Dứa mua về đừng vội ăn ngay, làm thêm 1 bước để miếng dứa ngọt như mật, ăn không rát lưỡi

Để dứa có vị ngọt hơn và ăn không bị rát lưỡi, bạn hãy tham khảo mẹo nhỏ dưới đây.

Dứa là loại quả có vị chua ngọt kích thích vị giác. Bạn có thể ăn dứa trực tiếp, sử dụng dứa để xào, nấu, làm mứt, làm bánh, làm nước ép… Dứa giàu dinh dưỡng nhưng có một nhược điểm là ăn nhiều sẽ bị rát lưỡi, khó chịu.

Vì sao ăn dứa bị rát lưỡi

Quả dứa (thơm) là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng được dùng để ăn tráng miệng và ăn vặt phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều, bạn sẽ thấy lưỡi mình có cảm giác rát dần, khó chịu trong miệng.

Ngoài ra, nếu ăn dứa liên tục và sau đó bạn không vệ sinh sạch sẽ răng miệng có thể khiến mảng bám hình thành trên lưỡi, lâu dần tích tụ ngày càng nhiều tạo thành tưa miệng.

Phần lớn mọi người thường cho rằng cảm giác rát lưỡi khi ăn dứa là do chất axit có trong quả dứa. Tuy nhiên, đây là một thông tin, nhận định không chính xác.

Theo các chuyên gia của ViDental, việc chúng ta ăn dứa bi rát lưỡi là vì chất bromelain – hỗn hợp của emzyme tiêu hóa. Chất này có lợi trong sức khỏe nhưng khi tiếp xúc với lưỡi là vùng da nhạy cảm, sẽ làm phân hủy các protein gây ra tình trạng đau rát.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng vì các triệu chứng này không gây hại gì cho sức khỏe. Nó thường chỉ xảy ra ngay sau khi ăn và tự mất đi mà không cần dùng thuốc hay các phương pháp điều trị chuyên sâu nào cả.

Cách ăn dứa không bị rát lưỡi

Để ăn dứa không bị rát lưỡi, bạn cần bất hoạt enzyme bromelain. Có nhiều cách khác nhau để bất hoạt loại enzyme này.

Ngâm trong nước muối

Ngâm dứa trong nước muối là một trong những cách bất hoạt enzyme bromelain.

Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng với cách này nếu miếng dứa quá to, nước muối sẽ chỉ bất hoạt được bromelain ở bên ngoài. Nước muối không thể xâm nhập hoàn toàn vào bên trong thịt dứa, lượng bromelain bên trong vẫn còn và bạn vẫn có thể bị rát lưỡi nếu ăn nhiều.

Ngoài ra, bạn cũng không thể ngâm dứa quá lâu vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của dứa.

Khi ngâm dứa trong nước muối, hãy đảm bảo bạn sử dụng nước đun sôi để nguội và dụng cụ sạch sẽ.

Chần dứa với nước nóng

Chần qua nước nóng 70 độ: Nghe có vẻ khó tin, nhưng đây là một trong những mẹo ăn dứa của nhiều chị em thông thái. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ chần dứa khiến nó bị nhũn. Tuy nhiên, khi nước sôi khoảng 70 độ, chần qua rồi thả vào nước đá. Vớt dứa ra để ráo là dứa cực kỳ giòn ngọt.

Nhiệt độ có thể giúp bất hoạt enzyme bromelain. Do đó, bạn có thể chần dứa với nước nóng trước khi ăn. Nhiệt độ cao cũng giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. bạn chỉ cần chần dứa trong nước nóng khoảng 1 phút rồi vớt ra ngay, tránh để dứa bị mềm.

Để tăng hiệu quả, bạn có thể chần dứa bằng nước muối. Bắc một nồi nước lên bếp và thêm muối (cứ 500ml nước thì cho 30 gram muối ăn). Tỷ lệ muối nước rất quan trọng. Nếu quá ít muối thì không có tác dụng, cho nhiều muối thì hương vị của dứa bị ảnh hưởng. Cho quả dứa (bổ làm 4 miếng) vào nồi nước muối và bật bếp. Nước sôi khoảng 1 phút thì vớt dứa ra ngay, để dứa ráo nước và cắt thành miếng vừa ăn. Luộc sơ dứa sẽ giúp muối thẩm thấu vào bên trong nhanh hơn so với cách ngâm dứa bằng nước muối thông thương. Nó cũng giúp khử khuẩn, làm dứa có vị ngọt hơn.

Dùng baking soda

Bạn có thể bỏ một thìa baking soda vào bát nước sôi để nguội và khuấy đều. Cho dứa đã cắt miếng vào ngâm trong nước này 3-5 phút rồi vớt ra, để ráo nước và thưởng thức.

Những vấn để cần lưu ý khi ăn dứa:

Chọn mua dứa tươi và lành nguyên cả quả, không ăn dứa dập nát. Lưu ý khi gọt dứa phải bỏ hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt.

Nên rửa sạch dứa bằng nước muối trước khi ăn. Đối với người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu như chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết… thì không nên ăn dứa.

Không nên ăn dứa tươi vào lúc đói vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, gây nôn nao, khó chịu…

Nên chọn trái dứa có mùi ngọt đặc trưng và màu vàng. Nếu quả vẫn còn màu xanh lá cây trên vỏ, hãy lật ngược trái lại, để đầu lá lên kệ bếp một vài ngày cho đến khi dứa chuyển sang màu vàng hoặc cam.

Dứa không nên ăn quá nhiều trong một lần để giúp ngăn ngừa chứng tê miệng và giảm nguy cơ tăng acid dạ dày.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/dua-mua-ve-dung-voi-an-ngay-lam-them-1-buoc-de-mieng-dua-ngot-nhu-mat-an-khong-rat-luoi-d204230.html