Chuyển tiền nhầm tài khoản, trường hợp éo le không ai muốn mình gặp phải. Bởi lẽ, dù người chuyển nhầm tiền có tra được thông tin người nhận số tiền đó nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể lấy lại tiền.
Lý do chuyển khoản nhầm nhiều nhất chủ yếu đến từ việc bạn:
– Ghi sai tên người nhận hoặc sai số tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ người mắc phải trường hợp này là nhiều nhất, vì số tài khoản ngân hàng thường khá dài và khó nhớ. Lúc này nhân viên ngân hàng cũng không kiểm tra kỹ để hỏi lại khách hàng nên đã chuyển khoản nhầm.
– Chuyển khoản qua cây ATM hoặc APP: Với trường hợp này bạn ghi sai số tài khoản ngân hàng sau đó nhấn gửi mà không kiểm tra kỹ.
Lúc đó, việc chuyển tiền nhầm sẽ ở hai trường hợp. Một là chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng và hai là chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng. Và để lấy lại tiền bạn bắt buộc phải liên hệ với ngân hàng để lấy lại tiền. Và mọi thao tác làm việc với ngân hàng sẽ được hướng dẫn cụ thể bên dưới đây.
1. Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng
Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng được hiểu là tài khoản nhận đang cùng hệ thống với ngân hàng bạn gửi tiền. Ví dụ, bạn sử dụng ngân hàng VP Bank và gửi tiền nhầm sang chủ thẻ VP Bank. Vậy thì sẽ có các bước thực hiện như sau.
Bước 1: Kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đi đến chi nhánh ngân hàng bạn đang sử dụng.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Cung cấp các thông tin cá nhân và điền vào mẫu đơn khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu.
Bước 4: Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ trả lại tiền cho bạn.
Lưu ý: Thời gian nhận được tiền sẽ khá lâu do ngân hàng phải liên hệ và làm việc với người nhận.
2. Chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng
Trong trường hợp bạn gửi nhầm tiền sang một tài khoản khác ngân hàng thì việc lấy lại tiền sẽ khó hơn, nhưng cơ hội là vẫn còn. Các thao tác làm việc với ngân hàng như sau:
Bước 1: Ngay sau khi phát hiện bị chuyển tiền nhầm tài khoản, bạn cầm theo chứng minh thư của mình tới ngân hàng mình đang sử dụng để giải quyết.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, với trường hợp này, thời gian nhận lại được tiền sẽ rất lâu bởi còn tùy thuộc vào mức độ làm việc của hai bên ngân hàng.
Tuy các bước để lấy lại tiền từ người chuyển nhầm có thể khiến bạn tốn thời gian và công sức nhưng bù lại sẽ giúp bạn nhận được số tiền đúng như đã mất. Ngoài ra, luật pháp cũng sẽ đứng về phía bạn khi có hẳn quy định khi chuyển khoản nhầm như thế này đây.
Xử lý tra soát, khiếu nại khi chuyển tiền nhầm
Được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN, tại Điều 15a Thông tư 23/2014/TT-NHNN thực hiện giải quyết khiếu nại trong việc sử dụng tài khoản như sau:- Thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại:
+ Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng theo một trong các hình thức tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15a Thông tư 23/2014/TT-NHNN, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng.
+ Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, ngân hàng thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của khách hàng và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
+ Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm a khoản này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý tra soát, khiếu nại.
– Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn).
Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho khách hàng về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại.
Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.
– Trường hợp ngân hàng, khách hàng và các bên liên quan không thỏa thuận được và/hoặc không đồng ý với quá trình đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Người được chuyển nhầm không trả lại có thể bị khởi tố
Trường hợp số tiền chuyển nhầm đã được rút, sử dụng và chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, khách hàng có thể khởi kiện chủ tài khoản này ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự:
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”
Ngoài ra, nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền, thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền trên còn có thể bị truy tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp bạn gửi tiền nhầm sau đó tìm được thông tin của người nhận, nếu như yêu cầu người đó giao trả mà họ cố tình không trả sẽ bị xử phạt theo pháp luật.
Theo chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mình cũng từng rơi vào trường hợp chuyển khoản nhầm tài khoản khá nhiều lần. Thông thường, khi chuyển nhầm tài khoản, mình sẽ không làm dữ dội mà chủ động khéo léo phối hợp với ngân hàng để giải quyết nhẹ nhàng và hiệu quả. Vì theo mình, làm căng sự việc không giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn. Ngân hàng cũng không phải là người chịu trách nhiệm do lỗi chuyển nhầm tới từ phía mình và họ cũng có quyền từ chối giải quyết nếu thấy thái độ làm việc của khách hàng không phù hợp”.
Ngoài ra, chị em cũng có thể áp dụng một số mẹo khi chuyển tiền để tránh gặp phải rủi ro:
Vì số tài khoản của các ngân hàng rất dài, từ 9 – 14 kí tự thậm chí còn dưới dạng ẩn khi nhập thông tin chuyển khoản lúc giao dịch. Chính vì vậy, khi nhập thông tin số tài khoản đó hãy đọc thầm và nhập mỗi 3 chữ số một và rà soát lại, như thế sẽ ít sai sót hơn.
Nếu bạn thực hiện giao dịch trực tiếp tại quầy thu ngân của ngân hàng hãy nhờ giao dịch viên kiểm tra lại. Trường hợp chuyển khoản online hoặc thanh toán qua ATM, sau khi nhập đúng số tài khoản thụ hưởng, hệ thống sẽ hiện tên của chủ tài khoản đó. Bước này nếu không thấy hiển thị tên chủ tài khoản hoặc hiện nhầm bạn nên thao tác lại.
Nguồn: (Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ quốc)
https://vietnamnet.vn/lo-chuyen-tien-nham-tai-khoan-ap-dung-cach-nay-lay-lai-tien-nhanh-nhat-622250.html