Sau nắng nóng sẽ lại có một đợt không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm đột ngột

Nắng nóng diện rộng đang diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước, dự báo ngày mai (6/6) sẽ là tâm điểm của nắng nóng với nhiệt độ nhiều nơi cao đến 42 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (04/5), ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 40 độ.

Một số nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất như Mường La (Sơn La) 40.2 độ, Yên Châu (Sơn La) 40.4 độ, Phù Yên (Sơn La) 41.3 độ, Hòa Bình 40.5 độ, Quỳ Châu (Nghệ An) 40.8 độ, Tương Dương (Nghệ An) 41.7 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) 40.2 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%. Ở Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.

Sau đợt nắng nóng diện rộng, miền Bắc đón không khí lạnh, trời chuyển mát kèm mưa dông.

Dự báo hôm nay và ngày mai, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%. Khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; riêng phía Đông Bắc Bộ ngày 06/5 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.

Nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 07/5. Nắng nóng ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 07/5 giảm dần.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai cho biết, ngày 6/5 sẽ là ngày nóng nhất trong đợt nóng này. Nhiệt độ vùng trung du Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 41-42 độ C. Đề phòng sốc nhiệt, bà con tránh ra ngoài trời vào khung giờ từ 12 giờ trưa tới 4 giờ chiều.

Đợt nóng này diễn ra trên phạm vi cả nước, trừ khu vực Đà Lạt, Bảo Lộc của Lâm Đồng là ít nóng. Các đô thị như TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Đồng Hà, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Vinh, Thanh Hoá là những nơi có bức xạ mặt trời cao và tia cực tím cao. Vào ngày 6/5, gió trong đất liền giảm nên sẽ làm gia tăng cảm giác nóng ngột ngạt ở các khu đô thị. Khu vực trung du của Hà Tĩnh và Nghệ An sẽ là nơi nóng nhất trong đợt này.

Đặc biệt TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, ngày 8/5, một đợt không khí lạnh tràn về Việt Nam nên khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có nền nhiệt giảm đột ngột. Giảm xuống chỉ còn 22 độ C vào ban đêm. Chênh lệch nhiệt độ trong khoảng thời gian khá ngắn khiến cơ thể không kịp thích nghi, người già và trẻ nhỏ dễ ốm. Do nền nhiệt đang cao mà có không khí lạnh về nên có thể có mưa rào, mưa đá trong ngày 8/5 ở các khu vực trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ.

Về thông tin đợt không khí lạnh vừa rồi đã là đợt cuối mùa, tại sao vẫn còn đợt không khí lạnh tiếp diễn? TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, đúng là mùa đông đã kết thúc bằng đợt không khí lạnh cuối mùa vừa qua. Song không khí lạnh tràn vào Việt Nam thì diễn ra quanh năm, ngay cả trong mùa hè và mùa thu. Đây không phải là không khí lạnh gây rét mà nó chỉ làm nền nhiệt giảm, thời tiết trở nên mát mẻ.

Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Nguồn: Suckhoedoisong

https://suckhoedoisong.vn/sau-nang-nong-se-lai-co-mot-dot-khong-khi-lanh-tran-ve-nhiet-do-giam-dot-ngot-169230505090338976.htm

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/sau-nang-nong-se-lai-co-mot-dot-khong-khi-lanh-tran-ve-nhiet-do-giam-dot-ngot-d162145.html
X