Dùng dằng mãi mới cho cưới, mẹ chồng nghe nhà gái sang 40 người thì bảo: “Cứ nhân lên mà trả tiền cỗ”

Mẹ em nghe vậy tức lắm nhưng không tỏ thái độ vì quen kiểu nhịn nhục xưa nay. Hơn nữa, mẹ cũng biết con gái mình có bầu trước, hoàn cảnh lại lép vế nên không dám chê câu nào.

Tụi em phải trải qua nhiều khó khăn mới được sự đồng ý của gia đình hai bên. Giờ đây chỉ còn vài ngày nữa là tổ chức đám cưới rồi mà em lại hoang mang quá, không biết quyết định về chung nhà với anh có phải là đúng đắn hay không, có nên tiếp tục hay không. Chuyện hệ trọng cả đời nhưng em cảm thấy không có niềm tin tí nào cả.

Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của tụi em không được chấp nhận là vì hoàn cảnh gia đình em có phần phức tạp. Bố mẹ em đã ly hôn lâu rồi, bố có người khác, mẹ chịu đựng 7 năm trời, chịu bao đòn roi của người chồng vũ phu cuối cùng vẫn quyết định ly hôn. Sau khi kí vào đơn, bà rơm rớm nước mắt: “Thực ra bố mẹ không còn tình cảm gì với nhau nữa rồi nhưng mẹ vẫn muốn giữ cho các con một gia đình trọn vẹn, để sau này đi lấy chồng, các con không bị đánh giá này kia, khó sống bên nhà chồng”. Hồi đó em chưa nghĩ đến chuyện chồng con nên cứ ậm ừ cho qua chuyện. Đến giờ, yêu đương và ra mắt nhà chồng, bị mẹ chồng nói này kia em mới thấm.

Những mối tình trước kia của em thì nghe đến việc bố mẹ em bỏ nhau thì họ lại ái ngại vì nghĩ “mẹ nào con nấy”. Sau đó, em độc thân một thời gian dài rồi mới gặp anh, một người đàn ông yêu thương và chăm lo cho em thực sự. Dù biết rõ hoàn cảnh của em ngay từ khi mới quen nhưng anh vẫn thật tâm muốn lấy em làm vợ. Em tâm sự với anh: “Bố theo vợ mới, giờ nhà chỉ còn 3 mẹ con, chị gái đi lấy chồng xa, nên em giờ xem như chỗ dựa của mẹ. Em phải sống cùng mẹ để lo cho bà lúc về già, anh thấy vậy được không, nếu anh đồng ý thì mình đến với nhau, còn không thì thôi, mình dừng lại sớm tránh sau này nhiều chuyện khó xử”. Nghe vậy, người yêu em bảo:

“Anh không quan trọng chuyện đó đâu, mẹ em cũng như mẹ anh thôi. Vợ chồng mình cưới xong ở chung với mẹ luôn, tại nhà anh cũng còn anh 2 lo cho bố mẹ rồi”.

Nghe vậy, em hạnh phúc lắm, cuối cùng cũng có người hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Rảnh rỗi anh qua phụ mẹ con em sửa điện nước trong nhà, đợt mẹ em ốm nằm viện, anh cũng vào viện săn sóc và chăm lo chẳng khác gì mẹ đẻ. Nhìn cách anh hết lòng vì mẹ con em, thực sự em cảm kích vô cùng, chỉ có điều gia đình anh lại không như thế.

Khi anh đưa em về ra mắt thì gia đình anh kịch liệt phản đối, đặc biệt là mẹ anh, nghe em nói sơ về hoàn cảnh gia đình bà đã bỏ vào trong không tiếp chuyện nữa. Sau đó bà gọi điện cho em và nói: “Hai bác quý cháu nhưng bác không thể chấp nhận cháu làm con dâu gia đình này được. Gia đình nhà bác gia giáo, đàng hoàng, lễ nghĩa không thể kết thông gia với người ly hôn được. Chưa kể cháu còn phải nuôi mẹ già, nếu cưới về thằng Thành nhà bác phải gánh vác 2 bên à? Thôi thì 2 đứa chia tay đi nhé”.

