Đang ăn cơm, tôi hỏi vợ xem tiền tiết kiệm được bao nhiêu, lương và thưởng Tết như thế nào để còn về quê đón Tết, chưa nói hết câu vợ tôi đã than vãn.
Vì kiếm sống nên chúng tôi phải rời xa quê hương để đi lập nghiệp. Lương của hai vợ chồng cũng chẳng cao, tiết kiệm không nhiều nên mỗi năm chỉ về quê ăn Tết được đúng một lần.
Mấy năm trước do dịch bệnh, không có việc làm, cùng với đó là sự động viên của nhà nước ở lại ăn Tết nhằm tránh lây lan dịch bệnh, nên chúng tôi không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Năm nay, dịch bệnh giảm đi nhiều, công việc cũng có, tôi thật sự muốn đưa cả gia đình về quê đón Tết cùng ông bà hai bên. Nhưng tính sơ sơ nếu về ăn Tết, chúng tôi phải có nhiều tiền, ít nhất phải 50 triệu.
Cho dù có lấy hết tiền tiết kiệm của vợ chồng ra cũng không đủ được tiền về quê ăn Tết. Tuy trong đầu cũng xác định như vậy, nhưng tôi vẫn có chút hy vọng mà hỏi vợ xem tiền thưởng Tết được bao nhiêu, tiền tiết kiệm được bao nhiêu để còn biết đường tính toán xoay sở về quê. Tôi chưa nói hết câu, vợ tôi đã than vãn bảo rằng:
“Anh nghĩ mà xem, lương hai vợ chồng còn không đủ, chi tiêu cứ phải bớt xén đủ kiểu. Chỗ này thừa thì đập vào chỗ kia. Nếu có dư một chút thì phải thuốc thang, khám bệnh cho con. Nếu anh có tiền thì anh về, còn em không có tiền thì sẽ ở lại. Một năm về được một lần thì phải cho ra về, phải có nhiều tiền thì mới đỡ ngại”.
Tôi còn nhớ mấy năm trước vợ chồng tôi cũng về ăn Tết, nhưng vợ chồng tôi lại lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Vì mấy năm mới về quê một lần nên vợ chồng tôi cẩn thận chuẩn bị quà đầy đủ để biếu anh em, họ hàng gần xa.
Hôm vợ chồng đang ngồi sắp xếp để chuẩn bị mang đi biếu thì chị dâu đi qua hỏi:
“ Chú thím mua gì biếu cho mọi người đấy? Tôi chẳng mua gì cả, cầm đồ làm gì cho vất vả, tôi cầm tiền cho mỗi nhà một triệu, mọi người muốn mua gì thì mua, lỡ may mình mua mà họ không thích thì không được”.
Tôi định lên tiếng thì bà chị dâu nói tiếp:
“Ôi dào, tưởng mua gì, cà phê với tiêu xay bên ngoài người ta bán đầy. Với lại giá cũng rẻ, chú thím mua làm gì cho mệt ra”.
Chưa hết đâu, cái Tết năm đó, ngay vào mùng 1 Tết, trong khi vợ tôi chuẩn bị mừng tuổi lì xì cho các cháu thì chị dâu bảo:
“Chắc năm nay chú thím có tiền lắm nhỉ, thế thì hẳn là lì xì nhiều lắm đây. Nhà chị thì chẳng có nhiều, có bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu thôi. Mà cần gì phải bỏ vào bao lì xì làm gì cho mất công, cứ đưa thẳng tay cho mọi người, không mọi người lại nhầm”.
Nói xong chị dâu liền lấy ra một xấp tiền 200k mới cứng, rồi mừng tuổi cho từng người. Với người lớn tuổi thì chị dâu mừng hẳn 500k. Vợ chồng tôi nhìn mà thấy ngại. Đã thế, vợ tôi vừa lì xì cho đứa cháu, nó bóc ngay lúc đó rồi hét lớn lên bảo:
“Eo ơi, có 50k thôi á, cháu tưởng được nhiều cơ, cháu không cần tờ này đâu”. Nói xong, đứa cháu ném bao lì xì lên trên bàn, vợ tôi chỉ biết gượng cười không nói được câu gì.
Tôi thì quá bất ngờ, chẳng hiểu sao đứa bé nhỏ như vậy lại có thể nói ra những lời như thế. Nhưng nghĩ cũng đúng thôi, chị dâu tôi thế nào thì con chị ấy cũng có tính như vậy thôi.
Ngày xưa mừng tuổi là một nét phong tục đẹp, người ta mừng tuổi cho người già trẻ con là để chúc cho sức khỏe và niềm vui. Cho dù mừng tuổi chỉ 10k hay chỉ có 5k thì con nít vẫn vui vẻ nhận lấy. Nhưng bây giờ, việc lì xì đã trở nên đi quá xa, trẻ con bây giờ quan trọng việc mừng tuổi nhiều hay ít. Người lớn thì lại xem như là dịp trả nợ.
Những tưởng rằng việc lì xì sẽ mang đến sự vui vẻ, tình cảm anh em, con cháu trong nhà gắn kết nhưng cũng vì chuyện lì xì mà nhiều người nảy sinh sự so sánh, coi thường lẫn nhau. Chính con người đã làm mất đi nét đẹp của một phong tục này.
Người lớn thì không nói, nhưng điều đáng nói là nó ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ nhỏ. Đôi khi cũng dồn người lớn vào thế khó. Không cần phải nói đâu xa xôi, vợ chồng tôi cũng trải qua cảnh này trong chính gia đình của mình đấy thôi. Tôi thấy tiếc cho một phong tục bị chính con người làm lệch lạc đi.