Vụ thanh niên 24 tuổi nhiễm HIV nghi do đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm và cách nhìn của chuyên gia

Sau một lần cắt tóc, gội đầu ở nơi được bạn giới thiệu, chàng trai 24 tuổi bị nổi hạch cổ, đi khám thì phát hiện bị nhiễm HIV.

Chàng trai 24 tuổi nhiễm HIV, nghi do đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm

Theo báo Phụ nữ Việt Nam, anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh Huỳnh Sachi, chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng) chia sẻ: Mới đây bên mình tiếp nhận một trường hợp nhiễm HIV, nghi ngờ nguyên nhân đến từ việc đi cắt tóc gội đầu.

Đó là một nam thanh niên 24 tuổi (quận Tân Phú, TPHCM). Bình thường, cậu vẫn đi cắt tóc gội đầu ở tiệm quen. Vào thời điểm 3 tháng trước, được người bạn giới thiệu tới một tiệm cắt tóc gội đầu, lấy ráy tai ở quận khác rất thích nên anh cũng muốn đến thử trải nghiệm.

Ảnh minh họa

Trong lúc cạo mặt, nhân viên có làm trầy nhẹ mặt của nam thanh niên, dẫn đến chảy một ít máu. Chàng trai nghĩ chuyện này cũng bình thường nên cũng quên đi và không đi khám hay dùng thuốc gì. Bản thân cũng chưa thấy ai báo cáo nhiễm HIV khi đi cắt tóc nên cậu càng chủ quan, không bận tâm đến chuyện kia.

3 tháng sau đó, nam thanh niên bỗng thấy nổi hạch ở cổ. Tình cờ xem được livestream của anh Ngô Tấn Huỳnh, cảm thấy có chuyện chẳng lành, cậu quyết định đến đây thăm khám. Kết quả nhiễm HIV khiến cậu ngã ngửa.

Anh Ngô Tấn Huỳnh chia sẻ, đây là trường hợp hiếm hoi đến anh thăm khám, bị nhiễm HIV nghi ngờ liên quan đến việc cắt tóc gội đầu. Bản thân anh chưa từng tiếp nhận những trường hợp như này trước đây.

“Hiện nay, tại Việt Nam chưa có ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm. Tuy nhiên, trong thực tế thì nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường này cực kỳ cao, cao hơn rất nhiều so với chuyện chị em làm móng tay, móng chân”, chuyên gia nhận định.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân bởi, những dụng cụ cắt tóc như tông đơ, dao cạo mặt, cạo râu, lấy ráy tai nếu được dùng cho người trước, chưa vệ sinh đúng cách để dùng cho người sau, thì nguy cơ nhiễm HIV rất cao.

Cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm có nguy cơ lây nhiễm HIV đã được ghi nhận trên thế giới

Anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết, hiện tại Việt Nam cũng như các nước châu Á nói chung chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm.

Tuy nhiên, các nước ở châu Phi đã có ghi nhận. Đồng thời cũng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh cắt tóc ngoài tiệm dễ bị lây nhiễm HIV, viêm gan B, C. “Việc không cẩn thận khi đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm có thể khiến bạn gặp nguy hại khôn lường“, chuyên gia cảnh báo.

Pretoria dẫn báo cáo khoa học đăng tải trên Tạp chí Y khoa Nam Phi cho biết, phần lớn các dụng cụ như dao cạo hay tông đơ đều có khả năng bị dính máu và truyền từ người này sang người khác. Đặc biệt với những người có thói quen để đầu trọc. Đây là kiểu đầu hiện khá phổ biến không chỉ có ở châu Phi mà còn xuất hiện tại nhiều khu vực khác trên thế giới như Bắc Mỹ và châu Âu.


Ảnh minh họa.

Chia sẻ trên NCBI, TS Zandile Spengane (giảng viên Đại học Cape Town, trưởng đề tài nghiên cứu), cho biết nhóm nghiên cứu đã tới 50 cửa hàng cắt tóc tại Nam Phi, đề nghị đổi dụng cụ cắt tóc cũ lấy dụng cụ mới. Các dụng cụ cũ này sau đó được mang về phòng thí nghiệm để thực hiện các xét nghiệm sinh hóa.

Kết quả cho thấy 42% số dụng cụ có dính máu lưu cữu, trong đó 8% dính máu dương tính với virus viêm gan B.

Do đó, nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C cho người đi cắt tóc, gội đầu ngoài tiệm là điều khó tránh. “Tốt nhất, khi đi cắt tóc ngoài tiệm, bạn nên mang sẵn dao cạo riêng cho mình. Hoặc ít nhất cũng nhờ nhân viên cắt tóc thay dao cạo mới trước khi làm”, chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, nếu chẳng may bị nhiễm HIV, chuyên gia khuyên nên sử dụng ARV càng sớm càng tốt. Đây là giải pháp giúp người nhiễm bệnh sống khỏe mạnh trong suốt quãng đời còn lại. Bạn bị HIV vẫn có thể sống đến tuổi thọ tự nhiên nếu sử dụng nó kịp thời.

Cẩn trọng với nguy cơ lây nhiễm HIV

Mặc dù nhiều trường hợp vẫn chưa biết chính thức mình lây nhiễm HIV từ đâu, nhưng qua phân tích của các chuyên gia y tế về những con đường lây nhiễm HIV khiến nhiều người phải giật mình, vì phơi nhiễm HIV có thể đến từ nhiều nguyên nhân khó tin trong sinh hoạt hành ngày.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã từng chỉ ra những nguy cơ có thể lây nhiễm HIV từ sinh hoạt hằng ngày như quan hệ TD thông thường, dùng chung kim tiêm, kìm cắt móng tay, bàn chải đánh răng hay gội đầu cho nhiều người mà trong đó có người nhiễm HIV nếu gây chảy máu thì hoàn toàn có thể là những nguy cơ có thể lây nhiễm HIV cho người khác.

Theo bác sĩ, dụng cụ làm móng nếu chỉ sử dụng cho một người thì không sao nhưng nếu sử dụng cho nhiều người, trong đó có người nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm HIV có thể xảy ra khi bị chảy máu. Việc dùng chung dao cạo râu cho nhiều người hay dùng chung kim khi đi phun, xăm thẩm mỹ cũng đều là nguy cơ lây nhiễm HIV khi dụng cụ này được dùng cho cả người nhiễm HIV mà không được khử trùng đúng cách thì người sử dụng sau cũng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử trùng và người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV.

Bác sĩ khuyến cáo để an toàn mọi người tuyệt đối không dùng chung các vật dụng này, đặc biệt, nếu đi làm móng tại các tiệm nails thì nên mang theo dụng cụ làm móng (như kìm bấm móng, kéo, dũa…) của bản thân.

HIV không còn là “án tử” nếu được điều trị ngay

Theo các chuyên gia y tế, 3 con đường chính lây truyền HIV hiện nay là qua đường máu, quan hệ TD không an toàn và truyền từ mẹ sang con. Trong đó, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy (dùng chung bơm kim tiêm tại cùng 1 thời điểm) là hình thái lây truyền chủ yếu.

Tuy nhiên, với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu không may bị giẫm vào, bị đâm, thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn, chỉ khoảng 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.

Với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện nay, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường. Nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV thì sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/vu-thanh-nien-24-tuoi-nhiem-hiv-nghi-do-di-cat-toc-goi-dau-ngoai-tiem-va-cach-nhin-cua-chuyen-gia-d181866.html