Chăm sóc, dạy dỗ con là cả 1 chặng đường dài, có khi rất ức chế, rất nản, rất rắc rối… nhưng chỉ cần bạn không dừng lại. Kiên trì, kiên nhẫn với các con. Nâng cao kiến thức, rèn luyện cảm xúc và thái độ của mình đối với con. Thì cả con và bố mẹ sẽ đều trưởng thành và trở nên tốt hơn.
Chuyên gia nuôi con: Đừng làm những điều độc hại này nếu không muốn trẻ trở nên ích kỷ, ỷ lại
Đó là những tâm sự của chị Hoàng Bích Thuỷ (34 tuổi, sống tại Hà Nội). Chị Thủy hiện có 2 bé gái, một bé lớp 5 và một bé lớp 1. Với bà mẹ 2 con, hành trình dạy dỗ và chăm sóc các bé là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng từ cả bố mẹ và con cái. “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân – 10 năm đầu đời của con” – những quan điểm trên quá trình chăm sóc bé được bà mẹ 8x đúc kết đã khiến nhiều mẹ bỉm cảm thấy ngưỡng mộ và dành lời khen “dạy con quá tinh tế”.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Thủy về việc dạy con từ những quan điểm, trải nghiệm cá nhân của bà mẹ siêu nhân này nhé.
“Con cái, luôn là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các bậc cha mẹ. Mỗi gia đình đều có nề nếp riêng, mỗi bố mẹ sẽ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho các con của mình. Mình cũng vậy!
Mình không biết rõ về cách chăm sóc dạy dỗ con theo kiểu Nhật, Do Thái hay Easy gì cả. Mình tập trung vào 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng và thái độ để dạy và đồng hành với con. Mình dạy con kiến thức, hướng dẫn cách làm cho tới khi con làm được và có thái độ đúng với những việc mình làm.
Giai đoạn này mình để con ở nhà hoàn toàn, không đi học sớm. Do có bác giúp việc chăm bé cùng mình. Mình sinh mổ, khi còn ở viện, mình để bé được “thoải mái”. 1 tuần sau, mình ra viện cũng là lúc bé “nhập ngũ”. Mình hướng dẫn con ăn ngủ theo giờ giấc sinh hoạt phù hợp với gia đình. Để bản thân mình cũng không bị mệt mỏi, hay quá sức chăm con. Mình mất sữa sớm, nên con ăn sữa ngoài hoàn toàn. Việc chia cữ ăn của con cũng dễ dàng hơn. Giờ tắm, giờ chơi, giờ ngủ cũng điều độ. Nếu lỡ hôm nào bé mệt, hay hóng chuyện nhiều hơn không ngủ, thì mình sẽ cho bé ngủ cắt cơn – tức là ngủ để qua cơn buồn ngủ thôi, rồi lại đánh thức bé dậy, để đảm bảo giờ ăn ngủ tiếp theo. Mình đã chăm cả 2 bạn như vậy. Các bạn trộm vía đều khỏe mạnh và ngoan.
Giai đoạn từ 3 – 5 tuổi: Dạy con làm tốt thói quen hàng ngày
Mình chọn một trường mẫu giáo công lập gần nhà để tiện đi lại. Giai đoạn này, mình tập trung vào việc dạy và rèn nề nếp sinh hoạt cho con. Vẫn là ăn ngủ đúng giờ và giờ nào việc nấy. Mình chỉ cần con biết tự làm mọi việc cá nhân là được. Tự đánh răng, rửa mặt, đi giày, mặc quần áo, biết để đồ đúng nơi quy định… tất cả chỉ là những thói quen hàng ngày. Việc học, mình luôn ủng hộ và hỗ trợ các cô giáo. Khi nhận thấy con mình có khả năng nghe nhạc và thích múa, mình cho con đi học thêm múa, cũng chỉ mong con vui vẻ và rèn luyện sức khỏe dẻo dai.
