Cách nấu xôi gấc dẻo thơm, đẹp mắt cho mâm cỗ ngày Tết, vụng mấy cũng làm được

Xôi gấc căng mẩy, bóng đẹp, màu đỏ tươi rực sáng như vầng dương với ý nghĩa mang lại sự cát tường, thịnh vượng cho năm mới.

Bí quyết nấu xôi gấc dẻo ngon – cách 1

Chọn nguyên liệu

Gạo nếp dùng để nấu xôi gấc thường là nếp cái hoa vàng – loại nếp đặc trưng nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hạt trắng đều, thơm ngon và rất dẻo. Khi muốn nấu xôi, gạo nếp sẽ được vo sạch, ngâm trong nước khoảng 6-7 tiếng, rồi đổ ra rá to, để ráo.

Gấc chọn quả đã chín mềm tay, nhưng không phải là quá chín vì màu lên sẽ xỉn và không thơm, bổ đôi ra thấy hạt gấc đỏ tươi, nhiều thịt, thành quả gấc có cùi màu vàng là chắc chắn nấu xôi sẽ rất ngon. Dùng thìa gạt hết hạt và thịt gấc vào một bát to, nạo thêm một ít cùi vàng ở thành quả gấc để tạo vị béo ngậy tự nhiên cho món xôi, rồi cho khoảng 2 thìa rượu trắng, vài hạt muối vào bát, trộn đánh đều với thịt gấc thật nhuyễn, màu gấc lúc này sẽ lên màu đỏ rực rỡ hẳn và dậy mùi thơm.

Các bước nấu xôi:

– Vo sạch, ngâm gạo trong nước khoảng 6-7 tiếng, rồi đổ ra rá to, để ráo.

– Dùng thìa gạt hết hạt và thịt gấc vào một bát to, nạo thêm một ít cùi vàng ở thành quả gấc để tạo vị béo ngậy tự nhiên cho món xôi, rồi cho khoảng 2 thìa rượu trắng, vài hạt muối vào bát, trộn đánh đều với thịt gấc thật nhuyễn, màu gấc lúc này sẽ lên màu đỏ rực rỡ hẳn và dậy mùi thơm.

– Cho gạo vào xửng hấp để đồ xôi trong khoảng 25 – 30 phút. Khi xôi gấc chín mềm, dùng đũa đảo đều, thêm 1 thìa dầu ăn trộn cùng và đồ xôi thêm 5 phút. Dầu ăn giúp xôi gấc đỏ bóng đẹp hơn.

– Bắc xửng xôi xuống bếp, khi xôi nguội bớt thì rắc đường vào đảo đều. Xới xôi vào đĩa hoặc dùng khuôn tạo hình đẹp mắt. Rắc thêm dừa nạo hoặc vừng rang thơm lên trên cùng nếu muốn món xôi thêm hấp dẫn.

– Xôi chín sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt. Sau khi tắt bếp, cần nhanh tay rắc đường kính trắng vào xôi, lượng đường cho vào là tùy theo khẩu vị của mỗi nhà thích ngọt thanh hay ngọt đậm, trộn thật đều. Đồ lại chõ xôi thêm khoảng 5 phút nữa, bắc ra thì rưới ít dầu vừng vào xôi, xới nhẹ tay cho đều, hạt xôi bóng lên, trông rất hấp dẫn.

– Món xôi gấc có thể biến tấu thành xôi gấc nước cốt dừa nếu bạn cho thêm nước cốt dừa vào công đoạn nấu cuối cùng, hoặc tạo hình xôi gấc 3 tầng khi bạn chuẩn bị thêm đậu xanh đồ chín tán nhuyễn.

Nếu bạn muốn dùng nồi cơm điện để nấu xôi gấc, bạn chỉ cần cho nước sôi vào nồi cơm điện, cho gạo trộn gấc vào giá hấp của nồi cơm, ấn nút “cook”. Trong quá trình nấu bạn chú ý dùng đũa đảo xôi vài lần để xôi được chín đều. Thông thường bạn bật nút “cook” 2 lần là hoàn thành quá trình nấu xôi gấc.

