Nhiều địa phương bị cô lập
Theo báo Tiền Phong, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tỉnh có 25 hồ, đập đầy nước, hơn 150 hồ có dung tích trên 70% dung tích thiết kế. Nhiều nhà máy thủy điện thông báo xả lũ.
Có 31 điểm ngập nước buộc phải chặn đường trên các quốc lộ và tỉnh lộ, nhiều điểm bị sạt lở nặng. 1.178 ngôi nhà bị ngập; 1.081 ha hoa màu bị hư hỏng; 116 ha ao, hồ bị ngập, hàng trăm con gia súc bị cuốn trôi…
Mưa lũ gây ngập hàng nghìn nhà dân ở Nghệ An
Tại huyện Kỳ Sơn, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, khoảng 8h sáng cùng ngày, nước từ thượng nguồn đổ về khe Huồi Giảng khiến mực nước dâng cao cuốn theo lượng lớn đất, đá. Khi chảy qua cầu dân sinh nối thị trấn và bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) bị tắc nghẽn khiến nước chảy tràn qua tuyến đường trung tâm thị trấn Mường Xén.
Nhiều nhà dân bị nước chảy tràn vào. Huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các lực lượng điều động máy móc đến hiện trường khơi thông dòng chảy, hỗ trợ nhà dân kê cao tài sản phòng tránh thiệt hại. Kế hoạch phá cây cầu dân sinh để tránh tắc nghẽn dòng chảy cũng đã được đưa ra.
Tại huyện Quế Phong, nhiều ngày qua, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất ở một số tuyến đường, ảnh hưởng giao thông đi lại. Một điểm sạt lở lớn tại khu vực Dốc Chuối trên quốc lộ 16 (đoạn qua xã Châu Thôn, Quế Phong) khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Các lực lượng đang lên phương án xử lý điểm sạt lở.
Tại huyện Quỳ Châu, đêm 26/9, nước ở thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hiếu dâng cao làm ngập lụt nhiều xã, bản trên địa bàn. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng huyện Quỳ Châu đã hỗ trợ bà con di dời tài sản đến nơi an toàn.
Ông Đào Minh Đức – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: “Mưa lớn khiến nhà dân bị nước lũ dâng cao chạm nóc nhà. Toàn bộ thị trấn đang bị cô lập do sạt lở đất và nước ngập”.
Quốc lộ 48A qua thị trấn Tân Lạc bị ngập nặng, gây ách tắc. Một số điểm ở dốc Bù Bài trên quốc lộ bị sạt lở. Bên cạnh đó, tất cả các cầu tràn trên địa bàn bị ngập, gây chia cắt.
Tại xã Châu Thắng và Châu Tiến, các trường mầm non, Tiểu học, trụ sở UBND xã đều bị ngập. Tại xã Châu Bình, một trận sạt lở đất xảy ra tại bản Kẻ Can vào khoảng 1- 2h sáng 27/9 khiến 3 nhà dân bị vùi lấp, rất may hơn 10 người trong 3 nhà này đã thoát nạn. Các lực lượng chức năng vẫn đang hỗ trợ bà con di dời đồ đạc ra khỏi những nơi bị ngập.
Mưa lũ gây ngập lụt nhiều nơi ở Nghệ An. Ảnh: PV
Thủy điện xả lũ, giao thông tê liệt
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn trong đêm 26/9 làm hàng trăm khối đất đá bị sạt lở, đổ xuống Km82+780 quốc lộ 8A, đoạn qua huyện Hương Sơn, khiến đường lên Cửa khẩu Cầu Treo bị tắc nghẽn.
Ông Võ Trường Giang, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 – Khu Quản lý đường bộ II cho biết, ngành chức năng đã phối hợp đặt biển cảnh báo từ xa, phân luồng giao thông và khắc phục sự cố. Đến 11h ngày 27/9, khối lượng đất đá này mới được giải phóng, quốc lộ được thông tuyến trở lại.
Tại huyện Hương Khê, mưa lũ cùng với Thủy điện Hố Hô xả lũ đã làm ngập 11 cây cầu, nhà dân và sạt lở đường tại xã Hương Trạch, Hương Đô, Hương Lâm. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu bị đổ gãy, đặc biệt gần 100ha bưởi Phúc Trạch bị ngập úng.
Ngày 27/9, lượng mưa giảm, nước tại các khu vực sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đã xuống. Nhiều người dân và chính quyền các địa phương tổ chức dọn dẹp lại nhà cửa, trường lớp để đón học sinh trở lại.
Trước đó, theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, do mưa lớn nên đoạn quốc lộ 48 bị ngập hơn nửa mét tại một số khu vực, chia cắt tuyến đường đi các huyện Quỳ Châu, Quế Phong.
Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn cũng bị ngập sâu, xe cộ không thể lưu thông qua.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết từ 22h30 tối 26-9, Công ty cổ phần Thủy điện Quế Phong đã vận hành xả hồ chứa thủy điện Bản Cốc do lưu lượng nước về hồ có xu hướng tăng, với lưu lượng xả từ 11,16m3/s đến 150m3/s.
Nhà máy Thủy điện Chi Khê vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Chi Khê cũng xả nước qua đập tràn từ 20h tối 26-9, lưu lượng xả khoảng 500m3/s đến 850m3/s.
Trong ngày 27-9, dự kiến nhiều nhà máy thủy điện ở Nghệ An sẽ xả nước, trong đó có thủy điện Nhãn Hạc, Nậm Mô, Châu Thắng và Sông Quang.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, chuẩn bị phương án và sẵn sàng di dời người, tài sản hoặc cấm đường khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Khuya qua (27/9), khu vực ven sông Hiếu (TX Thái Hoà) nước dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập nặng, có cả người mắc kẹt. Rất kịp thời, các chiến sĩ CS PCCC đã có mặt và giải cứu, đưa người và nhiều tài sản đến nơi an toàn.
Tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đến hơn 8h ngày 27-9, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học. Các huyện có số trường nghỉ học nhiều như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Các huyện còn lại như: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, việc nghỉ học diễn ra cục bộ tại những địa bàn bị chia cắt.
Tại huyện Quỳ Châu, TTXVN dẫn nguồn tin từ bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết qua nắm bắt ban đầu, hai điểm Trường mầm non và tiểu học ở bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh) nước đã dâng lên ngập đến mái. Nhiều điểm trường ở xã Châu Thắng nước đã tràn vào trường khoảng 1m.
Tại huyện Quế Phong, ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết trong sáng 27-9, qua nắm bắt ban đầu, các trường tại các xã Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Kim, Nậm Giải, Hạnh Dịch đã cho học sinh nghỉ học.
Ở các địa phương còn lại, việc nghỉ học có thể diễn ra cục bộ nếu điểm trường bị chia cắt, không đi lại được…
Mưa to từ chiều 26 đến sáng 27-9 đã và đang gây thiệt hại cho các huyện miền núi của Thanh Hóa, trong đó một người dân ở huyện Như Xuân bị mất tích khi đi đánh cá trong mưa lũ.
Nguồn tin từ UBND huyện Như Xuân cho hay mưa lũ làm ngập 55ha lúa mùa của bà con nông dân và gây sạt lở tuyến đường từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân, đoạn qua xã Cát Vân.
Các tràn trên tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã Thanh Lâm, Hóa Quỳ, Thanh Phong, Tân Bình, Bãi Trành, Thanh Quân, Cát Tân cũng bị ngập nặng, nước chảy xiết không thể lưu thông. Riêng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Sơn đang bị cô lập do các khe nước lũ dâng cao, chảy xiết.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Như Xuân đã chỉ đạo các địa phương cắm biển cảnh báo, hạ barie, phân công người trực tại các điểm bị ngập do nước lũ dâng cao; tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người dân…
Còn tại các huyện vùng cao, miền núi như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp…
Báo Dân Trí trước đó cũng thông tin, tối 26/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai có báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trong ngày 24-26/9.
Thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy tại Quảng Trị, 1 người dân tử vong khi bị sét đánh khi đang đánh bắt cá trên biển. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế ghi nhận 6 trường hợp người dân bị thương do mưa lũ.
Ngoài ra, mưa lũ miền Trung khiến 28 nhà bị ngập và 155 nhà bị tốc mái; 32 nhà ở Quảng Bình phải di dời khẩn cấp. Đến tối nay, người dân đã trở về nhà.
Về giao thông, mưa lớn gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông, gây chia cắt 16 thôn bản; sạt lở, tắc đường tạm thời tại 5 điểm và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Các thiệt hại này đều nằm trên địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Trong đó, nhiều tuyến đường bị ngập sâu 0,7-2m gây chia cắt cục bộ; sạt lở khoảng 1.500m3 đất đá, xói lở 400m ta luy dương, hư hỏng 6m2 mặt đường.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn làm ngập 15 điểm ngầm tràn và đường giao thông, gây chia cắt cục bộ và 21ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Về thủy lợi, một ngầm tràn và 8m kênh nội đồng ở Quảng Bình bị hư hỏng. Ngoài ra, hai cột điện trung thế ở Thừa Thiên Huế bị gãy đổ; 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát ở Quảng Trị bị ảnh hưởng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa lớn còn duy trì ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đến hết ngày 28/9. Tổng lượng mưa trong hai ngày tới phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm/đợt. Đồng thời, mưa dông lan rộng khắp khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cả Nam Bộ.
Người dân tiếp tục đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn cũng có thể gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.