Tôi thà mất tình cảm chứ quyết không cho vay tiền

Ngày trước tôi cũng thuộc dạng hào sảng, anh em bạn bè hỏi mượn tiền đều cho vay mà không nghĩ ngợi gì. Nhưng sau đó tôi nhận được “bài học” đắt giá khi cho bạn thân mượn tiền, từ đó tôi thà để mất tình cảm chứ quyết không cho ai vay tiền.

Ngày trước tôi cũng thuộc dạng hào sảng, anh em bạn bè hỏi mượn tiền đều cho vay mà không nghĩ ngợi gì. Nhưng sau đó tôi nhận được “bài học” đắt giá khi cho bạn thân mượn tiền, từ đó tôi thà để mất tình cảm chứ quyết không cho ai vay tiền.

Tôi chơi với bạn bè đều hết lòng, nhà ai có công có việc đều xắn tay vào giúp đỡ. Nhưng nếu họ hỏi mượn tiền thì tôi đều từ chối thẳng, dù có thân thiết đến đâu. Cũng chính vì cái tính đó mà khiến nhiều người ghét, cũng bị rơi rụng đi vài mối quan hệ, bởi họ cho rằng “mang tiếng gọi nhau hai tiếng anh em mà khi hỏi mượn tiền thì không được”. Người ta nói tôi sống không biết điều, sau này có chuyện bất trắc mà cần tiền thì cũng chẳng ai vươn tay ra giúp đỡ. Khi nghe họ nói vậy, tôi chỉ biết mỉm cười và đáp: “Tôi có thể vay của cha mẹ, của anh em trong nhà. Tôi có nhà cửa, lúc bí có thể cắm sổ đỏ để vay ngân hàng. Còn bạn cũng có đầy đủ cha mẹ và anh em, ngân hàng cũng không cho vay thì chứng tỏ bạn không đủ chữ tín, và không có đủ điều kiện để vay mượn. Vậy nên bạn đừng dạy đời tôi, hãy xem lại bản thân mình đi”.

Nếu bạn thường xuyên bị anh em, bạn bè hỏi vay tiền, đó chính là lỗi của bạn. Vô hình chung, bạn đã tạo cơ hội cho người ta thói ỷ lại, cứ thiếu tiền là tìm đến bạn, kiểu gì thằng này cũng cho vay. Với tôi, kể cả là anh em ruột thịt tôi cũng nói thẳng “tiền nhỏ thì cho vay, tiền lớn thì không, hoặc nếu cấp bách phải ký giấy đàng hoàng”. Vì kiếm tiền thì ai cũng cực khổ như nhau cả thôi, không phải ngẫu nhiên mà tiền từ trên trời rơi xuống. Bản thân tôi cũng phải trải qua những ngày cơ cực, ki cóp từng đồng từng hào thì mới dư dả được như ngày hôm nay, nên tôi phải trân trọng số tiền mà mình cực khổ kiếm được. Đối với những người mà làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, mượn tiền chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn tiêu thì tôi không coi trọng những người này. Đây là những người quản lý tài chính kém, chỉ biết sống hưởng thụ cho bản thân, thì có cho vay bao nhiêu cũng hết. Những người này, chắc gì đã có khả năng trả lại tiền đã vay.

Đơn cử, tôi đã từng gặp một người anh, năm lần bảy lượt hỏi mượn tiền tôi. Số tiền cũng không quá lớn, nên khi cho mượn tôi cũng không hỏi anh mượn để làm gì. Một, hai lần đầu thì anh trả đúng hẹn, nhưng các lần sau thì khất hết ngày này đến ngày nọ. Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra “anh mượn tiền tôi để dẫn vợ đi ăn chơi, mua sắm”. Sau vài lần đòi nợ không thành công, tôi coi như mất luôn số tiền đấy. Tiền cũ trả chưa hết, mà anh lại mặt dày hỏi mượn thêm tôi lần nữa, lúc này tôi mới nhắn lại: “Em không có nghĩa vụ phải chu cấp tiền cho vợ anh tiêu xài. Vợ của anh, anh yêu thương chiều chuộng thì tự bản thân kiếm tiền mà lo cho cô ấy. Bây giờ anh có nói gì, thì em cũng không cho anh mượn tiền lần nữa đâu”.

Sau tin nhắn đó, tôi cũng cắt đứt luôn liên lạc với người anh này. Bởi tôi biết rằng trong mối quan hệ này, họ chỉ xem tôi như cây ATM, khi cần thì mỏi mượn tiền, không hơn không kém. Tại sao tôi phải vì mấy câu “sống phải biết nhìn trước ngó sau” mà cho họ vay tiền. Một hai lần thì còn được, chứ không phải tôi “cày như trâu như bò” chỉ để cho họ mượn tiền đâu.

Nhớ lại thời điểm lúc tôi vừa ra trường, đồng lương chỉ được vỏn vẹn 4 triệu. Nhưng tôi luôn tâm niệm “không để chữ tiền mà đánh mất tình đồng nghiệp”. Thế mà có nhiều đồng nghiệp vào cùng thời điểm với tôi, lương cũng như tôi nhưng cứ đến gần cuối tháng là lại đi hỏi mượn tiền. Họ luôn rơi vào vòng luẩn quẩn vay tiền người này để đắp cho người kia. Trong khi đó tôi tháng nào cũng để ra được 1 triệu, chứng tỏ họ chi tiêu hoang phí và không biết cách quản lý tài chính.

Ảnh minh họa internet

Hơn 30 chục năm nay, lần duy nhất tôi mượn tiền là để mua nhà. Nhưng cũng chỉ dám mượn nội ngoại hai bên và anh chị em trong nhà. Sau đó khoảng 2 năm tôi cũng trả hết số tiền vay không thiếu một đồng. Tôi không nhận mình giàu có, nhưng cũng thuộc người có của ăn của để. Suốt hơn 1 năm Sài Gòn bùng dịch, tôi không đi làm nhưng vẫn dư dả để chi tiêu cho cả nhà. Vì tôi đã có quỹ dự phòng 5 năm phục vụ cho chi tiêu thoải mái mà không cần phải đi làm.

Thế nhưng, tôi cũng không phải là người cứng nhắc. Khi bạn bè hay người thân nghèo quá, tôi cũng sẵn lòng cho không họ một tiền số nhỏ. Nhưng tôi cũng động viên họ nên thay đổi cách lao động và cách chi tiêu. Đừng để cái nghèo đuổi bám mãi, để rồi ỷ lại vào người khác. “Nghèo cho sạch, đói cho thơm”, nếu đã mượn tiền thì phải trả đúng hẹn.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/toi-tha-mat-tinh-cam-chu-quyet-khong-cho-vay-tien-d154299.html
X