Mẹ của hơn 14.000 thai nhi
Theo báo Vietnamnet, nhà của chị Phạm Thị Kim Lợi (39 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) tựa lưng vào núi. Từ nhà chị nhìn lên có thể thấy nghĩa trang rộng lớn với những nấm mộ nhiều màu sắc được xây đều tăm tắp.
Chị Lợi gọi đây là Trang viên hoa hồng, nơi chôn cất hơn 14.000 xác thai nhi xấu số. Kỳ lạ hơn, tất cả các bé nằm lại trang viên này đều được chị tự tay đem về chôn cất từ bệnh viện, phòng khám…
Trang viên hoa hồng nằm trong phần đất thuộc sở hữu của gia đình chị Lợi. Đây cũng là di nguyện của ông ngoại chị, người phát tâm dành một khu đất rộng làm chỗ chôn cất thai nhi, trẻ sơ sinh xấu số.
Chị Lợi quyết định tiếp nối công việc chăm lo cho các mộ phần thai nhi tại Trang viên hoa hồng từ năm 2004.
Sinh thời, ông ngoại của chị rất thích trẻ con. Ông sinh được 18 người con và cũng có người bị mất từ khi còn rất nhỏ. Sau này, ông quyết định dành khoảng đất rộng trên sườn núi để làm nơi chôn cất trẻ sơ sinh, thai nhi không có duyên với bố mẹ.
Sau khi ông mất, con cháu của ông không ai đủ duyên để tiếp nối công việc. Sau này, chị Lợi nhận thấy mình “đủ duyên” tiếp nối di nguyện của ông. Bởi, từ khi còn là con gái, chị đã theo ông ngoại đi nhận xác thai nhi về chôn cất.
Năm 2004, chị chính thức tiếp quản trang viên, tình nguyện nhận xác thai nhi, trẻ sơ sinh vắn số về chôn cất.
Chị nói: “Mục đích đầu tiên của trang viên là giúp thai nhi bị chối bỏ tại các bệnh viện, phòng khám…có nơi an nghỉ. Sau này, trang viên nhận chôn cất, làm mộ phần miễn phí cho xác thai nhi, trẻ sơ sinh được người dân phát hiện.
Chị đã có gần 20 năm gắn bó với công việc tình nguyện nhận, chôn cất thai nhi, trẻ sơ sinh mất sau sinh tại trang viên.
“Tôi thương các bé như nhau nên không có chuyện mộ phần bé này to, đẹp trong khi các bé khác lại nhỏ, xấu hơn… Hiện nay, trang viên có hơn 14.000 mộ phần. Và tôi đều nhận các bé trong trang viên là con, xưng mẹ”.
Từ khi được ông ngoại cho diện tích đất nhỏ dưới chân núi, chị Lợi cất nhà để ở, ngày ngày lên trang viên chăm sóc các mộ phần. Thời gian còn lại, nếu được các phòng khám, bệnh viện liên hệ, chị sẽ đến nhận xác thai nhi đem về trang viên.
Tại đây, chị tắm rửa, tẩm liệm cho các bé trước khi thực hiện việc chôn cất. Đối với các bé được cha mẹ thừa nhận hoặc mất sau khi sinh, chị vận động cha mẹ các bé xây mộ phần cho con mình.
Chị nói: “Trường hợp này, tôi chia sẻ rõ với ba mẹ các bé là: “Trang viên sẽ cho đất làm nơi an nghỉ cho bé. Nhưng con người khi sống có nhà, chết đi có mồ mả.
Chị thường được các bệnh viện, phòng khám liên hệ đến nhận những thai nhi bị chối bỏ đem về trang viên chôn cất.
Trang viên đã cho đất, ba mẹ hãy cố gắng xây một nấm mồ để bé thấy rằng dù mình không có duyên sống với ba mẹ nhưng cũng được ba mẹ chăm lo”. Lúc này, họ sẽ tự xây các mộ phần cho con mình.
Nếu hoàn cảnh ba mẹ các bé quá khó khăn, tôi sẽ tình nguyện tẩm liệm, cho đất và làm mộ phần cho bé. Kinh phí để duy trì và xây cất các mộ phần này đến từ sự đóng góp của mạnh thường quân, người dân địa phương”.
