Giáo viên trường tư có phải tuân thủ quy định về dạy thêm?

Khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm được ban hành, nhiều người cho rằng quy định này chỉ áp dụng đối với các trường công lập và giáo viên thuộc trường công lập.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ GD&ĐT), đã làm rõ tại một tọa đàm về dạy thêm, học thêm rằng Thông tư 29 không phân biệt giữa trường công lập và tư thục. Theo quy định, các trường tư thục cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục theo chương trình chung và thực hiện đúng quy định.

Nếu trường tư thục tổ chức dạy học hai buổi/ngày và tiếp tục giảng dạy các môn học trong chương trình vào buổi chiều như trước đây, thì hoạt động này vẫn bị xem là dạy thêm. Ngược lại, nếu buổi học thứ hai dành cho các hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa như sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ hay hoạt động phục vụ cộng đồng, thì điều này được khuyến khích.

Ảnh minh họa.

Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, nếu các trường tư tổ chức giảng dạy chính khóa trong cả hai buổi/ngày thì vẫn bị coi là dạy thêm.

Thông tư 29 quy định rõ rằng đối tượng áp dụng bao gồm người dạy thêm, người học thêm, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan, không chỉ giới hạn trong giáo viên trường công lập. Vì vậy, giáo viên trường tư cũng phải tuân thủ các quy định, như không được dạy thêm học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống) và không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu phí đối với học sinh mình đang giảng dạy chính khóa.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa giáo viên trường tư và giáo viên trường công lập là giáo viên trường tư được phép đăng ký kinh doanh, tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Trong khi đó, giáo viên trường công lập chỉ có thể tham gia giảng dạy tại các trung tâm mà không được phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo Thông tư 29, các trường tư thục không được tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc tổ chức dạy thêm có thu phí trong trường. Việc dạy thêm chỉ được phép áp dụng với ba nhóm đối tượng: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được chọn để bồi dưỡng nâng cao và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện ôn thi.

Ngay cả khi dạy thêm đúng đối tượng, các trường vẫn phải đảm bảo không sắp xếp giờ dạy thêm xen kẽ trong thời khóa biểu chính thức, không dạy trước nội dung chương trình, và mỗi môn học chỉ được tổ chức dạy thêm tối đa 2 tiết/tuần.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/giao-vien-truong-tu-co-phai-tuan-thu-quy-dinh-ve-day-them-d267600.html