Tay trắng nuôi 7 người con ăn học
Giờ đây, ngồi trong căn nhà kiên cố, sạch đẹp, nhớ lại những năm tháng khó khổ phải chắt chiu từng đồng để nuôi các con ăn học, ông Lộc không khỏi bồi hồi. Năm 1990, ông Lộc gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với bà Đào Phương Nữ Cẩm Linh. Khi mới cưới nhau, vợ chồng ông không có đất canh tác nhưng cả hai luôn động viên nhau bươn chải khắp nơi kiếm việc làm thuê để trang trải cuộc sống.
Năm 1991, ông bà sinh đứa con trai đầu lòng là anh Lê Huy Hoàng. Sau đó, ông bà lần lượt sinh thêm 6 người con trai nữa. Giống như những hộ gia đình khác trong xã nghèo lúc đó, cuộc sống vợ chồng ông Lộc gặp muôn vàn khó khăn. Cả nhà 9 miệng ăn chỉ dựa vào nguồn tiền ít ỏi từ việc đi làm thuê của vợ chồng ông bà. Nỗi lo lớn nhất lúc bấy giờ của gia đình ông Lộc là chi phí để lo cho các con ăn học.
Cả 7 người con trai của vợ chồng ông Lộc đều đỗ đại học. Ảnh: Lạc Hà
Tuy nhiên, cái khó không khuất phục được họ. Ngày qua ngày, vợ chồng ông Lộc cần mẫn “một nắng, hai sương” đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm làm lụng, tích góp, vợ chồng ông Lộc cũng mua được một miếng đất nhỏ ở làng Gran (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) để trồng cà phê, hồ tiêu. Nhờ chăm chỉ làm lụng và tiết kiệm chi tiêu, dần dà, ông bà đã có tích lũy để mua thêm đất sản xuất, mở rộng diện tích rẫy lên 4 ha.
Từ cuộc sống khó khăn vì thiếu cái chữ nên vợ chồng ông Lộc luôn động viên các con chú tâm vào việc học để thoát nghèo, mai sau có công việc ổn định. Ông Lộc trải lòng: “Để các con được học hành đầy đủ, ăn no, mặc ấm thì vợ chồng tôi có làm lụng vất vả, cực nhọc bao nhiêu cũng vẫn thấy hạnh phúc. Chúng tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực hết sức để các con được học hành đến nơi đến chốn, mai này có cơ hội mở mặt với đời”-ông Lộc bộc bạch.
Thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ, 7 người con của vợ chồng ông Lộc đều hiếu thảo, chăm ngoan và có ý thức vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, cả 7 anh em trai còn tranh thủ thời gian rảnh sau giờ học để phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, bếp núc và quét dọn nhà cửa.
Người con trưởng Lê Huy Hoàng còn nhớ như in khoảng thời gian năm 2005, lúc bấy giờ, địa phương chưa có nhiều trường THPT nên anh phải vượt hơn chục cây số để đến lớp và ở lại đến hết tiết học cuối cùng của buổi chiều. Sáng nào cũng vậy, mẹ anh dậy thật sớm để nấu cơm, lấy lá chuối đùm lại rồi nhét vào cặp sách để trưa các con lót dạ.
Trái ngọt sau những vất vả
Không không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, người con trai cả là Lê Huy Hoàng đã xuất sắc đậu vào ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Huế. Câu chuyện thành công của anh là động lực to lớn cho những đứa em của mình tiếp bước.
Khi thấy các con lần lượt bước chân vào giảng đường đại học, vợ chồng ông Lộc vừa vui, vừa lo. “Cứ cách 2-3 năm lại có một người con đậu vào đại học. Cà phê, hồ tiêu nhiều năm thất thu. Nhiều hôm hai vợ chồng chỉ dám ăn cơm chan nước mắm để dành dụm tiền để gửi lo chi phí học hành của các con. Mặc dù gặp không ít khó khăn về tài chính nhưng vợ chồng tôi quyết tâm cố gắng lo cho các con. Đồng thời, chúng tôi luôn gọi điện hỏi han, động viên khích lệ các con kiên trì theo đuổi ước mơ tìm kiếm tri thức”-bà Linh trải lòng.
Trong nhiều năm liền, gia đình ông Lộc, bà Linh được UBND xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) trao tặng giấy khen gia đình học tập tiêu biểu. Ảnh: Lạc Hà
Tháng 8 năm nay, niềm vui lại tiếp tục đến với gia đình khi cậu con trai út là Lê Hữu Thất (SN 2006) cũng vừa đậu vào ngành Kỹ thuật ô tô của Khoa Kỹ thuật giao thông tại Trường Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Tin vui này khiến vợ chồng ông Lộc không khỏi tự hào: “Nuôi được cả 7 người con bước vào trường đại học chính là thành công lớn nhất của vợ chồng chúng tôi. Những khổ cực, vất vả của gia đình cuối cùng cũng thu được trái ngọt”.
Con cái giờ đã lớn khôn nên người, vợ chồng ông Lộc phần nào được thanh thản tuổi xế chiều. Hiện tại, 6 trong số 7 người con của ông bà đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Anh Lê Huy Hoàng đang công tác tại Đảng ủy xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê); Lê Xuân Thái là chuyên viên pháp lý; Lê Thanh Bình là luật sư; Lê Hữu An làm nhân viên kỹ thuật; Lê Hữu Toán là kỹ thuật viên và Lê Hữu Thạch làm kỹ thuật viên trong lĩnh vực xe ô tô. Cậu con trai út, Lê Hữu Thất hiện đang là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật ô tô, hứa hẹn sẽ tiếp tục nối dài truyền thống hiếu học của gia đình.
Ông Lộc, bà Linh kiểm tra vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Lạc Hà
Nhớ lại những lần đưa các con đi nhập học, ông Lộc xúc động: “Vợ chồng tôi luôn đồng hành cùng các con trên con đường theo đuổi cái chữ. Đứa nào tôi và vợ cũng tự tay dẫn con nhập học để con không bị lạc lõng, tủi thân. Vợ chồng vừa làm rẫy vừa lo chi phí học tập cho các con. May mắn là đứa nào cũng tốt nghiệp đúng hạn và có việc làm ngay sau đó”.
Là người con cả, chứng kiến những vất vả của bố mẹ nuôi nấng cả 7 anh em từ thuở cơ hàn, anh Hoàng luôn lấy bố mẹ làm tấm gương và động lực trong cuộc sống. “Bố mẹ mình xuất phát là con nhà nông. Trải qua thời thiếu ăn, thiếu mặc nên luôn tạo mọi điều kiện để chúng mình đến trường. Ngoài việc học tập, bố mẹ luôn nhắc nhớ chúng mình rèn luyện cả về đạo đức để trở thành những người công dân tốt”-anh Hoàng cho hay.
Trao đổi với P.V, bà Hồ Nhật Trường Vinh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp-cho biết: “Gia đình ông Lộc và bà Cẩm Linh là tấm gương sáng về sự hiếu học. Trong nhiều năm liền, UBND xã đã trao tặng giấy khen gia đình học tập tiêu biểu cho gia đình ông Lộc. Đây cũng là điển hình gia đình hiếu học để các hộ khác tại địa phương noi theo”.