Sự tu dưỡng phẩm hạnh của cha mẹ sẽ quyết định họ sẽ nuôi dạy con thành người như thế nào; và biểu hiện của con trẻ sẽ trực tiếp phản ánh lời nói và hành động của cha mẹ.
Cùng một câu chuyện nhưng sinh ra những đứa con có tính cách khác nhau
Trong một gia đình, sự quan tâm của người chồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và suy nghĩ của trẻ trong tương lai. Con trẻ giống như một tờ giấy trắng, hành vi vô ý thức giống như vết bẩn, một khi bị vấy bẩn sẽ rất khó xóa bỏ.
Giáo dục bằng tình yêu gia đình mới là hình mẫu lý tưởng nhất. Dưới đây là 2 câu chuyện kể về cách đối xử của người chồng với vợ sẽ giáo dục nên những đứa con khác nhau:
Tình huống 1:
Khi người vợ vào bếp, người chồng phụ nấu ăn, người vợ quét nhà, người chồng lau dọn, thì đối với gia đình sinh con trai, chúng sẽ học được tính ga lăng của người cha, lớn lên, cậu bé năm ấy sẽ không có tính gia trưởng mà sẽ rất yêu thương người vợ sau này, còn nếu gia đình có con gái, chúng sẽ học được tính đảm đam và phúc hậu của người mẹ, và rất có thể, người cha của hiện tại cũng chính là khuôn mẫu của người chồng mà con gái muốn tìm trong tương lai.
Tình huống 2:
Trong gia đình, người chồng ăn xong không bao giờ chịu thu dọn bát đũa sau bữa ăn, quen thói hắng giọng sai vợ thu dọn. Một lần nhà có khách, sau bữa cơm, người chồng và khách đang nói chuyện với nhau, thì thấy đứa con 5 tuổi đột nhiên bắt chước bố, hắng giọng gọi tên sai mẹ thu dọn bát đũa.
Sau khi khách ra về, người bố phê bình đứa con không lễ phép với mẹ. Đứa con thản nhiên đáp lại: “Bình thường bố cũng nói như vậy với mẹ mà”.
Từ hai tình huống trên cho thấy giáo dục nhiều đến mấy cũng không bằng lấy mình làm gương. Phải yêu thương vợ thì tương lai của con cái mới có thể ngập tràn tình yêu và tiền đồ sáng lạn. Cha mẹ chính là tấm gương của con cái, hành vi của cha mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới tư duy và hành động của con trẻ.
Cách giáo dục tốt nhất với con cái chính là “Người chồng yêu vợ”
Trong “Gia huấn của Nhan Thị” có viết: “Cha bất nhân thì con bất hiếu”. Dạy nhiều dạy ít không bằng dạy bằng tình yêu. Dạy con nhiều đạo lý đối nhân xử thế đến mấy cũng không bằng lấy mình làm gương, chở che và tôn trọng vợ.
Chỉ khi người chồng khẳng định sự cống hiến, tần tảo hy sinh của người vợ, bảo vệ hình tượng vợ trước mặt con cái, thì người vợ, người mẹ mới có được sự tôn trọng tương xứng. Để người vợ càng có động lực trở thành người vợ hiền, người mẹ tốt, gia đình cũng ngày càng hòa thuận.
Cha mẹ yêu thương nhau, con cái hạnh phúc
Rất nhiều gia đình sau khi có con cái, con cái liền trở thành trung tâm, so với con cái, nửa kia thường sẽ bị cho “ra rìa”.
Trên thực tế, trạng thái tốt nhất mà một gia đình nên có đó là cha yêu mẹ, mẹ yêu cha, đồng thời luôn thể hiện ra bên ngoài, để con cái cảm nhận được sự ấm áp và ngọt ngào mà một gia đình hạnh phúc nên có.
Bởi lẽ, khi cha mẹ xảy ra mâu thuẫn và cãi nhau, con cái ở giữa sẽ rất khó xử, con cái phát triển trong một gia đình cha mẹ luôn cãi vã lạnh nhạt với nhau sẽ trở nên tự ti, mềm yếu, không có niềm tin vào tình yêu thương của gia đình. Gia đình hòa hợp sẽ đem lại niềm vui và sự an tâm cho con trẻ, cha mẹ yêu thương nhau là một sự giáo dục giúp con trẻ phát triển lành mạnh.
Vì vậy khi người chồng yêu vợ, chở che lẫn nhau, gia đình hòa thuận, thì con cái mới được trưởng thành trong môi trường có tình yêu lành mạnh. Mai này lớn lên các con cũng sẽ gieo trồng tình yêu trong gia đình mới của mình.