Có câu nói “Đặt con vào dạ là mạ đi tu”, hàm ý nói rằng khi người mẹ được mang trọng trách lớn lao mang nặng đẻ đau. Đi tu ở đây không có nghĩa vào chùa xuống tóc, hay ở nhà tụng kinh niệm Phật, cũng không phải bắt buộc ăn chay, mà kỳ thực chính là trong nếp sống hàng ngày đều chú trọng đạo đức, tu sửa tâm tính. Quá trình ấy có lẽ không chỉ dừng lại ở 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, mà kéo dài suốt cuộc đời.
Mẹ thay đổi sở thích của mình để dành cho con
Từ khi bắt đầu có con mọi sinh hoạt của mẹ đều thay đổi để giúp con khỏe mạnh. Mẹ đã dành hết sự quan tâm của bản thân mình để con lớn lên từng ngày. Mẹ không thích nghe nhạc cổ điển nhưng khi có con mẹ đã thay đổi quan niệm đó, món cafe hàng ngày mẹ rất thích uống nhưng bây giờ thì mẹ không uống vì nó có hại tới con.
Có thêm cả nhiều việc không tên nữa đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của mẹ. Đúng là mẹ đã từ bỏ rất nhiều ham muốn của bản thân. Giờ đây, làm mọi việc mẹ không còn chỉ nghĩ đến cái tôi của mình. Thật ra, đó chính là một quá trình tu dưỡng.
Mẹ nuôi dưỡng trái tim nhân hậu cũng vì con
Mẹ hiểu rằng “chịu thiệt là Phúc”, mà Phúc này là để dành cho con. Nhờ thế mà tấm lòng mẹ rộng mở, giúp mẹ luôn vui vẻ an hòa, dù chuyện gì có xảy ra cũng không hề nóng giận từ trong tâm. Thực chẳng dễ dàng chút nào phải không?
Ai cũng biết người mẹ cần vui vẻ để tốt cho thai nhi, nhưng sự vui vẻ ở bề mặt thì không có tác dụng, mà sự nhân hậu trong sâu thẳm tâm hồn người mẹ mới là tốt nhất cho đứa con. Vì sao mà dù khó mẹ vẫn có thể làm được? Bởi vì con chính là nguồn sức mạnh để mẹ có thể vượt qua giới hạn của bản thân thực hành tu tập hàng ngày.
Ai đã từng đọc về thai giáo sẽ biết rằng có rất nhiều việc cụ thể người mẹ cần làm cho con như là nói chuyện với con, cho con nghe nhạc cổ điển… Đó chính là những món ăn tinh thần thật sự tốt cho em bé, và trên hết chúng giúp gắn chặt thêm mối liên hệ giữa mẹ và con, khiến cho đứa trẻ ngay từ trong bụng đã cảm nhận được những tín hiệu từ người mẹ của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không biết gì về thai giáo cũng như không có trong tay những dụng cụ cần thiết như đĩa nhạc và tai nghe, thì thực ra đứa trẻ hàng ngày vẫn ở trong bụng người mẹ và nhận mọi thứ tốt từ mẹ. Tấm lòng yêu thương và sự thiện lương của người mẹ đã ngấm ngầm thấm nhuần vào tâm hồn đứa trẻ, để nuôi dưỡng từ trong bụng một em bé với phẩm chất cao thượng vị tha.
Có lẽ quá trình mang thai mới chỉ là vạch xuất phát. Từ khi chào đời cho đến lúc lớn lên, em bé chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội với muôn vàn điều tốt xấu. Thế nên, em càng cần biết bao một người mẹ không ngừng tu dưỡng bản thân để ở bên cạnh em và đặt cho em một nền móng làm người vững chắc.
Hành vi của mẹ chính là tấm gương cho con
Có một câu chuyện có thật về một người mẹ đã nghiêm túc tu dưỡng bản thân hàng ngày và kết quả mang đến vô cùng xúc động. Chuyện kể rằng em bé 4 tuổi, con trai của người mẹ đó, trong một lần leo lên ghế để với quả lê ở trên bàn đã bị ngã xuống đất và làm đổ đĩa cơm. Theo lẽ thường, các bà mẹ sẽ giận dữ và quát tháo đứa trẻ. Tuy nhiên trong tình huống này, người mẹ chỉ lẳng lặng ra đỡ con dậy và dọn sạch chỗ cơm vương vãi trên đất. Không những người mẹ không cảm thấy nóng giận mà trong lòng còn tự nhận đó là lỗi của mình vì đã không dọn bàn luôn sau khi ăn. Điều ấy tưởng như đơn giản nhưng thật ra là kết quả tu dưỡng liên tục trong một thời gian dài của người mẹ.
Một ngày sau khi sự việc xảy ra, cậu bé kia lại tiếp tục làm đổ một nửa bát canh khi đang ăn. Người mẹ đã nói ngay trong tích tắc không do dự: “Không sao cả. Con vẫn ổn chứ?”. Rồi cô ấy lấy khăn giấy dọn sạch chỗ canh đổ và chu đáo nói với con mình: “Lần sau con cần phải cẩn thận hơn”. Sự thiện lương của người mẹ đã tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp khiến cả gia đình ở trong bầu không khí dễ chịu và yên vui. Còn người con thì từ đó trở đi rất hiếm khi làm đổ thứ gì.
Một hôm, người bố đứa trẻ không tìm được cái bấm móng tay đã cáu gắt và đổ lỗi cho vợ mình không để đúng nơi đúng chỗ. Khi chuẩn bị ra khỏi nhà để đi chơi với bọn trẻ con, anh gằn giọng với vợ mình: “Em hãy tìm cái bấm móng tay trước khi anh quay lại”. Bầu không khí thật sự căng thẳng. Lúc đó, người mẹ còn chưa kịp phản ứng gì, thì đứa trẻ 4 tuổi quay sang nói với bố: “Nếu sau khi chúng ta quay lại, mẹ vẫn chưa tìm thấy bấm móng tay, bố chỉ cần nói “Không sao cả!”. Quả thật, đứa con trai đã học được cách bao dung. Và kết quả cuối cùng đúng là “Không sao cả!”.
Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái. Tâm cha mẹ không tốt thì con cái sẽ không tốt. Vậy nên không chỉ có mẹ mà cần phải của cả cha đều phải tu dưỡng bản thân tốt.
Nguồn: Vandieuhay.net
https://vandieuhay:.net/vi-sao-nguoi-xua-noi-tu-duong-cua-nguoi-me-la-tam-bua-ho-menh-tot-nhat-cua-con.html