Thật tình em cũng dự đoán được cuộc hôn nhân của hai đứa sẽ không suôn sẻ nhưng không ngờ lại khó khăn đến mức này. Sau đó vì áp lực của người lớn nên em đành nói lời chia tay. Hai đứa đau khổ vật vã một thời gian, anh suốt ngày gọi điện, nhắn tin xin quay lại, thậm chí còn tuyên bố “Chỉ cần em đồng ý, anh sẵn sàng bỏ nhà để đến sống cùng em”. Thế nhưng em dứt khoát chia tay vì không muốn nghĩ đến cảnh sau này sống chung với mẹ chồng.

Thế nhưng duyên phận của tụi em vẫn còn, đường ai nấy đi 2 tháng thì em phát hiện mình có bầu. Lúc này đất trời dường như sụp đổ, em hoang mang không biết phải xử lý như thế nào, vừa muốn quay lại để con em có đủ bố mẹ, vừa muốn bỏ con để bắt đầu cuộc sống mới, không còn dính líu gì gia đình bên đó nữa.

Thế nhưng, khi đến bệnh viện thì bác sĩ khuyên em nên suy nghĩ lại vì cơ địa em khó có con, nếu bỏ đứa bé này thì sau này việc mang bầu trở lại chỉ khoảng 10%.

Nghe vậy em ra về, quyết định kể cho mẹ nghe để xin ý kiến, mẹ em buồn lắm nhưng vẫn khuyên: “Con lớn lên thiếu đi vòng tay của bố rồi, giờ con định để con mình đi theo vết xe đổ đó à. Mẹ nghĩ con nên nói với thằng Thành 1 tiếng để hai đứa cùng giải quyết. Tại hai đứa cũng yêu thương nhau mà, biết đâu nhờ dịp này mà hòa giải hai bên gia đình”.

Đúng như lời mẹ nói, khi biết em đang mang trong mình giọt máu của gia đình thì mẹ chồng đã miễn cưỡng đồng ý, khỏi phải nói hai đứa hạnh phúc đến mức nào. Thế nhưng mẹ chồng kiểu bằng mặt mà không bằng lòng.

Khi bàn chuyện cưới xin, bà bảo: “Các con cưới gấp quá, mẹ chỉ có 5 chỉ vàng cưới thôi, với mẹ định không nạp tài lễ đen đâu nhé, cả cái đấy là phong tục cũ rồi, mình không nên giữ làm gì. Với cả mẹ định cho con đi cửa sau cũng không bái gia tiên vì con có bầu trước, như thế không tốt cho gia đình”.

Mẹ em nghe vậy tức lắm nhưng không tỏ thái độ vì quen kiểu nhịn nhục xưa nay. Hơn nữa, mẹ cũng biết con gái mình có bầu trước, hoàn cảnh lại lép vế nên không dám chê câu nào.

Hôm ăn hỏi, nhà em cố gắng chuẩn bị đầy đủ và tươm tất nhất nhưng nhà trai sang chỉ đi được vài người, nhìn như cái đám cưới vội. Bà con dòng họ nhìn em mà em tủi thân vô cùng. Chồng em thấy vậy cũng động viên em rất nhiều. Hôm đó, mẹ em báo với mẹ chồng là: “Con gái út nhà tôi đi lấy chồng, anh em họ hàng thương lắm nên ai cũng muốn đi đưa dâu để xem cuộc sống của cháu thế nào. Tôi sẽ sắp xếp 40 người đưa dâu”, thế mà mẹ chồng em đủng đỉnh đáp: “Cũng được thôi, 40 người 4 mâm cứ nhân lên mà trả tiền cỗ. Cỗ nhà tôi 5 triệu/bàn”.

Mẹ em nghe vậy chỉ biết câm nín. Đi lấy chồng mà kiểu như xin xỏ người ta ấy các chị, luồn cúi, nhục nhã. Các chị nghĩ em có nên dừng lại, hủy hôn không, chứ em chán lắm rồi?

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/dung-dang-mai-moi-cho-cuoi-me-chong-nghe-nha-gai-sang-40-nguoi-thi-bao-cu-nhan-len-ma-tra-tien-co-d155827.html
X