“Mang tiếng chạy grab nhưng khách hàng chịu đi xe của tôi hầu hết đều biết qua hoàn cảnh. Sợ tôi đi không vững nên họ chở tôi đi. Tới điểm trả khách, nhiều người còn thương, cho thêm 5.000, 10.000 bảo về mua cho con hộp sữa”, anh Hiền tâm sự.
Chuyện đời cơ cực, “một nách 2 con” đều mắc bệnh hiểm nghèo
Trời Hà Nội nắng như đổ lửa, anh Lê Thanh Hiền (33 tuổi, trú xóm Tân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) người đẫm mồ hôi nhưng vẫn kiên trì đội nắng, đứng trước cổng bệnh viện Nhi Trung ương luôn miệng mời khách đi xe ôm. Nhìn tay phải của anh bị liệt, nhiều người ái ngại, từ chối đi xe thì anh Hiền nài nỉ.
“Cô đi xe giúp cháu với ạ. Hai đứa con của cháu đều đang điều trị trong bệnh viện vì ung thư máu và tim bẩm sinh. Quá khó khăn nên cháu tranh thủ chạy grab kiếm thêm ít tiền cho con chữa bệnh. Dù tay cháu có khiếm khuyết thật nhưng cháu đảm bảo sẽ đi rất cẩn thận”.
Vừa nói, người đàn ông vừa mở điện thoại ra cho vị khách xem những hình ảnh của hai đứa con nhỏ như để xác minh rồi vui mừng khi khách nhận lời đi xe.
Anh kể, 10 năm trước trong lúc làm việc thì tai nạn lao động xảy ra đã khiến tay phải của anh bị đứt lìa. Dù tay được nối lại thành công nhưng chỉ như đủ hình hài, ngón tay co quắp, cử động, cầm nắm khó khăn. Anh bị thương tật 45%, không thể tiếp tục lao động.
4 năm trước, anh kết hôn với chị Trần Thị Luận (27 tuổi, ngụ cùng địa phương). Người phụ nữ này cũng bất hạnh khi sức khỏe yếu, ốm vặt thường xuyên, cơ thể chỉ nặng 37kg.
Hai đứa con (1 gái, 1 trai) lần lượt chào đời. Chưa kịp vui mừng thì bệnh tật đeo bám khiến cuộc sống gia đình lâm cảnh khó khăn.
6 tháng trước, con gái đầu lòng của anh là Lê Trần Bảo Ngọc (gần 3 tuổi) được phát hiện mắc bệnh ung thư máu. Nỗi đau chưa kịp nguôi thì chỉ 2 tháng sau, con trai út là Lê Trần Đình Quân (9 tháng tuổi) phát hiện bị tim bẩm sinh.
“Mới 9 tháng tuổi con trai tôi đã phải trải qua 2 ca phẫu thuật tim, sức khỏe rất yếu, chỉ nặng 6kg, chưa biết lật cũng chưa biết ngồi. Chỉ khóc một lúc là toàn thân con tím tái, nhiều lần ngất lịm đi.
Con gái lại mắc bệnh ung thư. Bác sĩ nói thời gian điều trị của con gái kéo dài khoảng 3 năm, nếu kiên trì thì tỉ lệ sống khoảng 50 đến 60%. Nhà tôi nghèo thế này không biết nhìn vào đâu để cứu con đây?”, chị Luận chia sẻ bệnh tình của 2 đứa con trong tiếng nấc nghẹn.
“Cao xanh hỡi, sao số kiếp gia đình tôi lại khổ thế này”
Có khách, kiếm được chút tiền, anh Hiền tranh thủ chạy qua chợ mua ít thức ăn mang về phòng trọ cho vợ chuẩn bị cơm trưa. Những ngày điều trị ngoại trú, họ lại phải thuê phòng trọ gần bệnh viện với giá 150 nghìn đồng/ngày để ở. Hàng ngày, chị Luận ở nhà chăm sóc hai đứa con. Anh Hiền chạy grab kiếm tiền trang trải trong những ngày nằm viện. Tối đến lại cùng vợ túc trực, chăm sóc hai đứa con.
“Mang tiếng chạy grab nhưng khách hàng chịu đi xe của tôi hầu hết đều biết qua hoàn cảnh. Sợ tôi đi không vững nên họ chở tôi đi. Tới điểm trả khách, nhiều người còn thương, cho thêm 5000, 10.000 bảo về mua cho con hộp sữa.
Ngày nào may mắn lắm tôi cũng kiếm được 200 nghìn, đủ để trả tiền phòng và mua thức ăn tằn tiện, cầm cự qua ngày”, anh Hiền chia sẻ.
Được biết, nhà anh Hiền là hộ nghèo triền miên của xã. Ngoài 2 con bệnh tật, họ còn phụng dưỡng bố mẹ già ngoài 70 tuổi thường xuyên ốm đau. Ông Trần Thanh Điểm (71 tuổi, bố anh Hiền) là thương binh, từng có thời gian vào sinh ra tử tại chiến trường Quảng Trị ác liệt, khi trở về gánh thêm hậu quả chất độc da cam.
Thu nhập trông chờ vào hơn một sào ruộng. Chị Luận sức khỏe yếu lại con nhỏ nên không làm được gì ngoài chăn nuôi thêm con gà, con vịt kiếm thêm thu nhập.
Từ ngày hai con mắc bệnh hiểm nghèo, họ thế chấp căn nhà đang ở chung cùng cha mẹ già để vay tiền, bán cả sào ruộng rồi vay mượn thêm hàng trăm triệu đồng để có tiền xạ trị cho đứa lớn, phẫu thuật tim cho đứa nhỏ.
“Người ta một đứa mắc bệnh hiểm nghèo đã khó khăn lắm. Đằng này, ông trời quá bất công, bắt cả hai đứa con đều chung số phận. Tôi thì khuyết tật, vợ đau yếu, bố mẹ già, cái nghèo đeo bám, biết nhìn vào đâu để cứu con đây? Cao xanh hỡi, sao số kiếp của gia đình tôi lại khổ thế này?
Thời gian điều trị cho hai con còn rất dài, chi phí tốn kém. Cầu xin mọi người cứu lấy con tôi, cho chúng một cơ hội sống”, anh Hiền cầu xin.
Đã quá khuya, bệnh viện đã thưa người qua lại nhưng anh Hiền vẫn mặc đồng phục grap đứng bên chiếc xe máy đợi khách. Đôi mắt tìm kiếm, miệng mời gọi khách đi xe. Người đàn ông này chỉ hi vọng sẽ kiếm thêm vài khách đi xe để có thêm ít tiền mua cho con hộp sữa uống lấy sức để chuẩn bị cho đợt điều trị hóa chất sắp tới.