Lớp 1: Hướng dẫn con các kĩ năng cơ bản
Tiền đề và cũng là nền tảng rất quan trọng cho những năm về sau. Cả 2 bạn mình chỉ dướng dẫn cách học, cách soạn sách vở theo thời khóa biểu, cách sắp xếp và giữ gìn đồ dùng học tập. Bạn lớn là 1 tuần. Bạn thứ 2 do học online, nên 1 tháng mới thành kỹ năng. Sau đó, việc học là của các bạn, không phải của mình nữa. Mình không kèm từng ngày, cũng không dạy lại kiến thức mà cô giáo đã dạy trên lớp. Mình chỉ hỗ trợ khi bài khó, khi con nghĩ mãi mà không ra thôi. Mình tiếp tục rèn giờ nào việc nấy. Đến giờ học là học, đến giờ chơi là chơi.
Không có chuyện thích học giờ nào thì học. Và luôn là học trước, chơi sau. Mình dạy con cách nói chuyện và làm quen với các bạn, cách xử lý khi bị các bạn trêu, cách mách cô giáo vào lúc nào, mách như thế nào… Thái độ đối với cô giáo, bạn bè, đối với sách vở, bút chì, thước kẻ nữa. Mới đi học, nên sẽ làm mất đồ dùng hoặc bị bạn lấy. Nếu làm mất do không cẩn thận, thì mẹ sẽ mua cho cái khác, nhưng chỉ lần này thôi. Lần sau mất tiếp mẹ sẽ không mua nữa! (dọa thế). Nếu bị bạn lấy đồ, thì nói với bạn như thế nào, nói không được mới mách cô giáo.
Lớp 2: Con tự cố gắng và vào được lớp chọn
Bạn lớn nhà mình được chuyển vào lớp chọn 1 của trường nên phải làm quen lại với các bạn trong lớp. Mình không chọn cô, cũng không xin lớp cho con học. Mình nộp hồ sơ đúng tuyến, trường xếp con học lớp nào thì con học lớp đó. May sao bạn lớn học ổn nên được chuyển lớp. Ngày đấy mình vui lắm… vì không mất đồng nào mà vẫn được vào lớp chọn. Mọi người xung quanh khen con và nói: “Hân may mắn thế nhờ!” – bạn ấy trả lời dõng dạc “Không ạ! Là do cháu tự cố gắng học chứ ạ!”. Mình nghe thấy cũng rung rinh xúc động.
Đi họp phụ huynh đầu năm về, mình có nói chuyện với con 1 cách hết sức nghiêm túc. Mình hỏi: “Con có thực sự muốn học lớp chọn không? Vì lớp chọn sẽ phải học chăm hơn, làm nhiều bài khó hơn lớp thường. Con có thể suy nghĩ rồi quyết định. Mẹ sẽ xin nhà trường chuyển con về lớp thường, để không mệt mỏi”. Bạn ấy có bần thần 1 lúc, nhưng vẫn quyết định sẽ học lớp chọn, và hứa cố gắng phấn đấu. Thật ra, mình cố tình như vậy, để con xác định tinh thần và cố gắng học nghiêm túc ngay từ ban đầu.
Lớp 3: Để con học cách biết nỗ lực và lựa chọn
Ngoài việc học, con tham gia thêm các chương trình văn nghệ của nhà trường. Vì bạn nhà mình học múa khi 3 tuổi rưỡi. Nên tiết mục nào bạn ấy cũng được gọi tên. Khi tham gia quá nhiều, nghỉ học quá nhiều, mình phải nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm và cô phụ trách. Về phần con, thì mình phân tích vấn đề cho con và bảo con chọn lựa. 1 là, để đảm bảo việc học thì nghỉ biểu diễn. 2 là, nếu muốn tiếp tục biểu diễn thì kết quả học tập phải tốt và chỉ biểu diễn những chương trình quan trọng. Qua đây, mình muốn dạy cho con biết cuộc sống là những lựa chọn. Cái gì cũng có 2 mặt, chọn cái nào cũng đồng nghĩa chấp nhận cả mặt tốt và không tốt. Con phải nỗ lực chăm chỉ thức khuya để học bù bài vào những hôm đi biểu diễn. Bạn ấy đã chọn cách… nỗ lực!
