Có câu nói thế này: Trên đời này, ngoài bố mẹ và anh em ruột thịt, không có gì hơn tình huynh đệ. Bố mẹ chúng tôi đã dạy chúng tôi từ khi còn nhỏ rằng nếu một ngày nào đó có chuyện gì xảy ra thì anh em chúng tôi phải đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, để không bị ai bắt nạt và gia đình có thể thịnh vượng.
Nhưng theo thời gian, mối quan hệ này đã bắt đầu có sự thay đổi. Đặc biệt là sau khi mọi người lập gia đình, phần lớn họ sẽ dồn vào việc chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, rồi dần dần xa lánh nhau một cách vô hình.
Nhưng có người lại đơn giản nghĩ rằng chỉ cần tốt với anh em thì họ sẽ ghi nhớ lòng tốt của mình và mối quan hệ này sẽ được duy trì tốt đẹp. Cho đến một ngày, mới nhận ra đó là suy nghĩ ngu ngốc nhất.
Hãy nghe qua câu chuyện của bác Lưu:
“Tôi tên là Lưu, năm nay đã 66 tuổi, nhà tôi có 5 anh em, tôi là con cả. Người ta thường có câu nói rằng anh như cha, điều đó hoàn toàn đúng. Tôi có 4 người em trai, đứa em út kém tôi 15 tuổi. Bố tôi mất sớm nên gánh nặng đè lên vai tôi và mẹ. Lúc đó tôi vừa làm anh, vừa kiêm luôn vai trò làm bố từ rất sớm. Tôi nhớ rằng tháng ngày sau khi bố mất, tôi phải vừa trông các em vừa làm việc, một đứa được tôi cõng trên lưng, còn những đứa khác lẽo đẽo theo sau cùng tôi đi làm. Vì sống với nhau như vậy từ nhỏ nên chúng thành ra ỷ lại vào tôi rất nhiều.
Điều kiện gia đình chúng tôi vốn rất tốt, nhưng do một vài lý do mà chúng tôi rơi vào cảnh nghèo khó. Đến thế hệ bố tôi, chúng tôi không còn một xu dính túi nào. Tôi mơ hồ nhớ rằng bố tôi khi còn sống ít ra ngoài làm việc, ông chỉ thích ở nhà đọc sách và viết lách, mọi việc nhà đều đổ lên vai mẹ tôi. Vì thế mẹ mệt mỏi kéo dài, tinh thần u uất nên tính tình bà trở nên cáu gắt và hay mắng mỏ bố tôi. Bố tôi không đôi co lại mà thường nhốt mình trong phòng. Có lẽ điều đó đã gây áp lực cho bố rất nhiều dẫn đến việc bố tôi qua đời.
Bố mất khiến gia đình tôi càng ngày khốn khó, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, tôi đã nghỉ học từ năm lớp 10 để phụ giúp mẹ làm việc đồng áng. Tôi phụ mẹ việc hái rau đem đi chợ bán từ sớm, công việc này với tôi lúc đó khá vất vả, mà số tiền kiếm được cũng chẳng được bao. Đến khi tôi bước sang tuổi 17, tôi ra ngoài làm việc, lương mỗi tháng cũng cao hơn. Mỗi khi nhận được lương, tôi đều đưa hết cho mẹ, còn giữ lại cho mình khoảng 1 triệu để chi tiêu cá nhân. Hy vọng rằng số tiền tôi kiếm được sẽ giúp các em có cuộc sống tốt hơn. Các em trai của tôi cũng rất kính trọng tôi, chúng biết tôi cực khổ nên thương tôi lắm.
Để giúp gia đình, mãi đến 33 tuổi tôi mới kết hôn. Lúc đầu vợ tôi không đồng ý chuyện kết hôn vì cô ấy thấy gia đình tôi nghèo, mẹ thì già. Cuối cùng vì sự kiên trì, chăm chỉ và trung thực của tôi mà vợ đã đồng ý kết hôn. Sau khi kết hôn, tôi vẫn có thói quen đó là lấy tiền của mình ra nuôi mấy đứa em. Hễ chúng có khó khăn gì chúng sẽ tìm đến tôi, chỉ cần chúng nói tôi sẽ giúp đỡ. Chính vì vậy, vợ tôi thường xuyên phàn nàn, cãi vã với tôi, nói rằng tôi vì các em mà không quan tâm đến gia đình riêng. Đến sau này tôi mới biết bản thân mình đã sai quá sai.
Đứa em trai sau tôi, tuổi nó không chênh lệch nhiều với tôi lắm, sau này nó đã biết tự lập chăm lo cho bản thân mình. Đứa em thứ hai là đứa thứ 3 trong nhà khi nó kết hôn, nó không có đủ tiền, vì vậy tôi đã lấy cho nó một nửa số tiền tiết kiệm của mình để lo việc tổ chức đám cưới cho nó. Lúc ấy tôi không nghĩ nhiều, chỉ nghĩ rằng bản thân là anh cả, bố không có ở bên cạnh nên đứng ra lo cho em cũng là chuyện đương nhiên. Sau này khi nó xây nhà, tôi vừa góp sức vừa góp tiền giúp đỡ nó.
