Mỹ nhân đẹp nhất nhì Sài Gòn xưa: 18 tuổi đã 3 đời chồng, cặp kè toàn đại thiếu gia và những ngày cuối đời khó tin

18 tuổi 3 đời chồng đều không hạnh phúc, cô Ba Trà chán ghét cuộc hôn nhân trăm năm, lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Danh sách người tình của cô dài vô biên, tất cả đều là đại gia, thiếu gia, tỷ phú chịu chơi.

Ngược thời gian trở lại những năm 20-30 của thế kỷ trước, có rất nhiều mỹ nhân tuổi trẻ son sắt, xinh đẹp mỹ miều, được mệnh danh là hoa hậu, hoa khôi. Dù thời điểm đó không có cuộc thi sắc đẹp nào được tổ chức chính thống nhưng nhan sắc nổi bật đã giúp nhiều phụ nữ được ca ngợi bằng các mỹ từ “hoa hậu”, “hoa khôi”, “người đẹp”.

Trong đó, cái tên cô Ba Trà nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Cô được biết đến với mệnh danh là “Tuyệt sắc giai nhân Sài Gòn”, “Bà hoàng sòng bạc Sài Gòn”, “Bà hoàng vũ trường”. Nhan sắc và cuộc đời cô được báo chí thời đó đề cập rất nhiều, có những câu chuyện đã trở thành giai thoại.

Đệ nhất mỹ nhân xuất thân nghèo khó

Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Hà, sinh năm 1906 ở tỉnh Long An trong gia đình nghèo khó. Theo lịch sử ghi lại, có người nói bố mẹ cô sống không hạnh phúc, cô về ở bên ngoại cùng mẹ. Cũng có người đồn rằng cha cô mất sớm, nhà nội nghĩ cô là “vật xui xẻo” mang lại tang tóc cho gia đình nên chì chiết, ghẻ lạnh cô. Thậm chí còn bị nghi ngờ là “con hoang” không cùng máu mủ.

Từ năm 14 tuổi, Ba Trà chỉ quần quật làm việc, hái rau, đi chân trần bắt ốc, mò cua,….. Mang những tổn thương tâm hồn và cuộc sống khổ cực nhưng không thể che giấu nhan sắc trời ban, càng lớn Ba Trà càng xinh đẹp. Cô được miêu tả là người có làn da trắng ngần, đôi má hồng, đôi mắt ướt, hàng lông mi dài cong vút khiến ai cũng mê mẩn.

Cô Ba Trà trên phim ảnh và đời thật

Đệ nhất mỹ nhân 18 tuổi đã 3 đời chồng và vô số người tình

“Vào đời” sớm, nhan sắc của Ba Trà ngày càng sớm trổ mã. Nhiều nhà văn, nhà thơ và các tay chơi thời bấy giờ hết lời khen ngợi nhan sắc cô Ba. Vì muốn thoát cảnh nghèo khó, mẹ cô Ba Trà đã ép gả cô cho một bác sĩ Tây già hơn cô vài chục tuổi, lúc này Ba Trà mới 14 tuổi. Cuộc hôn nhân không kéo dài bao lâu vì vị bác sĩ này trở lại Pháp. Ông ta chỉ để lại cho Ba Trà vài chục đồng bạc sinh sống.

Lần thứ 2, cô lên xe hoa cùng công tử nhà giàu đất Phan Rang tên Toàn. Thiếu gia này không tiếc tiền để chiều chuộng Ba Trà. Song cuộc sống hạnh phúc, viên mãn chỉ vỏn vẹn 2 năm. Thiếu gia Toàn vì si mê những giai nhân khác mà bỏ mặc vợ con.

Năm 18 tuổi, cô Ba Trà tiếp tục trở thành vợ của bác sĩ danh tiếng thời bấy giờ. Thế nhưng, không lâu sau đó, cuộc hôn nhân thứ 3 này cũng tan vỡ.

