Người xưa dặn: ‘Xây nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn’, vì sao?

Hẳn nhiều người đã nghe tới những câu như “Nhà hướng Nam không làm cũng có ăn” hay “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”… Vì sao nhà hướng Nam lại được ưa chuộng như vậy?

Nhà hướng Nam đón ánh sáng tốt

Theo quan niệm của người xưa hướng Nam đại diện cho dương còn hướng Bắc tượng trưng cho âm. Một ngôi nhà hay một mảnh đất muốn có phong thuỷ thuận lợi thì cần phải cân bằng giữa âm và dương. Nhưng việc xác định phương Nam chính xác không phải điều dễ dàng, nếu lệch về hướng Đông hoặc Tây một chút thì vẫn chấp nhận được.

 

Nếu như không thể xây nhà hướng Nam thì việc mở cửa sổ hoặc tạo giếng trời hướng Nam cũng giúp tăng cường ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà.

Việc xây nhà hướng Nam cũng mang lại lợi ích bởi nó tránh được tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời từ hướng Đông vào buổi sáng và từ hướng Tây vào buổi chiều. Đồng thời tránh được gió nóng từ phía Tây và gió lạnh từ phía Bắc. Một ngôi nhà hướng Nam vì vậy sẽ tận dụng được tối đa ánh sáng mặt trời, đảm bảo ngôi nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Nhà hướng Nam thông gió tốt

Địa hình và điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam làm cho việc lựa chọn hướng Nam để xây nhà trở nên lý tưởng. Nó không chỉ tạo điều kiện cho gió lưu thông mà còn đảm bảo ánh sáng Mặt trời đầy đủ.

Một ngôi nhà hướng Nam sẽ giúp không gian sống trở nên thoải mái: mát mẻ trong những ngày hè nóng bức nhờ gió từ hướng Đông Nam và Nam, ấm áp trong mùa đông khi tránh được hướng gió mùa lạnh. Nhờ đó là việc thông gió trong nhà luôn được duy trì ở mức tốt nhất, tạo nên môi trường sống khoẻ mạnh và dễ chịu.

Hướng Nam là hướng cao quý và phát đạt

Trong Tiên thiên bát quái, hướng Nam được liên kết với quẻ Càn, biểu tượng của bầu trời và quyền lực vương giả, đánh dấu nó như phương hướng của vua chúa. Còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam lại tương ứng với quẻ Ly – biểu tượng của ánh sáng và lửa. Cổ nhân vua chúa thường ngự ở phía Bắc và hướng mặt về phía Nam để đón nhận sự thông tuệ và sáng suốt trong việc cai quản đất nước.

Điều này phản ánh niềm tin rằng hướng Nam liên quan đến sự thịnh vượng, vinh quang và uy quyền của một người, từ đó xuất hiện quan niệm “Nhà hướng Nam không làm cũng có ăn” trong dân gian.

Nhưng theo lý thuyết phong thuỷ Bát trạch thì hướng Nam hợp với những người thuộc mệnh Đông tứ trạch. Những người mệnh Tây tứ trạch cũng có thể xây nhà hướng Nam nếu biết cách sử dụng các biện pháp phong thủy như gương bát quái để cải thiện vận khí.

Trong tâm linh phương Đông, người ta thường coi những tai họa thường xuất phát từ hướng Bắc, vì vậy mọi người thường thận trọng với hướng này. Sự lo ngại về những hiểm họa từ phương Bắc đã tạo nên áp lực tâm lý, khiến người ta ngần ngại khi thiết kế cửa chính hướng Bắc.

Hơn nữa, cửa chính mở về hướng Bắc có thể đón nhận không khí lạnh cắt da cắt thịt trong mùa đông từ phương Bắc. Vì vậy mà việc chọn hướng Nam cho ngôi nhà là lựa chọn ưu tiên.

*Thông tin chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nguoi-xua-dan-xay-nha-huong-nam-khong-lam-cung-co-an-vi-sao-d204421.html
X