Nên khóa van gas trước hay sau khi tắt bếp gas?

Các cửa hàng bán gas luôn khuyến cáo người dùng khóa van bình gas sau khi sử dụng để đảm bảo an toàn; vậy nên khóa van trước hay tắt bếp trước?

Khóa van bình gas sau khi sử dụng là một trong những nguyên tắc an toàn mà bất cứ ai nấu nướng bằng bếp gas đều phải nhớ. Điều này cũng được các kỹ thuật viên sửa chữa bếp hay người bán gas, bán bếp khuyến cáo, nhắc nhở khách hàng thường xuyên. Tuy nhiên, van gas nên khóa trước hay sau khi tắt bếp lại là điều khiến nhiều người băn khoăn, thắc mắc.

Van gas nên khóa trước hay sau khi tắt bếp?

Câu trả lời là phải khóa van bình gas trước rồi mới tắt bếp. Nguyên nhân là khi bạn nấu, khí gas sẽ chuyển động từ bình qua ống, dây dẫn và đến bộ phận đốt của bếp. Sau khi gas trong bình đã được khóa chặt, một lượng gas thừa nhất định sẽ vẫn tồn tại trong ống dẫn. Đây là lượng gas đã ra khỏi bình, tới ống dẫn ga nhưng chưa được chuyển thành khí đốt. Nếu gas tồn đọng trong ống dẫn và dây dẫn thì khi gặp điều kiện thích hợp, nó có thể gây ra cháy nổ.

Nếu chẳng may dây dẫn bị chuột bọ cắn gây rò rỉ khí gas ra bên ngoài mà không may gặp nguồn nhiệt thích hợp có thể dẫn tới tình huống cháy nổ không mong muốn, gây mất an toàn cho người sử dụng.

Do đó, khi sử dụng xong bếp gas, chúng ta cần lưu ý khoá van bình gas trước và để lượng gas tồn trong đường ống bị đốt cháy hết rồi mới tắt bếp.

Van gas nên khóa trước hay sau khi tắt bếp? Câu trả lời là nên khóa van trước. (Ảnh: Toplist)

Vì thế, để đảm bảo an toàn khi sử dụng bếp gas, quy trình đúng là sau khi đun nấu, bạn hãy khóa van bình gas lại, đợi đến khi lửa trên bếp tắt hẳn rồi mới nên tắt bếp. Cách này vừa đảm bảo lượng tiêu thụ hết lượng gas thừa trong đường dẫn, không lo rò rỉ, đồng thời giữ cho bếp không bị bùng lửa đột ngột khi bạn bật lại để nấu.

Nguyên tắc an toàn khi dùng bếp gas

Chia sẻ trên Vnexpress, ông Nguyễn Quang Tùng, chuyên gia về khí hóa lỏng tại TP.HCM, nêu một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng bếp gas như sau:

– Đặt bình gas ở chỗ thông thoáng: Khí gas thường nặng hơn không khí cho nên khi thoát ra ngoài sẽ tràn xuống dưới đất. Vì thế, phía dưới tủ bếp chỗ để bình gas cần được để thoáng. Bình gas phải được đặt cách bếp từ 1 đến 1,5 mét. Dù nhà hẹp, bạn cũng không được đặt bình gas ngay dưới bếp nấu. Cửa tủ đặt bình gas phải luôn luôn được mở hoặc tháo hẳn để dễ quan sát, tránh chuột vào làm tổ hoặc gặm ống dẫn.

– Nên mua bình gas của các công ty, đại lý uy tín, tránh những sản phẩm sang chiết lậu. Bình gas mới phải được nạp đúng khối lượng ghi trên vỏ bình, không thừa hoặc thiếu quá 0,1kg. Khi quan sát bằng mắt thường, bình gas phải còn nguyên vẹn, không trầy xước, không hoen rỉ hay móp méo.

– Bệ đặt bếp nên làm bằng vật liệu không cháy. Nên đặt bếp cách tường ít nhất 15 cm, cách trần từ 1 đến 1,5 m, cách các thiết bị điện 1,5 m. Không để bất cứ vật gì, kể cả chân bếp, đè lên ống dẫn gas.

– Sau khi nấu, bạn khóa van ở đầu bình gas để cho gas trong ống dẫn cháy hết rồi mới tắt bếp. Một số người có thói quen sau khi nấu xong chỉ tắt bếp mà không khóa bình, điều này rất nguy hiểm. Thực tế có nhiều trường hợp bình gas không khóa van, khí luôn tràn trong dây dẫn, khi dây bị chuột cắn khí gas rò rỉ ra ngoài, gây ngộ độc hoặc hỏa hoạn.