Đĩa xôi gấc được bày ra có màu đỏ óng ả, ngát hương thơm, khi trân trọng bày lên ban thờ đã thấy tâm mình được nhẹ nhõm, trong lòng thấy vui tươi, phấn khởi lạ lùng. Đợi hết tuần hương, con cháu quây quầy quanh mâm cỗ, hớn hở vì sẽ được thụ lộc đỏ cho may mắn cả năm.

Cách nấu xôi gấc thứ 2

Cách làm

  1. Gạo nếp đãi sạch cho tới khi nước trong, ngâm với nước lạnh 6 – 8 giờ (nếu muốn nhanh hơn thì ngâm nước ấm 4 giờ). Sau đó, đổ ra rá dội lại nước lã, để cho ráo nước, cho 1 thìa cà phê muối tinh vào xóc nhẹ/hoặc trộn nhẹ tay (tránh làm hạt nếp bị gãy nát).

  2. Bổ đôi quả gấc, lấy thìa nạo lấy phần ruột gấc cùng một chút phần cùi vàng cho vào tô, thêm 1 thìa canh rượu trắng vào đánh nhuyễn hoặc đeo găng tay bóp nhẹ để thịt gấc bong khỏi hạt.

  3. Cho gấc đã đánh nhuyễn vào nếp và trộn thật đều. Chú ý không bóp mạnh, tránh nếp bị nát.

  4. Để có đĩa xôi gấc ngon căng mẩy, bóng mượt cần đồ 2 lần lửa. Lần 1: Đun sôi nước, làm nóng chõ đồ xôi, hạ nhiệt và cho gạo nếp vào chõ, dàn đều. Sau 20 – 30 phút khi xôi chín được 80% thì dỡ ra giá, dàn đều. Cho 100 gr đường (điều chỉnh theo khẩu vị), chút dầu ăn vào xôi rồi đảo đều.

  5. Tiếp tục cho xôi vào chõ để đồ lần 2, chú ý giữa lửa thật đều. Sau 15 phút tính từ khi nước sôi, tắt bếp và ủ tiếp 5 – 6 phút cho xôi dẻo mềm. Chú ý khi đồ xôi đặt thêm khăn xô bên trên để hứng nước từ vung rơi xuống tránh nhão xôi. Tắt bếp, múc xôi ra đĩa. Nếu muốn đơm vào khuôn tạo hình thì làm khi xôi còn nóng sẽ dễ hơn.

  6. Yêu cầu thành phẩm: Xôi căng mẩy, bóng đẹp, dẻo thơm, nổi bật bởi màu đỏ tươi thắm rất hấp dẫn.

Chú ý:

  • Xôi gấc miền Bắc chỉ có đường và chút muối cho đậm đà. Tùy theo khẩu vị mỗi vùng miền, bạn điều chỉnh cho thích hợp, như miền Trung cho dầu hành phi, miền Nam thì thêm nước cốt dừa thêm phần béo ngậy.

  • Nên chọn nếp cái hoa vàng với hạt mẩy đều, thơm dẻo, đồ xôi sẽ ngon.

  • Chọn gấc cần chú ý: màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ đều và thưa, cuống to sẽ có thịt dày và ngon.

  • Khi đồ xôi cần canh lửa cho đều, nếu lửa to sẽ bị cháy, lửa non xôi lại không chín đều.

  • Đồ xôi 2 lần lửa cho xôi ngậm đủ nước sẽ đảm bảo để lâu vẫn căng mọng, dẻo mềm.

  • Nên cho đường ở lần đồ thứ 2 vì nếu cho đường ngay từ lúc đầu, gạp nếp sẽ lâu chín.

Cách nấu xôi gấc thứ 3

1. Nguyên liệu nấu xôi gấc

Một quả gấc chín đỏ
Gạo nếp: 4 bát
Đường: 50g
Nước cốt dừa: 200ml
Muối: 5g
Rượu trắng: 5ml
Dầu mè: 20ml

{Nguyên liệu nấu xôi gấc}
Nguyên liệu nấu xôi gấc

Cách nấu xôi gấc ngon

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngâm nếp qua đêm với nước lạnh hoặc 4 tiếng nước nóng. Sau đó, vo gạo khoảng 2-3 lần rồi để ráo.

