Làm cha mẹ ai cũng mong con cái của mình ngoan ngoãn hiểu chuyện, muốn vậy bạn cần phải tránh xa 3 kiểu dạy con dưới đây kẻo lợi bất cập hại.
Không quan tâm tới cảm xúc của con
Trẻ nhỏ luôn cần có sự uốn nắn, định hướng của cha mẹ để biết được đường đi đúng đắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh do quá bận rộn với công việc, nên thường bỏ quên những cơ hội được trò chuyện với trẻ, để trẻ tự chơi và tìm hiểu những điều xung quanh. Việc để con tự lập là điều tốt cho trẻ nhưng nếu điều này dần trở thành thói quen, trẻ sẽ sống trong thế giới riêng của mình mà không cần lời khuyên hay hướng đi nào từ bố mẹ. Điều này dễ dàng làm trẻ tự cô lập bản thân và bị tự kỷ. Bạn không thể lấy lại thời gian đã trôi qua, nhưng từ bây giờ hãy học cách trân trọng từng phút giây bên trẻ nhỏ.
So sánh con mình với “con nhà người ta”
Nhiều bậc phụ huynh khi con mắc lỗi hay chưa đạt điều cha mẹ mong muốn, “con nhà người ta” luôn là hình mẫu lý tưởng để so sánh với con: con phải như thế này, con thấy bạn A, bạn B không, tại sao con lại không được như thế?
Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn nặng nề hơn nói “Ước gì ba mẹ có đứa con như bạn A, bạn B mà không phải là con”…
Mặc dù việc so sánh này có thể giải tỏa được sự bức xúc cũng như thể hiện được sự mong muốn của cha mẹ khi muốn có một đứa con toàn vẹn, tài giỏi. Nhưng nó lại làm cho trẻ nhỏ bị tổn thương rất nhiều. Con của bạn sẽ chỉ thêm mặc cảm, tự ti hoặc dễ hình thành tính cách ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.
Đặt kỳ vọng quá cao ở con
Làm cha mẹ ai cũng có những kỳ vong, mong muốn nhất định ở con cái của mình. Nhưng mọi sự mong muốn kỳ vọng cần phải dựa trên thực tế. Nếu bạn luôn áp vào con cái những kỳ vọng quá cao vượt qua thực lực của bé thì người thật vọng là bạn. Đồng thời, cha mẹ cũng vì kỳ vọng của mình mà khiến con cái cảm thấy mệt mỏi. Và vì chúng không thể đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ, không thể trở thành đứa con như cha mẹ mong đợi, nên chúng sẽ có phản ứng tiêu cực trở thành một đứa trẻ khó bảo, cứng đầu, không muốn nghe lời.