Thời gian đầu, khi hai vợ chồng tôi tính đến chuyện về quê thì con cái ra sức khuyên can. Chúng lo sợ tối ngày chỉ có hai vợ chồng già, ngộ nhỡ bố mẹ ốm cũng khó xoay sở mà về kịp được. Nhưng khi nghe tôi và ông nhà bày tỏ mong muốn, chúng dần hiểu cho nỗi lòng của người già.
Nghỉ hưu, đồng nghĩa không công ăn việc làm, con cháu thì lớn hết rồi nên cả ngày vợ chồng tôi chỉ quanh quẩn với 4 bức tường. Ít ra về quê còn có họ hàng và bà con lối xóm, không thì nuôi vài con gà và trồng ít rau thì cuộc sống cũng đỡ buồn tay buồn chân. Vả lại, người ở quê coi trọng cái tình, nên dù gì nghỉ hưu về quê vẫn là sướng nhất.
Vậy là sau khi được sự ủng hộ của con cháu, chúng tôi cất ngay một căn nhà mái bằng ba gian. Một gian cho vợ chồng già, hai gian còn lại để con cháu hay khách khứa đến chơi có chỗ tá túc.
Do tính tình tháo vát, nên ngay khi đặt chân về quê tôi đã kết thân được với phần lớn bà con làng trên xóm dưới. Nhà ai có công có việc, tôi với ông nhà đều xông xáo hộ hành, mỗi người một tay một chân.
Khi trong xã kêu gọi quyên góp cho khuyến học, cải tạo chùa chiền…vợ chồng tôi cũng rất nhiệt tình. Hay gia đình ai có người ốm đau, tôi và ông nhà đều xung phong đến tận nhà để thăm hỏi động viên.
Với mức sống ở quê hiện nay, lương hưu của vợ chồng tôi cộng lại cũng gọi là thoải mái chi tiêu. Chưa kể đến chúng tôi còn có những khoản tiết kiệm trước đó, thì so với mặt bằng chung ở quê cũng thuộc dạng khá giả. Bởi lẽ đó nên khi bà con lối xóm cần hỗ trợ đến tài chính, vợ chồng tôi cũng rất nhiệt tình. Tôi luôn nghĩ “cho đi là còn mãi”, nhờ có quê hương mà mình mới có được như ngày nay thì bây giờ có “của ăn của để” rồi vợ chồng tôi quay lại đền đáp.
Cuối năm vừa qua trong xóm huy động từng hộ gia đình quyên góp để làm lại tuyến đường ở đầu làng. Đường nhựa lâu ngày xuống cấp xuất hiện “ổ gà ổ vịt: nên gây tai nạn không ít. Tổng số tiền người dân trong xóm quyên góp mới đủ ⅓ chi phí tôn tạo so với dự kiến. Vậy là vợ chồng tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều, trích gần 100 triệu tiền tiết kiệm ra để sửa sang đường xá cùng bà con.
Nhưng tôi chẳng thể ngờ, chỉ vì sự nhiệt tình quá mức mà vợ chồng tôi bắt đầu bị điều tiếng. Bên cạnh với những người yêu quý, thì một số người tỏ ra đố kỵ với chúng tôi. Họ nói rằng vợ chồng tôi vừa mới chân ướt chân ráo về quê mà đã tỏ ra là người có tiền, khoe mẽ của cải này nọ.
Đỉnh điểm của sự việc xảy ra là khi tôi được bầu vào chức trưởng thôn. Trong 5 người được tiến cử, duy nhất tôi là phụ nữ và không phải là người gốc của thôn. Ấy vậy mà, chẳng hiểu sao lại được số phiếu bình chọn nhiều nhất. Tôi cũng tính từ chối nhưng được ông nhà và bà con yêu quý động viên nên tôi chép miệng cho qua, chẳng nghĩ ngợi nữa mà nhận chức vụ này. Cũng từ đó, những người ghét tôi lại càng tỏ thái độ ra mặt.
Điển hình như một bác cách nhà tôi có mấy hộ, thua sau tôi có 6 phiếu bầu nên ấm ức lắm. Họ đi bàn tán là: “Cái thôn này hết người hay sao mà để cho con mụ đàn bà cầm đầu. Lại còn chân ướt chân ráo về quê biết cái gì mà trưởng thôn, trưởng giả…”. Họ còn bày tỏ luôn thái độ không hợp tác khi tôi đề xuất quỹ để ủng hộ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như: chồng mất sớm, một mình nuôi con nhỏ…Họ nói thẳng: “tôi không nhiều của như nhà chị để ủng hộ mấy quỹ vớ vẩn đó”.
Trái ngược hẳn với không khí vui vẻ và yên bình ban đầu khi tôi về quê, mọi người bắt đầu xì xào bàn ra tán vào. Mà cái tính người ở quê, chuyện bé lại xé ra to, hay có chuyện gì thì cả làng trên xóm dưới đều biết.
Đợt vừa rồi khi con cháu tôi về quê thăm ông bà nội, cháu tôi hiếu động nên rất nhanh đã gia nhập cùng trẻ con trong xóm đi đá banh ở đầu làng. Chẳng may thằng bé sút trượt quả bóng nên làm bươu đầu một đứa, mà đứa đấy lại vào đúng cháu của người ghét tôi. Vậy là ngay chiều hôm ấy, họ kéo người sang nhà tôi bù lu bù loa rằng: “Cháu bà ở thành phố về nên ra vẻ hống hách bắt nạt cháu tôi. Đừng tưởng có ít tiền mà có quyền làm loạn cái xóm làng này ra”.
Để con cháu chứng kiến cảnh đấy, vợ chồng tôi xấu hổ vô cùng. Biết là không giấu các con được nữa, tôi mới đem kể ra hết mọi chuyện. Khi nghe xong, các con tôi giục bố mẹ: “Thôi bố mẹ bỏ quê đi, về lại thành phố cho nhàn thân. Ở thành phố buồn đấy, nhưng chẳng ai tọc mạch hay ganh ghét chuyện nhà người khác mẹ ạ”.
Nghe các con nói vậy, vợ chồng tôi cũng ậm ừ và động viên các con để thư thư hai ba tháng nữa xem tình hình có cải thiện không. Nếu không khí ở quê vẫn căng thẳng như này thì vợ chồng tôi sẽ về lại thành phố.
Thú thật, bây giờ vợ chồng tôi hoang mang lắm, cuộc sống ở quê hóa ra lại chẳng đơn giản như tôi vẫn nghĩ.