Anh Mạnh (35 tuổi sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi hay cãi vã nên quyết định chia phòng một thời gian. Đây là lời đề nghị của vợ tôi, cô ấy nói tôi ngủ nhiều tật xấu ảnh hưởng đến giấc ngủ của cô ấy nữa. Tôi đã nhún nhường xin lỗi nhiều lần mà vợ không chịu.
Dần dần tôi lại cảm thấy thoải mái khi được ngủ một mình. Nhưng điều mà tôi thấy lo sợ là tình cảm dành cho vợ đã không còn như trước mặc dù cả hai đều không có người thứ ba”.
Trao đổi về chủ đề này, ThS.BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, vợ chồng giận nhau có nên ngủ riêng hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm trên các diễn đàn hôn nhân và gia đình.
Bác sĩ Thành cho hay, trong cuộc sống, những trường hợp như vợ chồng anh Mạnh thực ra không hiếm. Mục đích ngủ riêng ban đầu là vì giận nhau, sau đó là để cải thiện chất lượng giấc ngủ và rồi khoảng cách cứ ngày một lớn dần.
Tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, nhưng chuyện ngủ riêng nhiều khi lại là khởi đầu cho sự xa lánh của tình cảm vợ chồng.
Mang gánh nặng cuộc sống, ai cũng bận rộn, thời gian hai vợ chồng có thể hòa hợp với nhau chính là khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi đi ngủ.
Khi ngủ trong các phòng riêng biệt, vợ chồng sẽ có ít cơ hội để tăng cường mối quan hệ, chia sẻ với nhau bằng những câu chuyện, những cảm xúc trong một ngày dài.
“Nếu hai vợ chồng ngủ riêng thì chẳng khác nào ban ngày là vợ chồng còn ban đêm lại là hàng xóm. Hôn nhân vĩnh viễn không thể hạnh phúc được”, vị bác sĩ nói.
Ngủ riêng nhiều khi lại là khởi đầu cho sự xa lánh của tình cảm vợ chồng (Ảnh minh họa)
Theo một nghiên cứu của Đại học Hertfordshire, Vương quốc Anh, 94% các cặp ôm ấp, ngủ chung nghĩ rằng hôn nhân của họ hạnh phúc. Những cặp ngủ xa nhau chỉ có 68% hài lòng với cuộc hôn nhân của họ.
Do đó, bác sĩ Thành nhấn mạnh, dù vợ chồng có giận hờn đến đâu hay bất kỳ lý do nào khác cũng tuyệt đối không nên ngủ riêng.
“Ngủ chung sẽ giúp hai bên tiếp xúc da thịt, hay quan hệ TD tiết ra chất oxytocine. Chất này gắn kết không chỉ về cơ thể mà còn gắn kết cả về tinh thần của 2 người”, vị chuyên gia lý giải.
Phân tích thêm, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương kể lại, đã từng có rất nhiều cặp vợ chồng mới đầu giận dỗi nhau hay “chiến tranh lạnh” nên chọn ngủ riêng để thoải mái nhưng một thời gian sau sẽ như 2 người xa lạ. Bởi vì nếu không ngủ chung thì không tiết ra chất oxytocine. Như vậy, không còn chất gắn kết 2 người với nhau, dẫn đến ly dị, ly thân.
Bên cạnh đó, người xưa có câu: “Vợ chồng cãi nhau đầu giường, làm hòa cuối giường”. Khi ngủ chung, cả hai sẽ có nhiều cơ hội gần gũi với nhau, giúp khơi gợi lại cảm xúc, tình cảm dành cho đối phương.
Vợ chồng cũng có thể tận dụng khoảng thời gian trước khi ngủ để bình tâm lại và chia sẻ với đối phương những vấn đề khiến bản thân tức giận hoặc nói lời xin lỗi nếu nguyên nhân cãi nhau xuất phát từ phía mình.
Hơn nữa, việc chung đụng sẽ dễ dẫn đến những ham muốn bản năng của cả hai vợ chồng. Khi đó, quan hệ vợ chồng vào lúc này có thể làm dịu cảm xúc tức giận của cả hai, giúp hai người làm hòa nhanh hơn.
“Hãy trân trọng những khoảng thời gian trên giường, đừng bỏ rơi người bạn đời yêu quý nhất chỉ vì mâu thuẫn, giận dỗi mà dẫn đến ”giận quá mất khôn”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.