Lớp 4: Dạy con làm việc nhà, lên kế hoạch
Ai ở trong nhà cũng đều phải có trách nhiệm làm việc nhà. Nhà mình không có khái niệm “giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà”. Mình dạy con biết cách lau cầu thang đúng, lau như thế nào cho nhanh, cầu thang sạch phải đủ những tiêu chí gì. Làm xong chính con là người tự kiểm tra. Thỉnh thoảng mình ra nhìn và để con tự trình bày chấm điểm thành quả. Rửa bát, giặt quần áo, phơi quần áo, gấp quần áo, gội đầu cho em… đều vậy. À! Gội đầu cho em gái, thì phát hiện ra mình gội đầu cho mình bẩn nên phải sửa lại cách gội đầu cho mình.
Lớp 5: Lớp chuyển cấp
Mình dạy con cách lên kế hoạch, thiết lập mục tiêu, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để đạt kết quả học tập tốt nhất. Tự đánh giá xem xét môn nào mình chưa tốt, kiến thức nào chưa chắc, để học lại thật chắc. Con lập kế hoạch 3 tháng một. Ví dụ tháng 1 con bổ sung tự học thêm môn Toán vào thời gian rảnh. Tháng 2, là môn Tiếng Việt + Toán. Tháng 3 là Tiếng anh + Tiếng Việt + Toán. Rồi theo tuần, theo ngày, sáng học gì, chiều làm gì, tối làm gì.
Ngoài ra, vẫn làm việc nhà, có thời gian rèn luyện sức khỏe nhảy múa. Mình cũng không ngờ là con còn đặt cả mục tiêu cho việc tập nhảy. Năm nay, con được bầu là chi đội trưởng của lớp. Mồng 7/3 nhận được thông báo, mồng 8/3 tổ chức chương trình, thế là 3 chân 4 cẳng, liên lạc các bạn, lên kịch bản, kiểm tra sắp xếp đến tận 12h đêm. Chương trình được cô và các bạn khen rất nhiều. Con chỉ lẳng lặng nói với mình là “làm chi đội trưởng phải có trách nhiệm vậy hở mẹ”…
Kiên trì, nhẫn nại và dạy con bằng tình yêu thương
Yêu bếp! Mình cũng dạy con. Tìm hiểu về các nguyên liệu, cách rửa rau, hoa quả, cách nấu những món đơn giản, cách sắp xếp mâm cơm. Hay đơn giản nhất là nhìn thấy mẹ nấu, thì mình phụ giúp. Dọn cơm là phải lấy đũa bát, xếp ghế cho cả gia đình, không phải chỉ mỗi mình mình. Ăn xong ngày thường thì dọn gọn gàng, thứ 7 chủ nhật thì dọn rửa. Hè thì nấu 1 số món đơn giản. Các con phải biết trân trọng đồ ăn thức uống, không được lãng phí. Và bây giờ vào bếp là niềm vui, sở thích của cả 2 chị em!
Mình chỉ tốn sức cho bạn đầu, bạn thứ 2 theo guồng, và nhìn gương chị, nên nhàn lắm. Quan trọng là bố mẹ thống nhất cách dạy con. 2 người cùng hỗ trợ, tình anh em đồng chí, nếu không sẽ loạn. Khi mình mắng con, thì có bố làm bao cát, để con giải tỏa. Có những lúc, tình anh em cũng chẳng bền lâu! Vợ chồng mình tranh luận, ý kiến trái ngược nhau trước mặt các con. Bình tĩnh lại… thì bố mẹ trao đổi, nói rõ vấn đề để hiểu nhau hơn. Đây cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Con lại học được cách nói chuyện sau căng thẳng với 1 ai đó.
Chăm sóc dạy dỗ con là cả 1 chặng đường dài, có khi rất ức chế, rất nản, rất rắc rối… Mỗi độ tuổi lại mỗi tâm sinh lý riêng, mỗi vấn đề riêng nhưng chỉ cần bạn không dừng lại. Kiên trì, kiên nhẫn với các con. Nâng cao kiến thức, rèn luyện cảm xúc và thái độ của mình đối với con. Thì cả con và bố mẹ sẽ đều trưởng thành và trở nên tốt hơn.