“Em giận chồng nên không nấu nướng, để cho anh ấy tự lo, làm được thì ăn không làm được thì nhịn, 2 mẹ con gọi đồ ăn bên ngoài…”, người vợ kể.
Dù phụ nữ bao dung và nhẫn nhịn giỏi tới đâu đi nữa cũng đều có giới hạn nhất định. Đặc biệt, không ai có thể chấp nhận hi sinh bản thân mình mãi mà không được đối phương trân trọng. Giống chia sẻ của người vợ trẻ tên M. trong chuyện dưới đây chẳng hạn.
M. kể: “Chồng em là con 1, được bố mẹ chiều từ nhỏ nên khi đã có gia đình rồi anh ấy vẫn sống ỉ lại, vô trách nhiệm lắm. Anh quen được mẹ phục vụ, sau kết hôn mặc định luôn vợ phải chăm lo cho mình y như vậy. Đi làm về là anh ấy dán mắt vào điện thoại chơi điện tử, tới bữa vợ bưng cơm lên phải gọi thì mới ra ngồi ăn. Thành ra tuy em mới sinh 1 bé nhưng vất vả như thể chăm 2 đứa con thơ, vì chồng em có đỡ đần gì cho vợ, thậm chí còn làm em vất vả hơn.
Đã vậy cứ động giận dỗi vợ là anh ấy lên xe về nhà nội. Mẹ chồng em vì không sống cùng các con nên nhiều khi cũng không rõ ngọn ngành mọi chuyện. Thấy con trai chê trách, nói xấu gì vợ là bà lại gọi sang nói chuyện với em. Bà cũng không bắt bẻ, mắng mỏ gì con dâu đâu nhưng giọng không vui, khuyên em làm vợ phải biết nhún nhường này khác, thành thử em lại càng căng thẳng”.
M. tâm sự rằng, lấy phải người chồng quá vô tâm và sống ỉ lại không biết thương vợ nên cuộc sống hôn nhân với cô là cả 1 gánh nặng, lúc nào cô cũng thấy mình cô độc vì chồng giống như người ngoài cuộc, không có trách nhiệm với gia đình. Không những thế, anh còn chưa trưởng thành trong tư tưởng, liên tục để cuộc sống vợ chồng ảnh hưởng tới tinh thần của phụ huynh khiến M. ở giữa càng khó xử.
M. kể: “Cách đây hơn tuần em giận chồng nên không nấu nướng, để cho anh ấy tự xoay xở, làm được thì ăn không làm được thì nhịn, 2 mẹ con gọi đồ ăn bên ngoài. Không có vợ nấu cơm cho, chồng em ăn quán chán thì về úp mì tôm ăn. Suốt 3 ngày ròng rã em để kệ anh ấy ăn mì ăn liền như thế. Sau anh ấy chụp ảnh bát mì đăng lên facebook chia sẻ rằng đã 3 ngày vợ cho húp mì. Mẹ chồng em đọc status của con trai, lập tức bắt taxi sang nhà định chỉnh đốn con dâu.
Tuy nhiên sang tới nơi thấy em mặt mũi xanh xao, gầy hốc hác, trên bàn để túi thuốc to mới biết dâu ốm. Bà vội vàng hỏi em sao ốm mà không nói để bà sang đỡ việc giúp.
Hôm ấy là ngày thứ 4 em bị cảm, đã cắt sốt nhưng người vẫn mệt lử. Bà ở lại chơi thấy dâu ốm mà vẫn làm luôn chân luôn tay, từ chăm con tới giặt giũ dọn dẹp, không được nghỉ ngơi tí nào nên sốt ruột bảo: ‘Con ốm phải nghỉ ngơi cho khỏe chứ. Mà biết con ốm thằng T. vẫn cứ đi chơi suốt thế này à?’.
Ở cùng 1 ngày chứng kiến con dâu vất vả như thế, bà xót quá cứ giục em đi nằm để bà làm đỡ. Tới 8h tối chồng em mới về, bà hỏi: ‘Con đi đâu giờ này mới về?’. Anh ấy chẹp miệng: ‘Về cũng có cơm ăn đâu’.
Anh ấy nói giọng hậm hực kiểu mách tội vợ với mẹ, ai ngờ bà đỏ mặt quát: ‘Muốn ăn thì xắn tay đi mà làm. Vợ ốm mày không chăm nom hỏi han còn đòi được phục vụ? Mày là đàn ông, sức dài vai rộng có thiếu chân cụt tay đâu lại cứ bắt vợ hầu. Hôm nay tôi sang đây mới chứng kiến vợ anh vất vả thế nào, còn anh sống vô tâm thiếu trách nhiệm ra sao. Nay tôi bảo vợ anh rồi đó, nếu anh không giúp vợ trông con làm việc nhà thì tôi sẽ đón mẹ con nó về bên kia ở với bố mẹ, cho anh sống 1 mình”.
M. kể rằng chồng cô trước giờ được mẹ chăm chiều nhưng cũng sợ mẹ vì tính bà đã nói là làm, không bao giờ nói 2 lời. Từ hôm ấy, hầu như ngày nào mẹ chồng cô cũng sang giám sát, đôn đốc con trai làm việc nhà cùng vợ nên anh không dám trốn việc. Hơn nữa có trực tiếp làm thì anh mới hiểu được nỗi vất vả M. phải gánh vác từ ngày làm vợ anh, cũng từ đó tình cảm vợ chồng ngày một đi lên. Đặc biệt, qua chuyện lần này M. mới rõ hơn về mẹ chồng mình, thấy bà sống công bằng, thương con dâu như con trai khiến cô rất quý và tôn trọng bà hơn.