Bị em gái đuổi ra khỏi nhà không cho ở, cô giáo Nguyễn Thị Ba nhiều lần phần vân giữa việc vào viện dưỡng lão hay ở ngoài mưu sinh. Cuối cùng, bà giáo U80 chọn tiếp tục ngọn lửa đam mê với nghề gõ đầu trẻ và bán vé số để nuôi dưỡng đam mê ấy.
Một ngày làm thầy, cả đời là cha. Nghề giáo luôn là một trong những nghề nghiệp danh giá nhất, được xem trọng nhất vì tính chất giáo dục ra thế hệ tương lai của mình. Mà những con người lựa chọn sự nghiệp “gõ đầu trẻ” cũng phải có trong mình một ngọn lửa nghề luôn rực cháy, đam mê với con chữ và công việc dạy học.
Cô giáo Nguyễn Thị Ba chính là một nhà giáo nhiệt huyết như vậy, bà đã theo nghề giáo gần như trọn cả cuộc đời. Câu chuyện về bà, người giáo viên về hưu ngày đi bán vé số, tối đến lại dạy lớp học tình thương mới đây đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội và được nhiều người quan tâm.
Được biết, lớp học của cô giáo Ba (72 tuổi, sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã sáng đèn được 5 năm nay. Mỗi ngày, bà rời khỏi nhà trọ đi bá vé số vào sáng sớm. Chiều tối lại trở về lớp học tình thương ở phường Phú Cường để mang con chữ đến với những người cần nó.
Trước khi về hưu, bà giáo Ba từng học tại trường Sư phạm Sài Gòn vào năm 1968, ngay sau khi tốt nghiệp, bà được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (Bình Dương), sau đó đến năm 2003 thì bà chính thức về hưu. Kể về hoàn cảnh bơ vơ không nhà của mình, bà Nguyễn Thị Ba cho biết :”hôm đó, vào khoảng lúc 7h tối, em tôi ném đồ tôi ra ngoài không cho tôi ở nữa. Nó nói nhà này nhà của má nó, tôi không ở đây được. Sau khi em tôi ném đồi ra rồi, tôi cảm thấy buồn và trống trải, cô đơn lắm.”
Bị đuổi khỏi căn nhà mình đang sinh sống, bà Ba đi lang thang và có suy nghĩ về việc vào trung tâm nuôi dưỡng người gìa tàn tật, cô đơn. Tuy nhiên, khi suy nghĩ kỹ, bà cho biết bởi vì mình còn nghề giáo, còn sức khỏe, muốn cống hiến nhiều hơn nên lại rời gót bước đi. Từ đó, cô giáo Nguyễn Thị Ba bắt đầu bán vé số mưu sinh, công việc này cũng là điều kiện tiên quyết để bà gặp những đứa trẻ mồ côi nhưng ham học con chữ.
Trong khoảng thời gian đi bán vé số của mình, bà Ba đã tiếp xúc với rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, chúng không được đi học như bao đứa trẻ khác, thay vào đó phải vật lộn với cuộc sống mỗi ngày để kiếm ăn, để trang trải…Trước những mảnh đời bất hạnh này, bà Ba không thể kìm lòng, chính tình yêu thương dành cho bọn trẻ đã thôi thúc bà xin vào dạy ở lớp học tình thương. Bà cho biết, bà không nghĩ gì nhiều, chỉ mong học trò trong lớp học của mình biết con chữ, tính toán, để khi ra đường đi làm không bị thiệt thòi với người ta.
Dù đã lớn tuổi, thế nhưng bà Ba vẫn ngày ngày đi bộ 2km đến lớp học, thậm chí còn đến trước giờ học 1 tiếng để chuẩn bị bài vở cho học sinh của mình. Hiện tại, lớp học của bà có 19 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Em nhỏ nhất 10 tuổi, lớn nhất đã 33 tuổi. Tất cả đều là những hoàn cảnh khó khăn, không biết chứ và gắn bó với lớp từ những ngày đầu.
Sau khi biết đến lớp học tình thương của bà Ba, nhiều nhà hảo tâm cũng đã quyên góp ủng hộ bằng cách mang thức ăn đến để các em ăn lót dạ sau một ngày đi bán vé số vất vả. Bên cạnh đó, số tiền bán vé số hằng ngày cũng được bà Ba dành dụm, 1 nửa trang trải cuộc sống, một nửa lo thêm cho các em ở lớp học tình thương.
“Tôi tin rằng ở xã hội này còn nhiều người tốt, đến khi tôi không làm được nữa, họ sẽ tiếp bước tôi, dạy cho các em thành người tốt. Tôi tin vào điều đó.” bà Ba tâm sự.
Hiện tại, các học sinh ở lớp học tình thường cô giáo Ba đã học đến lớp 4. Năm 2021, khi các em học xong lớp 5, cô ba sẽ chính thức “nghỉ hưu”…