Mấy chục năm góa phụ nuôi con không sao, 60 tuổi mẹ lại muốn lấy chồng. Can ngăn cũng không được.

Hơn tuần nay, không khí trong gia đình tôi vô cùng căng thẳng. Không phải là chuyện xung đột mẹ chồng nàng dâu, cũng không phải cuộc chiến tranh giành đất cát…mà là việc mẹ đẻ tôi đòi đi bước nữa. Gia đình tôi có hai anh em, tôi là út. Năm tôi học lớp

Hơn tuần nay, không khí trong gia đình tôi vô cùng căng thẳng. Không phải là chuyện xung đột mẹ chồng nàng dâu, cũng không phải cuộc chiến tranh giành đất cát…mà là việc mẹ đẻ tôi đòi đi bước nữa.

Gia đình tôi có hai anh em, tôi là út. Năm tôi học lớp một thì bố mất vì tai nạn giao thông, từ đó mẹ một tay nuôi nấng hai anh em tôi nên người. Lúc bố tôi mất mẹ cũng đã ngoài ba mươi, nhưng vẫn còn trẻ trung nên rất nhiều người đến nhà đề cập với mẹ về ở chung. Chỉ vì thương hai anh em mà mẹ khước từ hết, bà không nỡ để các con còn nhỏ mà phải sống cùng dượng.

Bố mất sớm, nhưng bù lại có tình yêu của mẹ nên cuộc sống của hai anh em tôi vẫn trôi qua êm đềm. Tôi nghĩ một phần vì không có dượng nên không khí trong nhà tôi mới được thoải mái như vậy. Gần đây rộ lên mấy vụ dượng hành hạ con riêng của vợ mà tôi đau xót vô cùng, thầm biết ơn vì ngày xưa mẹ đã không đi bước nữa nếu không tôi cũng chẳng dám chắc cuộc sống của hai anh em tôi khi đó sẽ như thế nào.

Đến hiện tại mẹ đã gần 60, hai anh em tôi cũng có gia đình riêng và sự nghiệp ổn định. Có điều, cả hai anh em tôi đều không ở gần mẹ, chúng tôi đều ở trên thành phố cách nhà hơn năm chục cây số. Dù không về thăm mẹ thường xuyên, nhưng hàng tháng tôi và anh trai vẫn bỏ ra một khoản cố định để gửi mẹ dưỡng già, cũng là báo đáp công ơn mẹ đã nuôi dạy hai anh em thành người. Nếu để so sánh với các bác cùng độ tuổi, mẹ tôi cũng gọi là an nhàn hơn khi không phải chật vật kiếm sống nữa.

Vì không nỡ để mẹ sống một mình, nên cách đây 3 năm anh trai tôi đã từng đưa mẹ lên thành phố để tiện chăm sóc. Được hai tháng đầu bà còn hồ hởi vì được gần con gần cháu, nhưng sau đó mẹ lại đòi về quê:

“Vợ chồng anh mày đi làm cả ngày tối mới về nhà. Ăn được bữa cơm, nói được câu chuyện thì lại ai về phòng người ấy. Mẹ cả ngày với bốn bức tường này không quen. Thôi cho mẹ về quê, thi thoảng mẹ lên thăm cháu sau”.

Từ đó, bà một mực từ chối lên thành phố, nếu có lên chơi với cháu cũng chỉ ở vài ngày rồi lại về quê ngay. Thấy mẹ như vậy, chồng tôi cũng góp ý:

“Hai anh em sống cùng mẹ mấy chục năm mà chẳng hiểu mẹ muốn gì. Mẹ già rồi cần có người bầu bạn, hay là em xem lấy chồng cho mẹ đi”.

