Muốn biết cha mẹ ở nông thôn vất vả như thế nào khi cho con lên thành phố học đại học thì đây là bài viết dành cho bạn
Đời cha mẹ đã không được ăn học đàng hoàng, nên dù giờ khó khăn, vất vả, cũng cố gắng tích từng đồng nuôi con ăn học thành tài.
Học đại học là mơ ước của rất nhiều người, bởi với họ đó là cơ hội duy nhất để đổi đời. Đặc biệt là ở các tỉnh lẻ hay vùng quê nghèo, khi cha mẹ ngày trước không đủ điều kiện ăn học thì mọi hy vọng lại dành hết cho con cái. Ai cũng mong con mình đỗ đạt, học thành tài để thoát khỏi cái nghèo cái khó.
Những bậc làm cha làm mẹ đặt lên vai các con ước mơ dang dở mà ngày xưa họ chưa thực hiện được. Dù nghèo nhưng nhà nào cũng dồn hết của cải, tiền bạc để con mình lên thành phố học đại học. Mỗi tháng lại chật vật lo tiền nhà, tiền ăn, tiền học phí gửi lên.
Hai vợ chồng ở nhà nuôi lợn, đang hý hửng vì nhìn những chú lợn ngày càng lớn lên, bán đi sẽ có tiền sắm giống mới, tiêu Tết. Tuy nhiên niềm vui đã nhanh chóng vụt tắt khi nhà nhận được thư của cậu con trai đang học trên thành phố:
“Bố mẹ kính mến,
Sau nhiều tháng nỗ lực, việc học của con đã bắt đầu đạt được kết quả. Bài làm vừa qua con được thầy giáo tuyên dương toàn khoa.
Nhưng học ngành này tốn kém lắm bố mẹ ạ. Một hộp bút vẽ mỹ thuật đắt gần bằng hai chỉ vàng. Con chỉ dám mua lẻ 2 chiếc. Toàn bộ thước kỹ thuật giá cũng gần 1 chỉ. Hiện nay con đang học thêm ngoại ngữ để sau này còn làm việc với người nước ngoài. Trường thì xa nơi con ở nên con phải mua chịu của anh bạn Hà Nội chiếc xe đạp Nhật giá 750.000 đồng thôi. Thầy mẹ thu xếp gửi tiền gấp cho con bằng thư chuyển tiền như những lần trước nếu không họ sẽ bán mất. Nhớ gửi ngay cho con.”
Nghe con trai học hành tiến bộ, 2 vợ chồng vui mừng khôn xiết nhưng khi thư nhắc đến tiền nong, sắc mặt 2 người thay đổi 180 độ, tối sầm lại.
Người mẹ than thở:
– Nhà mình đào đâu ra tiền hả ông? Từ ngày nó vào trường đến giờ đã tốn gần triệu bạc rồi. Tiền quần tiền áo cho bằng người, tiền giấy, tiền bút, tiền ăn hàng ngày, giờ còn tiền xe nữa lấy đâu ra. Sao không bảo nó lấy chiếc xe đạp của ông?
– Bà nghĩ xem, con mình là sinh viên đại học lại đi xe này sao? Xe này chỉ để tôi lên huyện lấy nước gạo về nuôi lợn thôi. Hay là ta bán quách đôi lợn đi bà!
– Thế thì lấy tiền đâu sắm Tết, tiền đâu hỏi vợ cho nó?
– Việc học là trên hết, cả đời tôi khốn khổ vì thất học. Giờ con mình cần cái xe để đi học mà mình không lo được cho nó hay sao?
Nhìn theo dáng lam lũ, tất bật của các bậc cha mẹ nghèo lo mùa tựu trường cho con, lòng tôi cứ ngân mãi câu ca của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: Họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt/ Từ gieo mầm đến gặt hái phơi phong/ Dăm bảy tạ, vài trăm nghìn một vụ/ Một bữa tiệc xoàng của mấy “xếp” là xong.
Thế mới thấy, cha mẹ ở quê dù khó khăn, khốn khổ như nào cũng luôn mong con cái học hành thành người. Vậy nên các bạn sinh viên ra thành phố học hãy cố gắng để không phụ lòng cha mẹ nhé.