– Thường xuyên vệ sinh bếp và các thiết bị sử dụng gas. Nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng, bạn nên thay bếp mới ngay. Các vụ nổ khí gas xảy ra thường do gas bị rò rỉ khỏi vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn… Đặc biệt, ống dẫn gas là bộ phận “nhạy cảm” dễ bị rò rỉ, nên thay sau từ 3 đến 5 năm sử dụng.

– Định kỳ kiểm tra các thiết bị gas bằng cách dùng nước xà phòng bôi vào vỏ bình, van, ống dẫn gas, nếu thấy có bong bóng nổi lên bất thường thì có thể nơi đó bị rò rỉ.

– Gas là khí không màu, không mùi, không vị nhưng nhà sản xuất trộn thêm chất phụ gia có mùi thối để người dùng dễ nhận biết nếu gas bị rò rỉ. Khi ngủi thấy mùi đặc trưng này, nhất là vào ban đêm, người dân thường có thói quen bật đèn hoặc hộp quẹt để kiểm tra bình gas. Điều này khá nguy hiểm vì gas bắt lửa rất nhạy, việc bật đèn, quạt, điện thoại di động có thể phát ra tia lửa, gặp khí gas dễ gây cháy. Cách làm đúng trong trường hợp này là mở các cửa cho thông thoáng để gas tự bay ra ngoài, giảm nồng độ khí trong bếp. Nếu mùi càng nồng nặc hơn, nên thông báo cho đại lý bán gas để được tư vấn xử lý ngay.

– Nếu có điều kiện, bạn nên lắp thiết bị báo rò gas loại nhỏ trong hộc tủ bếp gần bình gas và phụ kiện, cách nền nhà 25cm. Giá thiết bị này dao động từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng một chiếc.

Trong trường hợp có sự cố hỏa hoạn, bạn nên bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

– Đóng nguồn gas ngay lập tức.

– Nếu không có bình cứu hỏa, hãy dùng vải dày hoặc chăn nhúng nước phủ lên để dập tắt đám cháy.

– Nếu ngọn lửa không được khống chế mà tiếp tục lan ra, hãy bấm gọi 114 để được lực lượng phòng cháy chữa cháy ứng cứu kịp thời.

Chuyên gia đưa lời khuyên hướng dẫn sử dụng gas an toàn tới người tiêu dùng

Trong chương trình truyền hình Sáng phương nam phát sóng trên VTV9, chuyên gia của Tổng Công ty Khí Việt Nam – PetroVietnam Gas đã chia sẻ những nguyên tắc để lựa chọn và sử dụng bếp gas một cách an toàn.

Theo đó chuyên gia cho biết, khi mua bình gas về sử dụng người tiêu dùng phải xem trên bình gas có tem chống hàng giả và niêm phong in rõ ngày tháng cụ thể hay không. Đồng thời cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu gas uy tín trên thị trường để tránh mua nhầm phải hàng giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, trong quá trình lắp đặt, chúng ta cũng nên giám sát nhân viên khi họ thay bình gas và lắp đặt ống dẫn. Lưu ý bình gas cần được đặt thẳng đứng, không đặt gần các thiết bị điện hoặc ổ cắm, công tắc điện. Nên đặt bình gas ở nơi thông thoáng để có thể dễ dàng phát hiện khi gas bị rò rỉ.

Bên cạnh đó, phần dây dẫn gas nên lựa chọn và sử dụng chất liệu cao su mềm chất lượng cao, không bị nứt, thủng và các đầu nối cần phải được nối kín.


Nên định kỳ kiểm tra tình trạng bình gas để đảm bảo an toàn. Ảnh: Internet.

Chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên đặc biệt chú ý phần van gas, thường xuyên kiểm tra xem hai đầu van có bị gỉ hay có dấu hiệu khó vặn hay không?

Theo nhà sản xuất kiến nghị, van gas và dây dẫn cần thay định kỳ, thông thường từ 3 – 5 năm thì cần thay một lần. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kiểm tra bằng cách pha nước rửa bát hoặc bọt xà phòng sau đó bôi lên van gas, dây dẫn, nếu thấy sủi bọt khí thì van gas hoặc dây gas đã bị rò rỉ cần khoá gas và thay ngay lập tức.

Nếu cảm thấy có điều bất thường trong quá trình nấu nướng, hoặc ngọn lửa cháy có điểm bất thường nên khoá van an toàn và liên hệ với nhân viên của đại lý gas để hỗ trợ và xử lý. Đặc biệt, sau khi sử dụng xong thì khoá van bình gas lại trước, sau đó chờ cho khí gas cháy hết tự tắt thì mới tắt bếp.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nen-khoa-van-gas-truoc-hay-sau-khi-tat-bep-gas-d205719.html
X