Thật ra vấn đề chồng nói tôi cũng hiểu, nhưng giờ mà để mẹ đi bước nữa tôi chẳng yên tâm. Vả lại, ba mươi năm nay mẹ sống một thân một mình không cần dựa vào ai. Đến bây giờ được thoải mái tự do lại đi lấy chồng làm gì cho mệt người. Chẳng biết lấy về họ chăm mẹ, hay là mẹ phải chăm ngược lại. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn giữ quan điểm mẹ nên ở vậy còn hơn. Có gì đã có chúng tôi lo, chẳng nhẽ hai anh em lại không lo nổi cho mẹ hay sao mà cần người ngoài.

Chính vì thế, mỗi khi có ai đó đề cập đến chuyện cho mẹ đi bước nữa tôi đều gạt phăng. Thế nhưng tháng trước, mẹ gọi điện lên thông báo cho hai anh em tôi về nhà để giỗ bố. Nhân tiện mẹ sẽ thông báo chuyện quan trọng nên hai đứa không được phép vắng mặt. Khi nghe mẹ nói tôi sốt ruột vô cùng, chẳng lẽ mẹ lại gọi về chia đất. Cũng không phải, vì hai anh em tôi đã có nhà riêng, chẳng đứa nào đòi hỏi đất cát của mẹ làm gì.

Ngày giỗ bố, sau khi cơm nước xong xuôi mẹ gọi hai anh em tôi ngồi xuống nói chuyện:

“Gần 30 chục năm nay mẹ ở vậy nuôi hai anh em, một phần không muốn các con phải sống cùng với dượng, một phần cho trọn đạo phu thê. Bây giờ hai con đều có cuộc sống riêng, con cái cũng đuề huề rồi. Hiện tại mẹ có quen chú Nam được gần năm nay, chú ấy rất tốt với mẹ. Chú ấy muốn đến nói chuyện với các con, để các con mừng cho mẹ và chú chính thức về một nhà”.

Tôi biết ngay mà, tưởng chuyện gì quan trọng hóa ra mẹ lại muốn đi bước nữa. Nghe mẹ nói vậy thì anh trai tôi cũng chỉ góp ý, chẳng biết tính nết người ta thế nào, sức khỏe ra sao, sợ mẹ ở bên chú lại phải chăm sóc cho họ thì cũng tội. Đang tự do tự tại, lại đi chuốc khổ vào thân.

Nghe anh nói vậy tôi hoàn toàn đồng ý. Lúc còn trẻ mẹ đã không cần dựa vào chồng, thì bây giờ dựa vào làm gì. Nếu có gì thì mẹ chỉ cần gọi điện là hai anh em tôi có mặt ngay. Thậm chí anh còn đón mẹ lên ở cùng, mẹ không chịu ở đấy thôi. Mà bây giờ để mẹ đi bước nữa, chẳng khác nào để người ta cười vào mặt chúng tôi là hai đứa con không nuôi nổi mẹ già. Nói tóm lại, hai anh em tôi không tán thành.

Thế nhưng sau khi trở lại thành phố, chồng tôi lại cứ thái độ với tôi. Đến hôm nay không chịu nổi được nữa, anh mới quay sang mắng:

“Hai anh em sống quá ích kỷ, không nghĩ cho cảm xúc của mẹ. Mấy chục năm nay mẹ sống vì hai anh em, mà để đến lúc già cần người bầu bạn con cái lại cấm cản. Đừng để đến một ngày, mẹ ra đi trong im lặng mà con cháu không ai hay”.

Nghe chồng nói vậy tôi cũng đắn đo mãi, nhưng tôi vẫn nghĩ tuổi này thì chỉ cần quây quần bên con cháu, tự nhiên rước người ngoài về sống cùng làm gì. Kệ lời khuyên can của chồng, tôi quyết định phải về nói chuyện lại với mẹ để bà từ bỏ ý định này. Đang một thân một mình cho rảnh nợ không sướng hay sao, lại đi rước người ngoài về chăm sóc. Cô bác anh chị ở đây nếu có ý kiến gì hay, thì chỉ bảo cho tôi với nhé!

Ảnh minh họa internet

Chia sẻ bài viết:

Theo Copy link

Link bài gốc

Copy Link
X