sau đó, hãy hướng dẫn con thực hiện để giúp con trở nên tự lập. Điều này cũng giúp cha mẹ hiểu thêm về nội tâm của con. Một số hoạt động có thể làm cùng con như: Quét dọn vườn tược, trang trí nhà cửa, cùng nhau tới thư viện,…
4. Hãy dành 1 phút khen ngợi con
Một người bạn của nhà giáo dục Đào Hạnh Tri từng đánh mắng con vì đứa trẻ làm vỡ chiếc đồng hồ mới mua. Dù cậu bé đã cố gắng mở đồng hồ ra để lắp ghép lại nhưng vẫn bị bố nặng lời. Thấy vậy, ông Đào Hạnh Tri bèn trách bạn: “Bạn đã tự tay phá hỏng một Edison”.
Quan điểm của Đào Hạnh Tri trong vấn đề này là thay vì trách mắng, hãy quan sát trẻ tự mày mò sửa chữa chiếc đồng hồ và đưa trẻ đến cửa hàng sửa chữa. Đứa trẻ sẽ rất biết ơn vì vừa được “chuộc lỗi”, vừa có cơ hội nhìn thợ sửa đồng hồ để tích thêm kinh nghiệm, hiểu biết.
Đây chính là sự khuyến khích trong giáo dục chân chính. Mỗi đứa trẻ đều có một lợi thế, một điểm mạnh của riêng mình. Khi được khích lệ, trẻ sẽ tự tin bộc lộ lợi thế đó, thay vì chôn vùi nó thật sâu trong lòng, chỉ biết xấu hổ và thiếu tự tin.
5. Hãy dành 1 phút để phê bình
Mỗi ngày, các bậc cha mẹ nên dành 1 phút để phê bình, điều chỉnh hành vi sai trái của con, giúp con ý thức được lỗi lầm và sửa chữa kịp thời. Trong quá trình điều chỉnh, cha mẹ cần chú ý tới 2 điểm: một là nguyên nhân hành vi của trẻ, hai là cách để giáo dục trẻ sửa sai.
Một câu chuyện thực tế như sau: Cậu học trò nọ bị cha mẹ của người bạn tức giận lôi đến phòng thầy hiệu trưởng để tố cáo vì đánh bạn. Người thầy thay vì vội vã trách móc đứa trẻ đã mời cậu ngồi và cho cậu ăn kẹo. Cậu học sinh ngạc nhiên nhưng vẫn đưa tay đón lấy chiếc kẹo. Khi ngồi đối diện thầy, cậu đã khóc và kể rằng đánh bạn vì bạn bắt nạt một bạn gái khác trong lớp.
Thầy hiệu trưởng ôn tồn nói: “Thầy thưởng cho con kẹo vì con có ý thức về công lý, biết bảo vệ các bạn yếu thế hơn”. Cậu học trò thổn thức: “Con biết con đã sai vì đánh bạn”. Khi đó, thầy mới giảng giải: “Con biết được lỗi lầm của mình như vậy là được rồi, cần phải sửa sai nhé!”.
Sự “hiệu chỉnh” khéo léo của những người lớn góp phần quan trọng đối với trẻ. Hơn thế nữa, so với người ngoài, cha mẹ “hiệu chỉnh” con dễ dàng hơn vì trẻ ít tự ái, xấu hổ với cha mẹ, thay vì với những người lớn khác. Vì thế, 1 phút dành cho sự phê bình là vô cùng cần thiết, giúp uốn nắn trẻ tốt hơn. Nhờ đó, trẻ sẽ trưởng thành đúng đắn về tư duy, nhân cách.