Bố mẹ tôi lâu lắm mới có dịp lên thành phố thăm con, thăm cháu, còn có lòng biếu thông gia ít cây nhà lá vườn. Ấy vậy mà vừa nhìn thấy hai cân nhãn bố mẹ xách từ quê lên, mẹ chồng tôi đã ngay lập tức bĩu môi khinh rẻ.
Quê tôi ở miền Trung, lên Hà Nội học rồi cũng lập gia đình trên này. Nhà chồng là dân Thủ đô chính gốc nên lúc trước kia quen anh, bạn tôi hay can “mày mà quyết định gắn bó với anh ấy thì cũng xác định dần là kiểu gì bố mẹ chồng cũng khó. Thế hệ người Hà Nội trước đây rất trịch thượng, đặc biệt không có thiện cảm với người tỉnh lẻ đâu.”
Nghe bạn nói tôi chỉ cười, cho rằng nó đang quan trọng hóa vấn đề, thế hệ nào rồi còn kiểu phân biệt vùng miền như thế. Với lại, sau mấy lần anh dẫn tôi về nhà chơi, bố mẹ anh cũng rất niềm nở và yêu quý tôi.
Ảnh minh họa internet
Chúng tôi kết hôn hai năm thì sinh con đầu lòng. Thời điểm đó mẹ tôi ở quê lên chăm con, chăm cháu đủ 3 tháng 10 ngày rồi về. Từ đó trở đi, tôi không gặp lại bố mẹ lần nào nữa, ngày ngày cũng chỉ nói chuyện qua điện thoại. Con gái lấy chồng xa là vậy! Nhiều khi nhớ bố mẹ cũng chẳng có thời gian mà về thăm.
Đợt đó là sinh nhật con trai tôi tròn 1 tuổi, tôi mới bàn với chồng đưa bố mẹ lên chơi với cháu ngoại. Nghe vậy, mẹ chồng tôi liền gàn.
“Gọi video cho ông bà thông gia là được rồi, đâu cần đích thân lên tận đây, vừa mệt ông bà, vừa tốn tiền xe cộ rồi quà cáp lỉnh kỉnh nữa.”
Tôi hiểu ý của mẹ chồng, nhưng nghĩ bố mẹ lâu rồi chưa được bế cháu ngoại nên vẫn thuyết phục chồng đưa bố mẹ lên. Chồng tôi đồng ý với tôi, vì thế nên mẹ chồng mặc dù không vui nhưng cũng không nói ra nói vào gì nữa.
Lâu lắm rồi chưa được gặp bố mẹ nên khi bố mẹ lên tôi vui lắm, nhưng khi nhìn bố mẹ ngày một gia đình và tay chân chậm chạp hơn, lòng tôi lại đau như cắt. Bố mẹ nuôi tôi khôn lớn, tôi còn chưa báo hiếu được gì cho ông bà đã vội đi lấy chồng, rồi cung phụng, hiếu thuận với bố mẹ chồng.
Bố mẹ tôi lên thăm cháu, còn xách theo hai cân nhãn quê biếu ông bà thông gia.
“Nhà có cây nhãn trong vườn, mót cuối vụ còn được từng này nên mang lên biếu anh chị thông gia. Nhãn này đúng nhãn quê, cùi dày, ngọt mà thanh lắm anh chị ạ! Con bé Đào hồi trước cứ phải gọi là mê tít, cứ đến mùa là trốn lên cây nhãn không chịu xuống luôn đấy!”
Bố tôi vừa nói vừa cười, ánh mắt già nua nhìn tôi hạnh phúc. Tôi còn chưa kịp nói cảm ơn thì mẹ chồng đã bĩu môi buông câu.
“Ôi giời, nhãn nào mà chẳng giống nhau hả anh thông gia. Trên thành phố đâu có thiếu nhãn, 25 nghìn 2 cân người ta bán đầy đường, quả còn to hơn nhãn này nhiều.”
Câu nói của mẹ chồng khiến không khí gia đình đột nhiên chững lại. Bố tôi bối rối với túi nhãn trong tay, nửa muốn đưa cho tôi nửa muốn dừng giữ lại. Còn tôi, khoảnh khắc ấy như nghẹn họng, cảm giác có lỗi trào dâng.
Một đứa con gái đi lấy chồng xa như tôi, đã không cho bố mẹ được gì, đằng này lại còn khiến ông bà chịu đựng sự thêm sự khinh thường từ nhà chồng như thế, tôi thật quá bất hiếu rồi!
Tối đó, một mình tôi trốn dưới nhà bếp ăn những quả nhãn mà bố mẹ đã cất công mang lên cho con gái. Chẳng hiểu sao tôi lại khóc, trong khi nhãn mót cuối vụ đúng như lời bố tôi nói, dày cùi và ngọt thanh hơn nhãn bình thường rất nhiều.
Ảnh minh họa internet