Bỏ mặc quá khứ, các đại gia vẫn hết lòng cưng nựng mỹ nhân Ba Trà

Dù từng trải qua 3 đời chồng nhưng Ba Trà vẫn là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý ở chốn ăn chơi. Thời điểm ấy, có đến cả chục người đàn ông sẵn sàng cung phụng tiền cho cô Ba tiêu xài xả láng. Những vị đại gia, công tử chỉ vì muốn có trái tim người đẹp mà không tiếc tay vung tiền.

Chán ghét những cuộc hôn nhân trăm năm, cô Ba Trà lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Danh sách người tình của cô dài vô biên, tất cả đều là đại gia, thiếu gia, tỷ phú chịu chơi.

Trong 10 năm rực rỡ nhất của nhan sắc, cô Ba Trà đã có trong tay trên mười nghìn lượng vàng. Đây đều là số tiền mà các đại gia, tỷ phú vung ra để lấy lòng người đẹp. Giai thoại về cuộc đối đầu giữa 2 người tình Hắc – Bạch công tử đình đám nhất, cả 2 đều si mê cô Ba Trà và tìm mua những món đồ đắt giá để vượt mặt đối thủ. Thế nên chẳng cần đòi hỏi, những thứ xa hoa như đồ trang sức, nhà cửa, tiền bạc, xe cộ đều tự tìm đến người đẹp.

Đặc biệt nhất phải kể đến cuộc thi luộc trứng hoặc nấu chè bằng tiền của 2 vị công tử này. Để một nổi chè sôi trong gần 1 giờ, mỗi công tử phải đốt 100 tờ giấy bạc. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước. Thế nhưng, cô Ba Trà không lựa chọn ai.

Hắc công tử và Bạch công tử – Hai người tình của cô Ba Trà

Theo lời cô Ba Trà kể lại với học giả Vương Hồng Sến, người chu cấp cho cô nhiều nhất là công tử Bích, tức đại gia Lâm Kỳ Xuyên ở Cần Thơ. Tổng số tiền công tử Bích tặng Ba Trà lúc bấy giờ lên tới 70.000 tiền Đông Dương.

Cô Ba Trà còn cặp bồ với ông Tòa áo đỏ tên Trần Văn Tỷ. Trước đó, ông Tỷ làm thư ký tòa bố Bạc Liêu, sau qua Pháp học trường chính trị rồi về nước làm quan Tòa áo đỏ ở Sài Gòn. Khi Ba Trà thiếu tiền tiêu, ông Tỷ sẵn sàng cung phụng và đưa về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard, ngày nay là đường Võ Văn Tần. Thế nhưng vì thói tiêu xài phung phí của cô Ba Trà nên 2 năm sau, ông Tỷ đã chia tay với cô.

Khi nhan sắc rực rỡ nhất, cô Ba Trà lại đốt tiền vào cờ bạc, đỏ đen. Không những thế, cô còn nghiện á phiện. Hầu như ngày nào cô cũng theo chân những tay chơi trọc phú, cầm ống hút ro ro, mắt lờ đờ theo những làn khói trắng. Dần dần, những chiếc nhẫn kim cương, món trang sức đắt tiền, chiếc vòng ngọc thạch…. dần bốc hơi hết theo “nàng tiên nâu”.

Đến khi sắc đẹp tàn phai, cô chẳng còn tiền, những công tử theo đuổi cô cũng lẩn tránh dần, cô phải đi làm thuê ở Chợ Lớn để kiếm ăn qua ngày. Không có tài liệu nào nói rõ năm mất của cô nhưng vài thông tin nói rằng, cô Ba Trà qua đời trong cảnh nghèo khổ, cô đơn ở gầm cầu thang một chung cư tại Sài Gòn. Tài sản duy nhất còn lại là chiếc ghế da của cha cô năm xưa.

Câu chuyện về cô Ba Trà luôn là một giai thoại của đất Sài Thành xưa. Cuộc đời trụy lạc, lầm lỡ và nỗi khổ tuổi xế chiều của một tuyệt sắc giai nhân chính là minh chứng cho câu nói “hồng nhan bạc mệnh”.

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link
X