Bổ đôi quả gấc dùng muỗng nạo lấy thịt gấc cho vào bát sạch.

Bước 2: Làm hỗn hợp xôi

Cho 5ml rượu trắng vào bát gấc, đeo bao tay vào và bóp nhẹ nhàng để tách thịt gấc ra khỏi hạt. Lấy phần thịt gấc mới trộn với rượu để đem trộn với gạo nếp cùng với một ít muối. Trộn nhẹ nhàng và đều tay cho đến khi gạo nếp được nhuộm một màu đỏ au của gấc.

Sau đó, cho thêm nước cốt dừa vào, tiếp tục trộn đều thêm một lần nữa. Nếu không thích, bạn có thể không cần cho nước cốt dừa.

Bước 3: Hấp xôi

Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bạn đem hỗn hợp vừa trộn cho vào xửng hấp, hấp trong vòng 40 -60 phút.
Khi thấy xôi chín mềm, dùng đũa xới đều để xôi tơi xốp. Sau đó, cho vào 50g đường và dầu mè vào hấp tiếp khoảng 10 phút nữa là được.

Sau khi xôi gấc chín, bạn để cho nguội bớt rồi đảo đều và nhẹ tay, xới xôi ra đĩa hoặc dùng khuôn để tạo hình cho đẹp rồi thưởng thức.

{Cách nấu xôi gấc ngon, đơn giản tại nhà}
Xôi gấc nước dừa ăn cùng dừa nạo rất thơm ngon 

Một số lưu ý khi nấu và bảo quản xôi gấc

Khi nấu xôi gấc, bạn nên lưu ý, trong công đoạn sơ chế, bạn không nên bỏ lớp màng đỏ xung quanh hạt gấc vì nó có chứa chất dầu tương tự như vitamin A, tốt cho sức khỏe.

Trong quá trình nấu xôi, để xôi được chín đều thì bạn không nên đổ toàn bộ gạo nếp vào chõ xôi cùng một lúc mà nên cho từng nắm gạo nếp vào chõ xôi. Đồng thời, nên để trống khoảng 4 – 6 lỗ nhỏ ở giữa chõ để hơi nước bốc từ dưới lên trên sẽ lan tỏa đều, giúp xôi chín đều, không có tình trạng khô ở trên, nhão ở dưới.

Khi cho nước vào nồi hấp, bạn không nên cho quá ít cũng không nên cho quá đầy. Lượng nước khoảng 1/3 nồi là hợp lý.

Nếu nấu xôi bằng nồi cơm điện thì không nên đảo xôi nhiều lần vì như thế sẽ khiến xôi bị nát.

Nếu xôi bị khô, bạn vẩy một ít nước ấm lên bề mặt xôi, sau đó dùng khăn mỏng sạch thấm nước và phủ lên mặt xôi, sau. Đậy nắp và hấp thêm khoảng 5 phút nữa là được.

Đặc biệt, nếu muốn xôi mềm hơn, bạn nên đồ xôi thành 2 lần. Lần thứ nhất khi xôi chín, bạn lấy xôi ra đĩa và chờ nguội. Khi xôi đã nguội, bạn cho xôi vào hấp tiếp lần 2.

Sau khi xôi gấc nấu xong mà không sử dụng hết trong 1 lần thì bạn nên cho xôi vào một hộp kín, hoặc bọc lá chuối, bọc giấy bạc lại thật kín và cẩn thận. Sau đó, cho xôi vào ngăn mát tủ lạnh có thể để được 1-2 ngày. Khi ăn chỉ cần hấp lại thì xôi vẫn ngon như mới nấu.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/cach-nau-xoi-gac-deo-thom-dep-mat-cho-mam-co-ngay-tet-vung-may-cung-lam-duoc-d96102.html
X