Theo báo Vnexpress, nghệ sĩ nói về công việc, cuộc sống dịp từ TP HCM ra Hà Nội dự buổi ra mắt MV mới của học trò – ca sĩ Bích Hồng.
– Bước sang tuổi 71, bà duy trì sức khỏe, tinh thần thế nào?
– Tôi đều đặn dậy 6h sáng mỗi ngày, đi bộ hoặc đạp xe. Sau đó, tôi ngồi tắm nắng để tinh thần, cơ thể hấp thụ năng lượng buổi sớm. Khu nhà tôi nhộn nhịp, có nhiều người cùng tuổi sáng sáng tụ tập, tâm sự đủ thứ, từ chuyện gia đình đến xã hội. Xong xuôi, tôi về nhà chuẩn bị đồ ăn cho chồng, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Tôi vẫn đi hát, nhưng tần suất không quá nhiều, chủ yếu để bớt nhớ nghề. Tôi sống cùng gia đình ở TP HCM, nhưng mỗi tháng vẫn về căn nhà tập thể ở Hà Nội ở khoảng 10 ngày, nhân lúc đi diễn hoặc có lịch dạy học trò. Tôi có điều kiện ở khách sạn sang trọng nhưng chỉ muốn về chốn cũ, ôn lại kỷ niệm xưa. Ở đó, tôi thấy thoải mái, được là chính mình.
Trước mỗi lần đi, tôi sắp xếp việc nhà ổn thỏa. Chồng hơn tôi 12 tuổi, năm nay đã 83. Anh hiểu, thông cảm, ủng hộ công việc, sở thích của vợ. Tôi thấy cuộc đời mình bình lặng, hạnh phúc.
– Niềm vui ở tuổi thất thập của bà là gì?
– Tôi thích làm từ thiện, mỗi lần đi hát đều bớt ra một chút để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi và hai con gái cùng góp tiền, đã xây được năm căn nhà ở miền Tây, mỗi căn 50 triệu đồng. Số tiền không lớn so với nhiều người nhưng là nỗ lực của ba mẹ con. Ngoài ra, chúng tôi nhận nuôi năm em nhỏ, hỗ trợ mỗi em vài triệu đồng mỗi năm.
Tôi có hai con gái, con út là tiếp viên hàng không, con cả từng học nhạc viện, giờ đi theo con đường tu tập. Tôi không buồn vì con cái không theo nghề của mẹ. Tôi có nhiều học trò, coi các em như con, vậy là mãn nguyện.
Tôi không phải giảng viên chính thức của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng được gửi gắm dạy dỗ nhiều lứa. Ngoài dạy thanh nhạc, tôi trò chuyện với các em những bài học nghề nghiệp, cuộc sống. Theo tôi, nghệ sĩ phải hiểu tư tưởng nhạc sĩ muốn truyền đạt, hiểu văn hóa vùng miền, bối cảnh ca khúc, như vậy tiếng hát mới chạm đến trái tim khán giả.
– Tiếp xúc nhiều ca sĩ trẻ, bà nhận xét gì về thế hệ sau?
– Tôi nghĩ mỗi thế hệ đều có nhiều khác biệt, do cuộc sống, xã hội thay đổi. Thời chúng tôi, ai cũng nghèo, cũng khổ như nhau. Mọi người đều tập trung rèn luyện giọng hát, không bị xao nhãng bởi nhiều thú vui, cũng không có gánh nặng kiếm tiền. Các em ngày nay đa số vừa học vừa mưu sinh. Thậm chí có em chỉ cần vài bài để đi diễn, lời còn chưa thuộc kỹ.
Chẳng hạn, bài Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương, tôi nghe có bạn hát “Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen” thành “Bao nhiêu năm theo dòng đời ganh đua”. Nhiệm vụ của mình lúc ấy là phải phân tích cho các em hiểu “đua chen” và “ganh đua” khác nhau thế nào, vì sao nhạc sĩ chọn từ ngữ như vậy.
Nghệ sĩ Thu Hiền hát cùng Yến Lê bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp) trong chương trình “Cassette hoài niệm”, phát sóng tháng 7. Video: VTV
– Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ làm nghề, bà nhớ những kỷ niệm gì?
– Tôi đi diễn từ lúc lên 5 tuổi, ngồi trong thúng, được các cô, các bác trong gánh hát rong lôi đi khắp nơi. Trăng lên cao, khi người dân cấy gặt về, gánh mới biểu diễn. Thời chưa có đèn, người xem, người hát chỉ nương vào ánh trăng. Mãi sau này mới có chiếc đèn măng-xông chạy bằng gas. Nhiều lúc, bọ, muỗi liên tục bay vào mồm lúc hát. Chúng tôi cũng chẳng lấy đâu ra son phấn, bôi vôi lên má, giã gạch tô vào môi.
15 tuổi, tôi vào chiến trường miền Trung, hát cho bộ đội. Nhiều người nghĩ văn công chỉ có biểu diễn nhưng không phải. Chúng tôi nấu ăn, cứu chữa cho thương binh, đỡ đẻ, cũng đối mặt bom rơi lửa đạn, sinh tử. Tôi nhớ kỷ niệm năm 1972, tôi đến Đông Hà (Quảng Trị), được lệnh sang sông Thạch Hãn để hát qua bên kia Thành Cổ. Tôi phải hát qua chiếc loa bóp, cứ bóp thì quên hát, mà hát lại quên bóp. Đồng chí chính trị viên ở sau phải cầm cây gậy khều vào lưng để nhắc. Hôm ấy, tôi hát hai bài là Trông cây lại nhớ đến Người (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) và dân ca Người ơi người ở đừng về.
Nghệ sĩ Thu Hiền hát “Hoa cau vườn trầu” (nhạc sĩ Nguyễn Tiến). Video: HTV