Giá vàng SJC tăng ‘điên cuồng’ bất chấp việc đấu thầu
Giá vàng cập nhật lúc: 17:10 – 10/05/2024
Theo Tạp chí Điện tử Đầu tư tài chính, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế, từ giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo quyết định khởi động lại việc đấu thầu vàng sau hơn 10 năm tạm dừng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.
Sau 5 phiên tổ chức đấu thầu, có hai phiên đấu thành công, tổng cộng cung ứng ra thị trường 6.800 lượng vàng SJC.
Điều đáng nói, sau những lần đấu thầu, dù thành công hay hoãn lại, thì giá vàng miếng SJC không những không có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà còn liên tục lập đỉnh mới và ngày càng chênh lệch với giá vàng thế giới.
Ngày 9/5, giá vàng miếng SJC tăng tới 2 triệu đồng mỗi lượng, lên mức 87,2-89,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tương đương tăng tới 6 triệu đồng/lượng chỉ sau hơn 2 tuần nhà điều hành tổ chức đấu thầu.
Đến chiều 10/5, mỗi lượng vàng miếng SJC đã đắt thêm 2,9 triệu đồng, lên mức kỷ lục 90,1-92,4 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC tăng 5,4 triệu đồng/lượng. So với hồi đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng 16,9 triệu đồng/lượng. Còn so với 1 năm trước, loại vàng này tăng 24,9 triệu đồng/lượng. Hiện chênh lệch vàng SJC và vàng quốc tế là 18,5 triệu đồng/lượng, mở rộng đáng kể so với khoảng 14 triệu đồng/lượng trong tháng 4.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đã đấu thầu nhằm tăng cung, can thiệp thị trường, giá vàng miếng SJC vẫn tăng điên cuồng?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng – giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) – cho rằng việc giá vàng miếng SJC tăng liên tục là do tâm lý thị trường.
Theo ông Trọng, trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của NHNN sẽ kéo giá vàng đi xuống. Nhưng sau khi đấu thầu, người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không kéo giá vàng giảm như mong đợi nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn. Nguồn cung vẫn hạn chế nên giá tăng liên tục khi có sức mua. Vì thế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng, việc giá vàng trong nước liên tục tăng, doãng rộng khoảng cách với giá vàng thế giới đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là không có bất kỳ thay đổi nào về nguồn cung trong thời gian qua. Thứ hai là có những tác động nhất định của tâm lý người dân.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều “ế ẩm” bởi giá cọc cao và khối lượng đấu thầu lớn.
Ở phiên đấu thầu lần thứ 5 (ngày 8/5) và phiên đấu thầu ngày 23/4, NHNN chỉ bán ra được mỗi phiên là 3.400 lượng vàng miếng, trong khi tổng khối lượng đấu thầu là 16.800 lượng (tương đương 20%). Còn 3 lần gọi thầu thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Nhiều chuyên gia nhận định mức giá tham chiếu mà NHNN đưa ra chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Giá tham chiếu còn cao khiến nhiều doanh nghiệp thờ ơ.
PGS. TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400-500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay.
Chưa kể, sau khi trúng thầu, phải tới 2 ngày sau vàng mới được giao khiến các doanh nghiệp ngại ngần.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, NHNN cũng có cái khó riêng của mình. Việc cung ứng vàng ra thị trường với mức giá thấp không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng như hiện nay.
Theo NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD đã tăng tới 4,9% trong khi mức tăng của cả năm 2023 là 4,25%. Nếu NHNN buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước thì sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá.
Cần ‘liều thuốc’ mới?
Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là “liều thuốc” chữa dứt điểm căn bệnh của thị trường vàng hiện nay. Chỉ đấu thầu là không đủ để hạ nhiệt thị trường vàng. Thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.
Theo nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng miếng không kéo giá vàng xuống được mà còn khiến giá ngày càng có cơ hội nhảy lên cao hơn bởi sự “ngăn sông cấm chợ” không cho nhập khẩu vàng.
Muốn hạ nhiệt và liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, NHNN phải tính đến việc cho phép nhập khẩu và sửa phương thức đấu thầu vàng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đấu thầu cũng là một biện pháp để tăng nguồn cung. Nhưng biện pháp quan trọng nhất, giải pháp căn cơ giúp giải quyết vấn đề, giúp tăng nguồn cung vàng là cho phép các công ty kinh doanh vàng bạc được nhập khẩu vàng.
Ông Nghĩa cho rằng, khi doanh nghiệp được phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng sẽ giảm xuống về sát giá vàng thế giới ngay. Khi đó, Nhà nước sẽ kiểm soát thị trường thông qua công cụ thuế.
Theo ông Nghĩa, việc cho nhập khẩu vàng không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD. “Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, nhiều chuyên gia cũng đề xuất Nghị định 24 cần được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC. Từ đó, chênh lệch giữa giá vàng của SJC và các nhãn hiệu khác cũng sẽ được thu hẹp lại.
Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng được cho là một nhiệm vụ cấp thiết để có thể bình ổn thị trường vàng trong dài hạn.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, câu chuyện giá vàng phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng”.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, để can thiệp thị trường hiệu quả, NHNN cần có mục tiêu cụ thể, song song đó cần có sự điều chỉnh để các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu nhiều hơn. Còn hiện nay các doanh nghiệp vàng không mặn mà đấu thầu vì phải bỏ ra số tiền lớn trong khi rủi ro lại quá cao.
Ông Trương Văn Phước, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, NHNN có thể nghiên cứu bổ sung áp dụng phương thức đấu thầu vàng theo khối lượng. Tức là NHNN ấn định giá bán từ đầu và phân phối trong hạn mức vàng bán ra mỗi phiên phù hợp với khối lượng của các tổ chức đăng ký mua vàng. Đồng thời, NHNN có thể ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng đã trúng thầu. Các tổ chức trúng thầu này về mặt bản chất như là một đơn vị nhận ký gửi hàng từ NHNN tung ra thị trường và được hưởng một mức hoa hồng vài ba trăm nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, TS Nguyên Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nêu quan điểm, NHNN cần tính đến việc điều hành giá vàng tương tự như điều hành tỷ giá.
Theo ông Độ, NHNN có thể tính đến việc xác định một mức chênh lệch giá phù hợp. Chẳng hạn đặt biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là +/-2%. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2%, NHNN có thể nhập khẩu vàng về để bình ổn thị trường. Trường hợp ngược lại, NHNN có thể mua vàng để chặn đà rơi.