Nếu biết ở con có nhiều điều đáng tự hào hơn ngoài điểm, sẽ không có đứa trẻ nào phải quỳ gối trưa nắng hạ, trên sân trường bỏng rát.
Những ngày này, mạng xã hội sôi sùng sục như cái nắng gắt gỏng giữa trưa hè Hà Nội. Điểm thi các trường cấp 3 đã được công bố và cập nhật từng giờ, và một mùa thi đại học với biết bao kì vọng của cả con và cha mẹ lại đến…
Những gia đình có con thi đỗ nguyện vọng 1 thì hồ hởi ăn mừng, post lên facebook tấm hình con từ bé đến lớn với xiết bao tự hào. Những gia đình có con thiếu điểm thì cả đêm không ngủ, đắn đo giữa các nguyện vọng, không khí căng như dây đàn, bữa cơm có lẽ chưa lúc nào khó nuốt đến thế.
Không nằm ngoài “xu thế” đó, fanpage của các trường thi nhau đăng bài. Trường quốc tế, trường dân lập chất lượng cao, trường công chuẩn quốc gia… Trường nào cũng hiện lên bài đăng mới nhất với format “trăm trường như một”: Dòng chữ in hoa, to đậm “NIỀM TỰ HÀO CỦA TRƯỜNG TA” và nội dung bài là mười mấy tấm ảnh có gương mặt các học sinh đỗ vào chuyên nọ, chọn kia với số điểm cao ngất.
Đương nhiên trường học thì phải ngợi khen học sinh giỏi, như doanh nghiệp phải vinh danh cá nhân xuất sắc. Sự ngợi khen và động lực thúc đẩy các con cố gắng hơn. Thế nhưng, phải chăng cụm từ “Niềm tự hào” dùng riêng cho các bạn học sinh có điểm số xuất sắc nghe có vẻ thiếu công bằng với những bạn thành tích học tập bình thường (vốn chiếm số đông trong trường?). Các con nhìn thấy bài đăng ấy chắc chưa đến mức tủi thân, chạnh lòng. Thế nhưng từ đó, cái suy nghĩ “Bản thân mình hình như không có gì đáng để tự hào?” dần dần ăn sâu vào tiềm thức. Khiến con nghĩ rằng “cày ngày, cày đêm” là con đường duy nhất để được công nhận.
Đó là chưa kể những gia đình thiếu tâm lý, bố mẹ chụp màn hình ngay lập tức, rồi inbox vào “group gia đình” nói mát mẻ: “Đúng là nhà mình chỉ đóng học phí cho con người ta đi học!!” thì khoảng sâu ngăn cách giữa bố mẹ và con cái lại rộng ra thêm nhiều chút.
Nếu như vào thời điểm tuyển sinh, trường nào cũng nói rất hay về 7 loại hình thông minh, về giảm áp lực đi, hạnh phúc hơn và trân trọng từng khả năng vốn có của mỗi học sinh. Thì cuối năm, chẳng hiểu sao lại chỉ tổng kết “niềm tự hào” bằng điểm số. Thế những học sinh bình thường, sống tử tế, chân thành không đáng nói đến ư?
Tại sao bản tổng kết đó, lồng trong những khung ảnh đẹp đẽ của sự tự hào không chỉ là học sinh này học giỏi, mà còn có học sinh kia tốt bụng luôn âm thầm giúp đỡ bạn bè. Tự hào vì bạn nam này dũng cảm, cũng tự hào vì bạn nữ nhút nhát nọ lần đầu đứng lên thuyết trình bài luận dõng dạc trước lớp một cách tự tin. Tự hào vì một học sinh cá tính có phần “hung hăng” giờ đã không còn sử dụng vũ lực, càng tự hào hơn người bạn kém may mắn đã vượt qua căn bệnh để quay lại trường học thân yêu…
Chúng ta ra rả mong muốn những đứa trẻ của mình sẽ biết cách tìm ra thứ chúng muốn trong cuộc sống bằng những con đường khác nhau. Biết cái gì là quan trọng và ưu tiên hạnh phúc. Nhưng lại thèm thuồng nhìn 1 kết quả duy nhất là ĐIỂM SỐ.
Nếu cha mẹ biết ở con có nhiều điều đáng tự hào hơn ngoài điểm, sẽ không có đứa trẻ nào phải quỳ gối giữa cái nắng, trên sân trường, xung quanh biết bao cặp mắt hiếu kì chỉ vì con không đủ điểm vào trường.
Nếu người mẹ ấy đọc được những lời của con mình, rằng cô bé rất lo cho mẹ, cô bé khóc không phải vì không đậu mà vì chỉ sợ mẹ giận quá mà ngất đi… thì không biết bà sẽ nghĩ gì?
Người ta nói nhiều về đức hy sinh của người mẹ. Nhưng tình cảm thanh khiết của con, chẳng hờn trách gì mẹ mình, thật sự đáng tự hào hơn điểm 9,10 môn Toán mà em đã bỏ lỡ.
Nhớ lại khoảnh khắc sinh con ra đời, điều khiến trái tim của bạn ngập trong hạnh phúc là gì? Chẳng phải là nghe thấy sinh linh ấp ủ 9 tháng 10 ngày khóc tiếng khóc chào đời? Là được bác sỹ thông báo “Con bình thường nhé!”.
Đừng khen tặng chỉ khi con nổi bật, hãy vui mừng cả khi con bình thường. Bình thường luôn là điều tuyệt vời nhất!
Trưa nay tôi đi ăn bún ngan, con anh bán bún tầm 6,7 tuổi được đứng quầy thu ngân. Tôi ăn xong đi ra quầy tính tiền. Cậu bé hỏi tôi bằng giọng lễ phép “cô ngồi bàn mấy ạ?”. Tôi trả lời xong, vì cậu cộng trừ còn ngượng nghịu nên bà ngồi ở quãng xa đã cộng trừ hộ. Cậu bé nhận tiền của tôi, trả lại tiền lẻ bằng 2 tay: “Cháu gửi ạ.”
Lúc đấy, tôi nhìn thấy nơi góc phòng, anh chủ quán tay không ngơi chan nước vào bát, mắt vẫn hướng ánh nhìn ấm áp về phía cậu con trai nhỏ của mình.
Đã bao lâu rồi bạn không tự hào nhìn con mình vì những điều giản dị như thế?