Nguyện một đời làm chuyện lạ lùng
Sau khi dành cả thanh xuân cho trang viên, chị Lợi gặp gỡ và yêu người chồng hiện tại. Tuy nhiên, khi biết chị làm công việc lạ lùng, đáng sợ trong mắt nhiều người, tình yêu của 2 người gặp nhiều trắc trở.
Gia đình chồng tương lai của chị không thích chị tiếp tục công việc của mình. Mẹ chồng tương lai của chị có nỗi lo tâm linh rằng nếu làm công việc này, đường con cái của chị và con trai mình sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên cuối cùng, hai bên gia đình vẫn tôn trọng quyết định của anh chị và đồng ý cho cả hai thành vợ thành chồng. Họ dọn về ở trong ngôi nhà nhỏ tựa lưng vào sườn núi.
Trước khi chôn cất, thai nhi được chị Lợi vệ sinh, tẩm liệm trong căn phòng tại trang viên.
Về chung nhà, chồng chị Lợi hết lòng ủng hộ việc làm của vợ. Thậm chí, anh quyết định đồng hành với công việc mà chị đã gắn bó suốt gần 20 năm qua.
Không chỉ thế, anh còn hy sinh nhiều cho chị. Một mình anh lo kinh tế gia đình, chăm sóc các con để chị có thời gian đi nhận thi thể thai nhi về trang viên lo hậu sự.
Theo chị Lợi, tại trang viên, số thai nhi bị phá bỏ nhiều hơn gấp nhiều lần số trẻ sơ sinh mất sau sinh. Trong tổng số hơn 14.000 mộ phần chỉ có khoảng 200 mộ phần là nơi chôn cất của các bé sơ sinh mất sau khi sinh. Số còn lại là thai nhi bị phá bỏ.
Sau đó, thai nhi được chôn cất ở các huyệt mộ đã được xây sẵn.
Con số trên cũng chính là nguyên nhân khiến chị Lợi không thể từ bỏ công việc lạ lùng, đáng sợ theo cách nhìn của nhiều người. Chị tâm sự: “Tôi vào tận nơi để nhận thi thể thai nhi bị chối bỏ nên hiểu và cảm nhận được nỗi đau các bé phải chịu đựng khi bị đưa ra khỏi cơ thể mẹ.
Tôi đem các bé về, ngồi nhìn từng khuôn mặt, rửa từng ngón tay, ngón chân… thương lắm. Dù các bé không phải con cái, máu mủ của mình nhưng tôi rất thương”.
Tại trang viên, mỗi tháng, chị Lợi tổ chức cúng cho các bé 2 ngày là ngày rằm và ngày mùng 1. Để xua tan không khí ảm đạm của trang viên, chị Lợi trồng cây, hoa, bài trí tiểu cảnh vui nhộn, bắt mắt.
Khuôn viên trang viên và các mộ phần được chị Lợi trang trí bằng nhiều màu sắc bắt mắt.
Có niềm tin tâm linh các bé đã khuất cũng thích màu sắc, chị Lợi quyết định trang trí, sơn các mộ phần trong trang viên bằng những gam màu sáng, tươi tắn. Các tiểu cảnh, mái che, khu vực nghỉ chân… tại đây cũng được sơn màu sắc sặc sỡ.
Chị nói: “Bây giờ, chỉ khi nào bệnh nặng, ốm liệt giường, tôi mới không lên trang viên, đi nhận thai nhi bị chối bỏ. Thậm chí, tôi không dành nhiều thời gian cho 2 con của mình bằng các bé ở trang viên. Thế nên, tôi vẫn bị người ta nói là không bình thường.
Nhưng tôi thấy vui, hạnh phúc với công việc này. Nó đến từ trái tim và tình thương của tôi dành cho những thai nhi, em bé không có duyên sống ở cõi đời này. Tôi nguyện một đời làm chuyện lạ lùng trong cách nghĩ của nhiều người”.
*Ảnh: Nhân vật cung cấp