Ngỡ ngàng khi vàng bị…ế

Như các báo đã đưa tin, qua bốn phiên đấu thầu vàng thì có đến ba phiên phải hủy, một phiên ế. Điều này không khỏi khiến dư luận ngỡ ngàng, khó hiểu bởi quý như vàng mà lại…ế.

Giá vàng cập nhật lúc: 14:35 – 07/05/2024

Khách hàng đang mua vàng. Ảnh: TL

Theo Pháp luật TP. HCM, thật ra ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, với một số điều kiện để được tham gia thì dư luận đã đánh giá có vẻ “khó nhai”, khó thành công!

Lý do là các điều kiện đưa ra như đánh đố khi phải mua 1.400 lượng, đặt cọc 10%; trúng thầu phải thanh toán tiền ngay, hai ngày sau mới nhận được vàng. Đó là chưa kể giá khởi điểm và giá bỏ thầu cao hơn hay thấp hơn thị trường hiện tại.

Nói cách khác, các bên đã không có tiếng nói chung ngay từ trong trứng nước, nhất là những người “yếu thế” cảm thấy như bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Bởi với khối lượng chào thầu tối thiểu và mức giá bán vàng như vậy, cuộc chơi đấu thầu vàng đang có lợi cho các doanh nghiệp “nhà giàu” mà cụ thể là các ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý có tiềm lực tài chính tốt.

Bốn phiên đấu thầu mà có đến ba phiên hủy, một ế đã nói lên tất cả cách làm rất khó hiểu (quá tam ba bận), hay nói thẳng ra là chưa thành công nếu không muốn nói thất bại.

Trong khi mục đích yêu cầu đặt ra là lành mạnh hóa và ổn định thị trường, liên thông giá vàng… thì tất cả đã ngược lại. Vì thực tế sau mỗi lần đấu thầu thì giá vàng trong nước lại bật tăng mạnh, trong khi thế giới có khi giảm.

Kết quả trên không khỏi khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi: Mục đích đấu thầu để làm gì? Cách làm đã hợp lý chưa? Cần làm gì để không còn nghịch lý này nữa?…

Tôi cho rằng để các phiên đấu thầu vàng thành công, cần phải có nhiều thay đổi. Ví dụ số lượng đặt thầu tối thiểu cần phải giảm xuống, thời gian nhận vàng rút ngắn hơn, giá vàng sát hơn với giá thế giới hơn….

Đặc biệt cần sửa nghị định 24/2012, bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, cho hạn ngạch nhập khẩu… Cách làm này có thể nói là dễ dàng nhất và chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Tôi xin nhắc lại giải pháp tốt nhất đơn giản nhất vẫn là sửa nghị định 24/2012, bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, cho hạn ngạch nhập khẩu… mà dư luận và các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng.

Đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường. Còn về dài hạn, cần sửa đổi nghị định 24 và lập sàn giao dịch vàng quốc gia.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/ngo-ngang-khi-vang-bie-d35019.html