Đã 4 năm vào học tại Trường Phổ cập phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) nhưng cậu bé P.V. (10 tuổi) vẫn chưa thể đọc, viết được bởi chứng bệnh chậm phát triển trí não bẩm sinh.
Cô Phạm Thị Ngọc Đoan, giáo viên trường Phổ cập phường 25 chia sẻ, câu chuyện gia đình của V. thực sự là một nỗi buồn vô tận.
“Mẹ V. đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo HIV/AIDS, còn cha thì không biết mặt từ lúc lọt lòng. V. cùng hai người anh em khác sống với ông bà ngoại già. Cả ba đều bị thiểu năng nặng, dù đã lớn nhưng cử chỉ, nói năng chỉ như một đứa trẻ nhỏ.
Mỗi sáng V. được đưa đến lớp, trưa thì ông bà ngoại đón về. Không có trường nào bên ngoài nhận thì chúng tôi phải cưu mang, vì em còn biết đi đâu được nữa” – cô Đoan nói.
Chỉ vào cậu bé ngồi cách V. vài hàng ghế, cô Đoan cho biết em tên P.H.P. Từ lúc biết nói, mẹ P. đã phát hiện em bị tự kỷ. Nay đã 14 tuổi nhưng P. mới học hết lớp 2. Hỏi cha mẹ làm nghề gì, P. hồn nhiên nói mẹ con bán nước, còn cha bỏ đi theo người khác lâu rồi.
Theo cô Đoan lúc mới hi đến trường thì cậu bé tên P. chỉ nói được một vài chữ đơn giản như cô, bạn, anh, chị… Bây giờ em đã hòa nhập rất tốt với các bạn. Tuy nhiên đôi lúc P. bị kích động.
“Em rất thương cô giáo. Lúc nào muốn hôn cô mà không cho hôn là nó sẽ nổi giận. Bạn ngồi cạnh viết chữ xấu dơ, nó không hài lòng là lấy bút chì đâm vào tay bạn luôn. Bây giờ mình kiên trì dạy nhiều nên tính P. đầm lại rồi” – cô giáo kể.
Đó chỉ là hai trong số 300 trường hợp trẻ có hoàn cảnh đáng thương, bị cha mẹ bỏ rơi, chậm phát triển được các trường tình thương trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương đưa đến tham dự “Ngày hội đọc sách 2019” tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).
Riêng trường Phổ cập phường 25, quận Bình Thạnh đưa hơn 100 em đến tham dự. Nơi đây hiện đang nuôi dạy hơn 140 trẻ có những hoàn cảnh đặc biệt như: Không có giấy khai sinh, cha mẹ bỏ rơi, tự kỷ không hòa nhập được cộng đồng, trí não chậm phát triển.
Trong đó hơn 50 em tại đây là người dân tộc thiểu số (30 em người H’Mông và 20 em người Khơ-me). Trường dạy từ lớp 5, hôm nay khoảng 100 trẻ, dẫn ra đường sách đã 5-6 năm.
“Ngày hội đọc sách 2019” với nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn nhằm khích lệ sở thích đọc sách cho trẻ em như: Khu vực đọc sách; Đọc sách, đọc báo Thiếu nhi, đọc truyện; Khu vực tô tượng; Khu vực vẽ tranh; Khu vực vẽ bìa Sách – Truyện; Khu vực bé kể Truyện – Sách.
Trong khoảng thời gian tham gia các hoạt động, các quầy bánh, nước và sữa được mở để phục vụ hoàn toàn miễn phí cho các em.
Em Tường Vy (12 tuổi), học lớp 6 ở Mái ấm Tình thương Mầm Sống (Quận 8) cho biết em vào trường được hơn 1 năm qua sự giới thiệu của một nhà dòng. Em không biết cha mình là ai, trong khi mẹ không có công việc ổn định, hoàn cảnh rất khó khăn.
“Ở trong trường em được chăm sóc rất đầy đủ. Hôm nay có xe đến rước em cùng các bạn đến đường sách chơi. Em được tô tượng, vẽ tranh, được xem văn nghệ, ăn bánh, được coi ảo thuật rất vui. Ước gì ngày nào cũng được ra đây” – Vy nói.
Theo các giáo viên, trẻ bị tự kỷ, thiểu năng thường được thiên phú khả năng vẽ rất đẹp. Tại khu vực giao lưu văn nghệ phục vụ các em, Ban tổ chức đã chọn đa số những bức tranh đẹp của trẻ chậm phát triển để tặng quà.
“Mình mong ra đây sẽ khơi cho các em niềm đam mê đọc sách. Chứ ở trường nhiều em mình dạy không được. Ngoài ra đây cũng là một sân chơi thoải mái cho trẻ trong những ngày hè này khi bình thường vì hoàn cảnh khó khăn mà không có nhiều điều kiện giải trí” – cô Loan tâm sự.