Người ta nói rằng “bệnh tật đến từ miệng”. Nếu không muốn vướng vào nhiều loại bệnh tật thì việc đảm bảo an toàn trong ăn uống là rất quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không để ý những dụng cụ ăn uống tiếp xúc gần miệng như bát đũa.
Một số loại bát đũa thực sự có thể là “thủ phạm giết người”, đang âm thầm gây hại sức khỏe cho chính bạn và gia đình.
1. Loại bát có thể giải phóng formaldehyde, gây bệnh bạch cầu
Bát sứ giả trông rất giống bát sứ thật nhưng nhẹ hơn, ít bị vỡ hơn. Vậy nên, nhiều gia đình có trẻ nhỏ, nhà hàng rất chuộng dùng. Tuy nhiên, loại bát này tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh bạch cầu.
Thành phần chính của bát sứ giả là nhựa melamine. Nhựa melamine là chất không chịu được nhiệt độ cao. Nếu bát sứ giả được đun sôi trong dầu nóng ở nhiệt độ 200°C khoảng 10 phút, một phần nhựa melamine có thể bị phân hủy, tạo ra các chất độc hại như melamine, formaldehyde.
Một số loại bát làm từ melamine kém chất lượng thậm chí còn nguy hiểm hơn. Họ sử dụng nhựa urea formaldehyde thay vì nhựa melamine. Loại nhựa này độc hại hơn và có tốc độ giải phóng formaldehyde cao hơn.
Formaldehyde đã được Cơ quan Nghiên cứu UT Quốc tế xếp vào loại “chất gây UT cấp độ 1”. Tiếp xúc lâu dài với liều lượng lớn có thể gây đột biến gen trong tế bào mô người. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, UT hạch, vòm họng, não…
Trước đó, chương trình “News Truth” của kênh Mago TV đã tiến hành thí nghiệm “lượng formaldehyde thải ra từ bát sứ giả”. Họ phát hiện, formaldehyde vượt quá nồng độ tối đa mà cơ quan quản lý nhà nước cho phép.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bát sứ giả hoàn toàn không thể sử dụng được. Chỉ cần chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn quốc gia, cẩn thận khi sử dụng thì bạn vẫn dùng được.
Vậy làm thế nào để đánh giá được bát sứ giả có chất lượng hay không? Làm thế nào để lựa chọn và sử dụng bát làm từ melamine đúng cách? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết:
– Khi mua hàng, bạn nên kiểm tra kỹ xem sản phẩm có nhãn hiệu QS, giấy phép sản xuất và tiêu chuẩn thực hiện hay không.
– Không nên mua bát sứ giả có hoa văn quá sáng vì lớp sơn màu có thể chứa quá nhiều kim loại nặng.
– Trước khi sử dụng bát sứ giả, bạn có thể ngâm bát trong nước sôi nửa giờ. Khi thấy bát có màu trắng, phồng rộp, nứt nẻ hoặc lên mùi hăng, tốt nhất không nên sử dụng.
– Khi nhiệt độ vượt quá 120°C, formaldehyde cũng sẽ được giải phóng. Do đó, tốt nhất, bát làm từ melamine không nên dùng để đựng thức ăn ở nhiệt độ cao hoặc dầu nóng. Bạn cũng không thể đặt chúng vào lò vi sóng hoặc lò nướng để hâm nóng.
2. Loại đũa có thể là “thủ phạm” gây ung thư gan
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều chất liệu làm đũa khác nhau như inox, nhựa, tre, gốm sứ… Bạn cần căn cứ các tiêu chí so sánh dưới đây để tìm loại đũa an toàn cho cả gia đình:
Đũa inox
Loại đũa này thuận tiện hơn khi làm sạch và dễ khử trùng. Tuy nhiên, do vấn đề chất liệu nên nó tương đối nặng và trơn, không dễ dàng gắp thức ăn.
Khi mua đũa inox, hãy cẩn thận không chọn loại 201 vì chứa tỷ lệ niken thấp, khả năng chống ăn mòn kém và chứa quá nhiều kim loại nặng. Về lâu dài có thể gây hại gan, nguy cơ UT gan.
Đũa nhựa
Loại đũa này nhẹ, có nhiều kiểu dáng khác nhau và không bị gãy. Nhiều gia đình sẽ mua cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên, chất liệu nhựa dễ bị biến dạng, thậm chí nóng chảy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, không nên sử dụng thường xuyên.
Đũa tre
Được làm từ tre tự nhiên, nhìn chung không độc hại, nhẹ, dễ sử dụng, không dễ gãy nên đũa tre là lựa chọn tốt.
Tuy nhiên, một số loại đũa tre có lớp sơn màu bên ngoài thì không nên dùng. Lớp sơn này có thể chứa các chất gây UT như chì, benzen.
Chúng sẽ bay hơi khi tiếp xúc với nhiệt, dễ bong ra sau khi hao mòn.
Dù đũa tre là lựa chọn tốt nhưng lại không thể sử dụng được lâu dài. Việc sử dụng đũa tre “quá tuổi” còn tiềm ẩn nguy cơ gây UT.
Khi sử dụng lâu dài, đũa tre có thể dễ dàng chứa nhiều loại chất gây bệnh, bao gồm Staphylococcus aureus và Escherichia coli, gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy… Đũa tre có khả năng bị nấm mốc, sản sinh ra chất gây UT loại 1 aflatoxin, là nguyên nhân gây UT gan.
Nếu trong bếp của bạn vẫn còn những loại bát đũa kể trên thì nên thay thế chúng càng sớm càng tốt nhé!