Ông Nguyễn Công Tấn (54 tuổi, Q.1, TP. HCM) cố gắng ngồi dậy đón tiếp tôi. Hai chân bị cắt cụt gây không ít khó khăn nhưng chắc cũng vì đã quen mà người đàn ông luôn có thể tự xoay sở trong không gian nhỏ hẹp như vậy.
Sinh hoạt trong nhà hộp diêm
Căn nhà, hay nói đúng hơn chỉ là một nơi trú ẩn nho nhỏ chỉ có vài bước chân là nơi chú ấy đã dành cả cuộc đời mình để ở lại. Khi tôi hỏi, chú Tấn thành thật trả lời, nhà này được người ta thương mới cho ở.
Sinh hoạt của bản thân người đàn ông trung niên thì chỉ xoay xở trong căn nhà nhỏ. Chú chỉ cần cố gắng vươn vài cm đã đến nơi tắm rửa. Kế bên chất đầy những vật dụng dùng cho sinh hoạt, ngoài ra, không còn đồ vật nào có giá trị.
Trong không gian nhỏ hẹp đó, người đàn ông này vẫn còn cảm thấy may, vì bản thân ông cụt cả hai chân, chỉ cần gắng gượng lết đi một chút là sẽ tới.
Chú Tấn cụt cả hai chân đã lâu, lâu đến mức chú không còn nhớ mình bị cụt từ bao giờ. Chỉ nhớ rằng bản thân bị cụt vì bệnh tiểu đường, đến nỗi phải cắt 2 chân. Chú cũng không nhớ rõ người đàn bà đầu ấp tay gối của mình bỏ đi từ lúc nào. Chỉ nhớ mình có nghĩa vụ phải nuôi nấng 3 đứa con nên người một mình với cái thân tàn tật.
3 đứa con của chú, một đứa con trai năm nay đã lên lớp 10 và hai đứa con gái mới lớp 6 và lớp 7. Sinh hoạt của người con trai lớn thì dựa vào nhà người cậu ở gần đó hoặc tự bản thân em lo liệu trên căn gác mái nhỏ. Còn hai người con gái được gửi nhờ sống ở nhà một người bác vì… căn nhà quá nhỏ, không còn chỗ ở.
Tất cả tiền sinh hoạt phí của cả 3 người đều do chú Tấn lo liệu vì những người họ hàng “giúp đỡ phần nào đã là tốt lắm rồi”. Mỗi tháng chú kiếm được tiền lại gửi cho người họ hàng để họ nuôi giúp hai đứa con gái. Cứ thế, mỗi ngày chú Tấn lăn bánh chiếc xe đẩy, tự mình nuôi 3 con ăn học.
Từ hồi còn lành lặn đến khi cắt cụt hai chân, chú chỉ hành nghề bán vé số. Và tất cả tiền sinh hoạt cũng chỉ dựa vào những tờ vé số này.
Tấm lòng người cha tật nguyền
Theo lời chú Công Tấn chia sẻ, dù khó khăn là thế nhưng người cha vẫn nuôi 3 con ăn học mà không để các em phải đi làm bất kỳ công việc làm thêm nào. Chú chia sẻ: “Làm cha, chú biết ngoài kia cái gì là tốt, cái gì là xấu. Nên không có cho tụi nó đi làm được, để tụi nó đi học. Thằng con trai ham học lắm.”
Khi tôi hỏi về việc chú có bao giờ có ý định cho các em nghỉ học không, người đàn ông quả quyết bảo không. Mặc dù tương lai mờ mịt phía trước không biết đi về đâu nhưng người cha chưa bao giờ từ bỏ việc đưa các con đến con đường tri thức. Chắc hẳn trong lòng ông vẫn mong các con có thể thoát khỏi cảnh nghèo nàn, đi lên bằng con chữ.
Chú Tấn dù tật nguyền vẫn là một người cha mạnh mẽ giữa đời. Chú cho biết bản thân không đi xin cơm của ai, ai cho thì lấy chứ nhất quyết không đi xin . Cơm nước chú đều tự mua bằng tiền kiếm được. Người làm cha như chú mong bản thân có thể làm gương cho những đứa trẻ để sau này các con có thể ngẩng cao đầu mà sống, “Chú sợ sau này tụi nó thấy chú đi xin, nghèo khổ mà nản chí…”
“Ước mơ của em là đưa ba đi du lịch”
Di chuyển theo chiếc thang là căn gác nhỏ của em Nguyễn Công Trí (16 tuổi), con trai lớn của chú. Căn gác của em cũng có diện tích tương đương với tầng dưới, nghĩa là chỉ 2m vuông cho chỗ ăn ở, sinh hoạt của một cậu bé cao hơn 1m7 .
Ngoài những vật dụng sinh hoạt chất đầy, chiếc tủ sách đầy ắp ở góc phòng là thứ khiến tôi ngay lập tức bị ấn tượng. Không chỉ đơn thuần là những cuốn sách giáo khoa phục vụ cho mục đích học tập cơ bản, Công Trí có rất nhiều sách, thuộc đủ mọi thể loại, từ sách văn học đến sách thường thức. Em cho biết, có cuốn thì em mua, có cuốn được mọi người cho, “nhưng cuốn nào em cũng thích hết.”
Sinh hoạt trong một căn phòng nhỏ đến mức không thể đứng thẳng hẳn nhiên là có nhiều bất tiện. Nhưng với em Trí, đó cũng không hẳn là một vấn đề to lớn.“Trời nắng thì nóng, mái tôn tỏa nhiệt xuống, mưa thì lạnh, ồn nhưng như vậy cũng mát hơn.”
Hiện tại Trí đang học lớp 10 tại một trường Giáo dục thường xuyên ở quận 5. Khi tôi đến, Trí vẫn còn đang ngồi học bài chuẩn bị cho kỳ thi. Thành tích học tập của Trí rất tốt, điểm trung bình tất cả các môn học ở trường của em là 8,9. Em cũng cho biết mình học giỏi đều tất cả các môn, đặc biệt là môn khoa học xã hội.
Khi được hỏi về ước mơ của bản thân, em không kể về một nghề nghiệp tương lai mơ ước hay thứ gì đó xa vời. Em Trí ngập ngừng, vài phút sau lên tiếng: “Em muốn đưa ba em đi du lịch”. Ước mơ có vẻ nhỏ nhoi, đơn thuần nhưng lại là cả một vấn đề to lớn đối với em.
Nhưng cũng vì lịch học dày đặc mà Trí không thể đi làm thêm phụ giúp gia đình. Ánh mắt em buồn buồn: “Tất cả sinh hoạt phí của em đều dựa vào ba. Em không có thời gian đi làm thêm vì mỗi khi kết thúc giờ học ở trường cũng đã 17 giờ chiều. Em không phải không muốn phụ giúp ba nhưng bản thân cũng không thể.”
Nguồn: Chuyên trang Trí Thức Trẻ – Báo Tổ Quốc
https://ttvn.toquoc.vn/cuoc-song-khong-ngung-co-gang-cua-nguoi-bo-tat-nguyen-muu-sinh-nuoi-con-20230212232843977.htm