Suốt 3 tháng cữ, cơm không nấu, việc nhà không làm, đêm không phải trông con, mẹ chồng em cáng đáng hết.

Nói thật với mọi người rằng mẹ chồng em tính cách có hơi cổ hủ, đôi khi bị bệnh khó tính của người già. Nhưng những ngày tháng em ở cữ, mẹ cáng đáng hết việc nhà cửa và cơm nước. Đêm đến còn xung phong trông cháu để con dâu có thời gian ngủ nghỉ.

Nói thật với mọi người rằng mẹ chồng em tính cách có hơi cổ hủ, đôi khi bị bệnh khó tính của người già. Nhưng những ngày tháng em ở cữ, mẹ cáng đáng hết việc nhà cửa và cơm nước. Đêm đến còn xung phong trông cháu để con dâu có thời gian ngủ nghỉ.

Em quê ở Yên Bái, còn chồng em thì ở Thái Bình. Hai vợ chồng học tập và làm việc trên Hà Nội thế là quen biết và tìm hiểu. Bố chồng mất sớm, nên gia đình chồng em chỉ có mỗi hai mẹ con. Một tay bà nuôi nấng chồng em ăn học đàng hoàng, mới được như ngày hôm nay.

Sau vài năm quen nhau thì đến đầu năm 2021, hai đứa quyết định đi đến hôn nhân. Kết hôn xong thì hai vợ chồng vẫn ở trên Hà Nội cho thuận việc làm ăn. Nên em cũng không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với mẹ chồng. Thi thoảng lễ tết vợ chồng em có về chơi ít ngày.

Đến thời điểm giữa năm 2021 thì Hà Nội bùng dịch. Em phải nghỉ hẳn ở nhà còn chồng em thì làm online. Thời điểm đó em cũng có bầu được 5 tháng rồi. Mẹ chồng ở quê sốt sắng gọi điện lên:

“Dịch dã thế này về quê cho lành, ở nhà có mẹ có con. Chứ ở Hà Nội có vấn đề gì, nhà nước cấm cản tao cũng không lên được”

Suy đi tính lại, hai vợ chồng quyết định về quê một thời gian. Đợi cho tình hình dịch bớt căng thẳng thì tính tiếp.

Nghe vợ chồng em về quê tránh dịch mẹ chồng mừng ra mặt. Đây cũng là khoảng thời gian em ở nhà chồng lâu nhất kể từ lúc cưới đến giờ. Thời điểm sống chung với mẹ chồng, em biết và hiểu tính cách của bà hơn. Mẹ chồng em chân chất nhà quê, nên có phần cổ hủ. Thêm vào đó tuổi bà cũng cao rồi, nên đôi khi cũng có bệnh khó tính của người già. Dù vậy, bà vẫn là người yêu con thương cháu.

Chồng em thì làm online nên cũng không có nhiều thời gian. Cũng may trộm vía em bầu khỏe. Nên mấy việc lặt vặt như nấu cơm, quét nhà em làm được. Do đó, mẹ chồng vẫn có thời gian bán hàng ngoài chợ. Nhưng cứ hễ rảnh là bà tranh thủ nấu cho vợ chồng em nhiều món ngon.

Thời điểm em gần sinh thì bà quyết định nghỉ hẳn bán hàng ở chợ, bà nói “Chồng mày vừa mải làm vừa vụng, nên mẹ ở nhà chăm mày đến hết cữ. Đến khi nào con cứng cáp thì mẹ tính sau”

Ngày em chuyển dạ, trộm vía mẹ tròn con vuông. Từ đó mọi việc trong nhà một mình mẹ em cáng đáng hết.

Mẹ nấu cho em ngày 4 bữa, 3 bữa ăn chính thêm một bữa ăn phụ xế chiều vì sợ con dâu đói. Việc nhà em không phải làm, một tay bà quán xuyến. Mấy bà cô hàng xóm sang thăm gái đẻ, còn khen em lấy chồng sướng như tiên.

Suốt tháng đầu con em dạ đề, cứ đến nửa đêm là khóc gần đến chợp sáng. Mẹ chồng em xung phong trông con buổi tối để con dâu ngủ. Mẹ nói:

“Phụ nữ sau sinh người như con cua lột nên ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc. Con cái mỗi đứa một tính không phải lo. Hết tháng đầu là nó ngoan ngay. Cháu cứ để mẹ chăm. Con cứ nghỉ ngơi cho nhanh khỏe”

Nghe đến đây chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ em đúng là có phúc ba đời mới có mẹ chồng tuyệt vời như này đúng không. Tuy nhiên, không hẳn như mọi người nghĩ đâu. Mẹ chồng em vẫn có tính khí khó chịu và cổ hủ của người già. Như việc ăn uống mẹ quan niệm phải ăn trứng cho lành dạ, ăn móng giò mới nhiều sữa. Cơm cữ của em cũng chỉ xoay vòng móng giò và trứng luộc. Thi thoảng mới được đổi món.

Chưa hết, mẹ chồng em còn mê tín chuyện. Bà bảo mới đẻ xong vợ chồng không được ngủ cùng nhau. Có hơi chồng phụ nữ dễ bị hậu sản sau sinh. Thế nên suốt tháng đầu chồng em phải ngủ phòng riêng. Nhiều hôm em muốn gần chồng cũng không được. Đôi khi muốn chồng phụ bà trông cháu để bà đỡ mệt nhưng bà cũng không cho.

Mẹ chồng nàng dâu nhà ai chẳng có xung đột. Chỉ là biết nhường nhịn nhau hay không mà thôi. Phải biết nhìn vào mặt tốt của mẹ chồng mà bỏ qua những quan niệm cổ hủ và tính khí trái chiều của tuổi già. Mẹ chồng có thế nào đi nữa nhưng trong thật tâm vẫn thương con mến cháu. Có như vậy mới dung hòa để không gặp cảnh “mẹ chồng nàng dâu” mọi người nhỉ?

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/suot-3-thang-cu-com-khong-nau-viec-nha-khong-lam-dem-khong-phai-trong-con-me-chong-em-cang-dang-het-d151296.html
X