Theo VTVNews cho biết, danh tính của các nạn nhân được xác định là 3 cán bộ chiến sĩ Công an gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (sinh năm 1981); Thượng úy Lê Quang Thành (sinh năm 1977); Thượng úy Lê Ánh Sáng (sinh năm 1990) và một người dân tên Ngọc Anh, đang làm việc gần đó đến hỗ trợ di chuyển đồ đạc, phương tiện.
Tỉnh Lâm Đồng đã huy động hàng trăm người cùng nhiều phương tiện để tìm kiếm 4 người mất tích do sạt lở đất tại Trạm Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc. Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận cùng hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Phúc trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu hộ tại hiện trường.
Một khối lượng lớn đất đá bị sạt lở khiến đèo Bảo Lộc chia cắt hoàn toàn. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Một chiếc ô tô con tại Trạm Cảnh sát Giao thông Madagui bị vùi lấp. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Trước đó, từ sáng 28/7, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là tại các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Do ảnh hưởng của mưa kéo dài trong mấy ngày qua, từ sáng 30/7, trên đèo Bảo Lộc xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đá rơi xuống đường và cây xanh ngã đổ chắn ngang đường khiến giao thông qua khu vực này bị ùn tắc kéo dài. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương đã túc trực, dọn dẹp đất đá, cây xanh ngã đổ để các phương tiện lưu thông được một chiều.
Khoảng 15h ngày 30/7, đèo Bảo Lộc (thuộc QL20, đoạn qua thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) tiếp tục xảy ra thêm một vị trí sạt lở lớn khiến tuyến đèo này bị chia cắt hoàn toàn.
Mưa lũ khiến nhiều tuyến phố ở huyện Đạ Huoai bị ngập úng. Ảnh: TTXVN
Xe khách lưu thông qua đèo Bảo Lộc bị bùn đất sạt lở suýt rơi xuống vực. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, điểm sạt lở mới xảy ra ngay khu vực Trạm Cảnh sát giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Lâm Đồng (đoạn gần giữa đèo). Ghi nhận tại hiện trường, hàng trăm khối đất đá tràn ra lấp hoàn toàn mặt đường, vùi lấp một phần của trụ sở Trạm Cảnh sát giao thông. Mưa lũ làm Quốc lộ 55 đoạn qua cống ngầm xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm bị ngập nặng, khiến giao thông tạm thời bị chia cắt.
Vụ sạt lở cũng làm một chiếc xe 45 chỗ xoay ngang đường, phần đuôi xe bị xô về phía taluy âm, rất may không trôi xuống vực.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt để thực hiện công tác xử lý sự cố và ghi nhận các thiệt hại. Trao đổi nhanh với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng chức năng đang trực tiếp trên đường xuống hiện trường để ghi nhận các thiệt hại sau vụ sạt lở.
Theo thông tin từ UBND xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm), đến 16h ngày 30/7, giao thông trên QL55 đoạn qua cống ngầm vẫn bị chia cắt. Hiện, UBND xã đã bố trí lực lượng chốt chặn không cho các phương tiện qua lại.
Trên địa bàn xã Lộc Nam hiện có Thôn 10 bị chia cắt và khoảng 50 căn nhà dân bị ngập, nước ngập sâu từ 1,5 – 2m, cao nhất từ trước đến nay. QL55 là tuyến đường nối từ Quốc lộ 20 đi qua 2 xã Lộc Thành và Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) vào huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) ra Quốc lộ 1.
Ngoài ra, nhiều địa điểm tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai… cũng bị ngập úng cục bộ. Lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ di dời người dân cùng tài sản đến nơi an toàn.
Cống ngầm trên Quốc lộ 55 bị ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Lực lượng chức năng túc trực, xử lý các điểm bị sạt lở trên đèo Bảo Lộc, giúp các phương tiện lưu thông an toàn. Ảnh: TTXVN
Sạt lở khiến tuyến đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn, các phương tiện không thể lưu thông. Một nhà xe giường nằm chuyên chạy tuyến Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh đã thông báo sẽ đổi hướng lưu thông qua Phan Thiết rồi đi đèo Đại Ninh (huyện Đức Trọng) sau khi tuyến đèo Bảo Lộc bị chia cắt.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tại đèo Bảo Lộc đang bị sạt lở nghiêm trọng. Cơ quan chức năng hướng dẫn các phương tiện giao thông từ thành phố Đà Lạt đi Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng từ Đà Lạt tới ngã ba Lộc Sơn, rẽ phải đi huyện Bảo Lâm, qua đèo Con Ó, qua thị trấn Đạ Tẻh, đến Đạ Huoai rồi theo Quốc lộ 20 đi TP Hồ Chí Minh.
Hướng lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đi theo hướng qua huyện Đạ Huoai (thị trấn Mađaguôi) qua thị trấn Đạ Tẻh, qua đèo Con Ó, tới huyện Bảo Lâm, tới ngã ba Lộc Sơn về TP Đà Lạt.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đề nghị các phương tiện giao thông tuyệt đối đi theo lộ trình trên để không gây ùn tắc thêm cho đèo Bảo Lộc.