Người mẹ vào những ngày cuối đời, vẫn thương mẹ mình nơi xa xôi không chịu nổi cú sốc nếu biết tin mình mất, vì thế, cô con gái đã nghĩ ra một cách…
Mẹ của Trình Tĩnh (Thiểm Tây, Trung Quốc) là bà Trình Tùng Dung phát hiện ung thư phổi vào năm 2003. Suốt thời gian mang bệnh, bà Tùng Dung không để người mẹ ngoài 80 tuổi ở quê biết về bệnh tình của mình. Người phụ nữ này nói với con gái, bà ngoại đã một mình nuôi con, sống cả đời vì con nên nếu biết tin cô bị ung thư, sợ bà không chịu nổi.
Bệnh tình của Tùng Dung ngày một nặng nhưng cô vẫn luôn cố gọi điện về cho mẹ già mỗi ngày thông báo bình an. Sau một năm điều trị không kết quả, Tùng Dung bèn nghĩ cách ghi âm vài lời dặn dò, nhờ con gái phát sau khi cô mất, mục đích lừa mẹ mình vẫn còn sống.
“Mẹ ơi, trời lạnh rồi, mẹ nhớ mặc thêm quần áo và đốt thêm củi trong nhà nhé. Chúng con ở đây vẫn ổn cả. Hôm nay có tuyết rơi, mẹ đi lại một mình nhớ cẩn thận. Sáng ngủ dậy cũng đừng bước ra khỏi nhà vội, cứ ngồi trên giường một lúc. Khi nào có thời gian con sẽ về thăm mẹ”.
“Mẹ ơi, con lại gọi cho mẹ này. Một tháng trôi qua rồi, trời bắt đầu nóng. Mẹ phải chú ý giữ gìn sức khỏe nhé. Hết tiền con sẽ gửi về, đừng tiết kiệm quá, khổ cả đời rồi, tiêu thêm chút nữa đi. Đợi có thời gian rảnh con nhất định về thăm mẹ, mẹ nhé”.
Mỗi khi Trình Tĩnh nghe lại những đoạn ghi âm của mẹ, cô không ngừng khóc, nhưng vẫn dùng nó để “gọi” cho bà ngoại. Vì bà đã già, thính lực không tốt, những lần đầu trôi qua thuận lợi, nhưng cô gái thấy biện pháp này nếu kéo dài không ổn. Trình Tĩnh quyết định tìm người giả giọng của mẹ mình để thi thoảng gọi về cho bà ngoại. Người này tên Trần Vệ Bình, là đồng nghiệp cũ của Trình Tùng Dung.
Cô Trần kể: “Nghe câu chuyện của họ, tôi khóc không ngừng”. Nhưng cô cũng thẳng thắn chia sẻ, bản thân thấy rất khó khăn khi trở thành kẻ nói dối.
Lần đầu Trần gọi điện cho mẹ của bạn, mọi chuyện không suôn sẻ, dù lúc đó cô đã cố bắt chước giọng Tứ Xuyên của Trình Tùng Dung. “Mẹ ơi, con đây”. “Con nào?”, người phụ nữ ngoài 80 tuổi nghi hoặc. “Con là Trình Tùng Dung này”. Bên đầu dây kia tiếp tục: “Cô là ai?”. Câu hỏi ngược khiến Trần sợ hãi, không biết nên nói điều gì. Trình Tĩnh ngồi bên cạnh nhanh trí cầm điện thoại: “Mẹ cháu vừa bị cảm nên giọng hơi khác bà ơi”. Nghe thấy lời giải thích của cháu gái, bà ngoại chỉ nói “Ờ”, rồi không căn vặn gì thêm.
Mặc dù rất muốn giúp đỡ gia đình người bạn, nhưng sợ bị lộ nên Trần không dám gọi điện nhiều. Nhưng tới một ngày, người mẹ nói trong điện thoại: “Con ơi, con có thể gọi cho mẹ nhiều hơn được không. Mẹ rất nhớ con”, cô đã òa khóc. Lúc đó Trần chỉ dám trả lời: “Con sẽ gọi cho mẹ khi có thời gian, mẹ nhé”. Từ đó về sau, người bạn này bắt đầu gọi điện nhiều hơn, nhưng không bao giờ hẹn ngày về quê.
Mười ba năm giả giọng, Trần phải nghe những lời trách móc từ mẹ bạn, rằng sao quá lâu con gái không chịu về thăm bà. Những lúc như vậy, cô viện lý do vừa mổ tim sức khỏe yếu nên không đi lại được. Người mẹ nghe tin con gái bị đau tim, lập tức đổi giọng: “Thế con không cần phải về thăm mẹ nữa, sức khỏe con mới là quan trọng nhất. Con còn trẻ, nhớ phải giữ gìn đấy”.
Nhiều năm sau ngày mẹ mất, con cái của Trình Tùng Dung thường xuyên về thăm bà ngoại. Mỗi lần, người bà đều nhìn về phía sau lưng để xem con gái có về cùng không, nhưng đáp lại chỉ là sự thất vọng. Trình Tĩnh kể, những lúc nghe câu hỏi của bà: “Mẹ cháu đâu?”, anh chị em lại bịa ra những lý do khác nhau, lúc thì mẹ bị bệnh tim, lúc thì bận chăm sóc con dâu sinh con nhỏ. “Bà nghe xong đều gật đầu, mỗi lần ra về đều dúi vào tay tôi 500 tệ nói rằng mang về cho mẹ tiêu”, Trình Tĩnh nhớ lại.
Lời nói dối này kéo dài suốt 13 năm, cho đến khi bà ngoại qua đời. Trước đó hai tháng, đại gia đình tổ chức lễ thượng thọ 100 tuổi cho bà.
Vào ngày lễ chính, gia đình cháu chắt đều trở về nhà, quây quần bên người bà. Kể cả Trần Vệ Bình – người giả giọng suốt 13 năm cũng lấy danh nghĩa bạn thân của Trình Tùng Dung về tham dự. Người mẹ nhìn hết tốp này đến tốp khác trở về nhưng lại không thấy hình bóng con gái, sự thất vọng hiện rõ lên đôi mắt.
“Đó cũng là lần đầu tiên sau 13 năm, bà ngoại không hỏi: ‘Mẹ cháu đâu rồi?”, Trình Tĩnh nói.
Buổi tối khi khách khứa ra về hết, Trình Tĩnh và gia đình đốt pháo hoa mừng thọ bà ngoại. Khi xem pháo hoa, họ ôm lấy bà mình, nhưng cô vẫn cảm nhận được sự cô đơn trong ánh mắt của người bà.
Hai tháng sau, bà ngoại mất, không một lời trăn trối.