Ở đời không phải mỗi mẹ chồng mới “ghê gớm” mà có nhiều nàng dâu cũng “tác oai tác quái” không kém. Họ khó chịu khi phải sống chung với mẹ chồng, luôn tìm cách bác bỏ trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng lúc ốm đau. Nhưng đến khi ông bà chia đất cát lại có mặt ngay, thậm chí còn nhảy vào đòi hỏi quyền lợi.
Bố mẹ tôi đều đã nghỉ hưu, nhưng những dịp lễ Tết và mùng một ngày rằm hay nhà ai đặt cỗ “bánh chưng, bánh tét, giò chả” thì bà vẫn nhận. Một phần để đỡ buồn tay buồn chân, vả lại cũng có đồng ra đồng vào. Khách của mẹ tôi đa phần là những nàng dâu thời đại mới, phải lo giỗ chạp cho bên nhà chồng.
Mỗi khi đến đặt hàng, họ đều nán lại tâm sự với mẹ tôi đủ thứ chuyện, nhưng đa phần đều than thở và ca cẩm chuyện nhà chồng. Có một chị khách cũng hay lấy bánh chưng nhà tôi, chị ta bắt chồng phải dọn ra ở riêng sau 3 tháng về làm dâu, vì không thể hòa hợp với mẹ chồng. Cứ đến dịp giỗ chạp bên nhà chồng, chị ta đều đến nhà tôi đặt hơn chục bánh chưng và mấy cân giò.
Việc này chẳng có gì to tát, nhưng chị ấy lại xem đây là nhiệm vụ gì đó quan trọng lắm.
Ảnh minh họa internet
Theo lời chị kể, khi vợ chồng anh chị ra ở riêng thì nhà chồng cũng hỗ trợ không ít. Mà bảo nhà đông anh em không nói làm gì, anh chồng của chị lại là con một, sớm hay muộn thì cái nhà đấy chả thuộc về vợ chồng anh chị. Chỉ vì không thể sống cùng mẹ chồng mà chị nhất quyết ra ở riêng, ông bà đành phải “cắn răng” mà bỏ tiền để mua nhà cho vợ chồng anh chị.
Lại có một chị khách khác, xung đột với mẹ chồng nên ở riêng từ lâu, mỗi năm chỉ về nhà chồng mỗi dịp nghỉ Tết. Nghe nói chị với gia đình chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Đến lúc mẹ chồng phải nhập viện thì chị ta đùn đẩy trách nhiệm cho hết anh em, lấy cớ bận việc và con nhỏ mà thi thoảng mới vào viện thăm mẹ. Ấy vậy mà khi hay tin ông bà nội ý định bán miếng đất để có tiền dưỡng già vì không muốn phiền hà đến con cháu, thì chị ta lại xúi chồng về vay tiền cha mẹ để có vốn làm ăn.
Đấy là hai trường hợp điển hình tôi mắt thấy tai nghe, chứ ở trên báo đài thì ti tỉ bài viết các cô con dâu kể lể, chê trách và phàn nàn nhà chồng. Mẹ chồng khó tính thế nọ thế kia, mệt mỏi vì giỗ chạp bên nhà chồng…thế nhưng khi ông bà chia đất cát, tài sản thì các chị lại nhảy vào tranh giành hay xúi giục chồng nhận phần hơn về mình.
Ngày nay, nhiều nàng dâu thường sử dụng cụm từ “sống chung với mẹ chồng”, nhằm ám chỉ nỗi khổ, vất vả và khó khăn khi về làm dâu. Thế nhưng các bà, các mẹ chúng ta mấy chục năm sống cùng nhà chồng có vấn đề hay mâu thuẫn gì đâu. Mà thế hệ các cụ ngày xưa còn “tác oai tác quái”, chứ hiện đại làm sao bằng các mẹ bây giờ.
Thật ra con dâu cũng là con, nhưng nhiều chị em lại mặc định con dâu là người ngoài nên vì thế mà mẹ chồng cằn nhằn, em chồng soi xét…vô hình chung sẽ tạo ra sự xa cách với mẹ chồng nói riêng và nhà chồng nói chung. Còn khi các chị đã muốn sống riêng, để độc lập và tự do thoải mái thì đừng có nghĩ đến chuyện đòi hỏi quyền lợi về đất cát hay tài sản.