Nuôi chồng học lên tiến sĩ bao năm để rồi bị phản bội. Ngày anh ta lấy vợ mới, tôi mang đến món quà khiến cả đám cưới xôn xao 

Ngày cầm tấm bằng tiến sĩ, anh ta chê tôi đủ điều. Giờ đây trong mắt anh tôi chỉ là người đàn bà quê mùa với tấm bằng phổ thông ít ỏi.

Tôi năm nay 35 tuổi, là một bà mẹ đơn thân sống cùng con trai 12 tuổi. Nhìn lại quãng đời đã qua, tôi không hối hận về những gì mình đã làm, chỉ là đôi khi vẫn cay cay nơi khóe mắt khi nghĩ đến một người. Một người mà tôi đã từng hết lòng tin tưởng, hết lòng yêu thương, rồi cuối cùng lại vong ân bội nghĩa, bỏ mẹ con tôi đi tìm một cuộc đời mới.

Năm ấy, tôi vừa từ nước ngoài về sau mấy năm đi xuất khẩu lao động. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không học tiếp lên đại học như bạn bè mà chọn con đường mưu sinh sớm. Chuyến đi xa ấy đã giúp tôi có một khoản tiền kha khá để gây dựng cuộc sống. Tôi mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ, thu nhập cũng ổn định, đủ để nghĩ đến chuyện lập gia đình. Rồi tôi gặp anh ta – chồng cũ của tôi. Khi ấy, anh ta mới ra trường, loay hoay xin việc trong thành phố, tương lai còn mờ mịt. Tôi hơn anh ta ba tuổi, cũng không phải người quá khắt khe chuyện tuổi tác, chỉ nghĩ đơn giản rằng yêu nhau thì cưới, cùng nhau cố gắng là được. Cũng vì thế mà chẳng chần chừ nhiều, tôi đồng ý lấy anh.

Sau đám cưới, tôi dùng số vốn dành dụm mở cửa hàng, còn anh ta thì tiếp tục vác hồ sơ đi xin việc. Lương của anh ít ỏi, công việc lại không ổn định, nên tôi là người gánh vác kinh tế chính. Một ngày, anh ta về nhà nói muốn học lên thạc sĩ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, thấy chồng có chí thì mừng. Anh ta bảo việc học bận lắm, không thể đi làm kiếm thêm, vậy là tôi lại nai lưng làm lụng, vừa lo tiền học cho chồng, vừa lo chuyện cửa hàng, vừa chăm con nhỏ.

Những năm tháng ấy thật sự quá vất vả. Tôi nhớ có những đêm hai giờ sáng mới chợp mắt, nhớ cả những ngày kiệt sức đến mức vừa bế con, vừa ngủ gật trên ghế. Nhưng tôi tự nhủ, rồi mọi thứ sẽ qua thôi. Chỉ cần anh học xong, có công việc ổn định, gia đình tôi sẽ tốt hơn. Rồi ngày đó cũng đến. Anh ta nhận bằng thạc sĩ, có một công việc tốt với mức lương khá. Tôi nghĩ từ đây, gia đình tôi sẽ được bù đắp. Nhưng anh ta lại nói muốn học tiếp lên tiến sĩ.

Lúc đó, tôi đã có chút chạnh lòng. Tôi hy vọng sau bao nhiêu năm tôi gồng gánh, anh ta có thể dừng lại một chút, nhìn về gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho mẹ con tôi. Nhưng tôi lại tự trấn an mình. Anh ta không cờ bạc, không rượu chè, chỉ là muốn học thêm. Là vợ, tôi phải ủng hộ chồng chứ. Vậy là tôi tiếp tục gồng mình lo hết mọi thứ để anh ta chuyên tâm học hành.

Rồi cũng đến ngày anh ta lấy bằng tiến sĩ. Nhưng cùng lúc đó, anh ta cũng đã thay đổi hoàn toàn. Anh ta trở nên lạnh lùng, xa cách. Không còn những buổi tối ngồi trò chuyện với vợ con, không còn những buổi về sớm giúp tôi đóng cửa hàng. Đứa con nhỏ cứ lẽo đẽo theo sau bố nhưng chỉ nhận lại những cái gạt tay khó chịu.

Rồi một ngày, anh ta đặt trước mặt tôi một lá đơn ly hôn. Tôi ch/ết lặng. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi đã làm gì sai? Tôi đã không đủ tốt hay sao? Người phụ nữ từng gánh vác cả gia đình này, từng tần tảo nuôi anh ăn học, bây giờ trở thành một người đàn bà quê mùa với tấm bằng phổ thông ít ỏi. Còn anh ta là một tiến sĩ trẻ tuổi, có công việc danh giá, có những mối quan hệ mới, bây giờ đã thấy tôi là một gánh nặng, một điều xấu xí bên cạnh anh ta.

Sau khi ly hôn, anh ta nhanh chóng tái hôn với một đồng nghiệp xinh đẹp, sành điệu và học thức tương xứng. Và tôi… tôi đã dành cho anh ta một món quà vào ngày cưới. Hôm ấy, tôi đến hôn trường, không phải để quấy phá, cũng không phải để khóc lóc. Tôi điềm nhiên tiến vào, đặt lên bàn lễ tân một hộp quà được bọc rất đẹp.

Bên trong hộp là gì ư? Là một tập hóa đơn chuyển khoản, chứng từ đóng học phí, những khoản tiền tôi đã gửi cho anh ta suốt những năm anh học thạc sĩ và tiến sĩ. Mỗi khoản tiền đều có nội dung rõ ràng: “Tiền học phí học kỳ 1 thạc sĩ”, “Tiền học phí học kỳ 2 tiến sĩ”, “Tiền hỗ trợ chi tiêu chồng”, “Tiền mua laptop cho chồng làm luận văn”… Tất cả đều được tôi giữ lại đầy đủ. Kèm theo đó là một tờ giấy, tôi viết vỏn vẹn một câu: “Món quà nhỏ chúc mừng tân lang tân nương. Mong hai người hạnh phúc!”

Tôi không tận mắt chứng kiến phản ứng của anh ta khi mở hộp quà, nhưng những gì diễn ra sau đó thì tôi có nghe kể lại. Hôn trường hôm ấy xôn xao, họ hàng, bạn bè bàn tán, chỉ trỏ. Đồng nghiệp vẫn luôn ngưỡng mộ anh ta là một tiến sĩ trẻ tài năng bỗng nhìn anh ta bằng ánh mắt khác. Chẳng ai còn tán dương một kẻ vong ân, từng được vợ nuôi ăn học bao năm rồi quay lưng đi cưới người khác. Còn tôi, tôi không cần biết anh ta cảm thấy thế nào. Bởi vì với tôi, những gì anh ta nợ, dù có trả thế nào cũng không thể bù đắp được nữa.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nuoi-chong-hoc-len-tien-si-bao-nam-de-roi-bi-phan-boi-ngay-anh-ta-lay-vo-moi-toi-mang-den-mon-qua-khien-ca-dam-cuoi-xon-xao-d275038.html