Còn đứa em trai thứ ba lúc đó muốn ra ngoài làm việc, nhưng không có tiền đi lại, tiền sinh hoạt nên tôi cũng giúp đỡ, gửi tiền cho nó. Tôi biết ra ngoài làm việc không hề dễ dàng, tôi đã từng trải qua cảnh khó khăn đó rồi nên tôi biết, tôi sợ nó ra ngoài sẽ phải khổ.
Đứa em út được cưng chiều từ nhỏ, sau khi lớn lên nó không đi học cũng không đi làm thuê như mấy đứa khác. Nó chọn việc mở kinh doanh, nhưng bảo rằng không có vốn. Tôi thấy suốt ngày nó cứ cau có, rồi lo lắng không ngủ được, mềm lòng nên tôi đã lén rút một phần tiền tiết kiệm của gia đình đưa cho em trai. Nhưng có lẽ vì không giỏi kinh doanh nên nó nhanh chóng mất hết số vốn trong vòng chưa đầy nửa năm. Không còn cách nào khác, tôi tìm mối quan hệ để giúp tìm cho nó một việc làm.
Sau khi vợ tôi biết chuyện này, cô ấy đã bảo rằng:
“Anh làm như vậy là không phải giúp đỡ đâu mà anh đang hại các em đấy. Cứ tiếp tục như vậy chỉ khiến các chú ấy càng ỷ lại vào anh mà thôi. Chẳng những thế các chú ấy còn trở nên tham lam và lười biếng. Cho dù anh có tốt như thế nào thì chưa chắc họ sẽ nhớ đến lòng tốt của anh”.
Lúc đó tôi không quan trọng chuyện đó lắm, nghĩ rằng chúng sẽ nhìn thấy sự cố gắng của tôi và sẽ không bao giờ quên ơn. Không còn bố nữa, chỉ còn mình tôi, đó là các em tôi, tôi không giúp thì ai giúp chúng đây?
Cho đến vài năm trước, mẹ tôi mất trí nhớ sau một cơn đột quỵ, và việc chăm sóc bà trở thành một vấn đề lớn. Là con cả, tôi phải giải quyết hết mọi vấn đề. Tôi có nói với các em trai tôi rằng:
“Mẹ ốm nên một là anh em mình thay phiên nhau chăm sóc, hai là anh chăm sóc còn các em lo tiền sinh hoạt và thuốc thang cho mẹ”.
Nhưng điều tôi không ngờ tới là sau khi nghe tôi đề nghị, một số đứa em trai tìm lý do để trốn tránh, nói rằng cuộc sống của chúng rất khó khăn và áp lực. Nếu nghỉ việc để chăm mẹ thì chúng sẽ không thể kiếm tiền lo cho vợ và các con của chúng. Đến cuối cùng, chúng lại đùn đẩy cho tôi còn bảo tôi có điều kiện tốt, và là con trai cả nên chăm sóc mẹ là đúng.
Sau khi nghe những lời này, tôi rất đau buồn và phẫn nộ. Ban đầu tôi nghĩ rằng tôi tốt với chúng, chúng sẽ biết ơn. Chẳng có gì có thể đánh đổi được tình anh em. Nhưng thực tế lại khiến tôi nhận ra rằng là do mình quá ngây thơ, tôi thực sự hối hận vì đã không nghe lời vợ.
Điều tồi tệ hơn nữa là trong khoảng thời gian tôi chăm sóc mẹ, các em trai rất ít về thăm. Nhưng mẹ vừa qua đời, chúng liền kéo nhau đến nhà tranh giành gia sản. Có đứa đề nghị bán căn nhà cũ rồi chia đều, có đứa viện đủ lý do để được sở hữu. Lúc đó tôi không thể chấp nhận được bèn bắt chúng quỳ xuống xin lỗi, dưới sức ép của mọi người xung quanh, chúng có xin lỗi cho qua chuyện.
Từ đó tôi lạnh nhạt hoàn toàn, không còn liên lạc nhiều với các em nữa. Lúc này tôi mới sực nhớ lời vợ nói rằng tôi đã sai, sự giúp đỡ không giới hạn của tôi đã nuôi dưỡng tính tham lam, lười biếng và vô trách nhiệm của những đứa trẻ. Ban đầu tôi nghĩ rằng nếu tôi hết lòng với chúng, thì chúng sẽ biết ơn đối xử với tôi tốt. Không ngờ, điều tôi nhận lại là sự vô ơn đến cay đắng.
Dĩ nhiên không ai cấm chuyện giúp đỡ các em ruột của mình nhưng chỉ nên hỗ trợ một phần nào đó mà thôi. Bạn nghĩ sao về điều này?