Bố mẹ em vẫn hay tâm sự và nói chuyện khi em bước sang năm thứ 2 đại học, mẹ em bảo:
“Bố mẹ chẳng cấm con yêu ai, cưới ai, nhưng bố mẹ chỉ có mình con. Sau có cưới chồng thì đừng cưới xa quá. Lấy chồng gần, bố mẹ còn có thể thăm nom, có gì còn cho được, lấy xa xem như là mất luôn con gái”.
Tuy rằng gia đình em không giàu có, nhưng được cái bố mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc. Không khí lúc nào cũng đầm ấm, sum vầy bên nhau. Vì thương bố mẹ nên em cũng tự nghĩ rằng chỉ lấy chồng gần nhà. Xa quá cũng chỉ tầm 10 cây là được. Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính, chuyện tình cảm cũng không thể tự quyết định và kiểm soát được. Chọn đi chọn lại, cuối cùng vẫn phải lấy chồng xa, mà nhà chồng cách nhà em phải hơn 200km.
Đến năm thứ ba em bắt đầu yêu. Lúc đầu biết quê người yêu ở xa, em có chút do dự. Nên nhiều lần người yêu tỏ tình nhưng em đều từ chối. Nhưng anh người yêu vẫn không bỏ cuộc, anh ấy suốt ngày đến nơi em ở để chờ em bằng được. Nhiều lần, em phải nói nặng lời để đuổi về, thì anh bảo:
“Cho dù em có chửi anh, có đuổi anh thì anh cũng sẽ không từ bỏ đâu. Ngày mai anh lại tới chờ em nữa, cho đến khi nào em đồng ý làm người yêu của anh thì thôi”.
Cứ như thế một tháng có 30 ngày, ngày nào anh ấy cũng đến, cho dù là mưa to gió lớn cũng không ngừng. Cuối cùng, em cũng chỉ biết nhận lời, khi đó em chỉ nghĩ thôi nhận đại, dù gì người ta cũng bảo tình yêu sinh viên thường mỏng mảnh lắm. Nhiều đôi sau khi ra trường, đi làm cũng chia tay đó thôi. Trước mắt thì cứ yêu cho cuộc sống thêm màu hồng, còn đến đâu tính đến đó.
Nhưng không ai ngờ được, dần dần em rơi vào tình yêu điên cuồng. Vì anh quá nhiệt tình, chu đáo, lại rất tâm lý. Anh cưng chiều em hết mức. Khi tình cảm của chúng em đã sâu đậm, em không còn nghĩ đến vấn đề khoảng cách địa lý kia nữa. Nhiều khi em còn tự bảo bản thân rằng hơn 200km cũng không thành vấn đề, giờ phương tiện đi lại cũng hiện đại, dễ dàng và nhanh chóng. Vài tiếng cũng có thể về nhà rồi, chỉ quan trọng rằng mình sẽ tìm được người mang lại hạnh phúc.
Ngày bố mẹ em biết em yêu chồng, bố mẹ em đã khuyên là nên chia tay. Đặc biệt là mẹ em, bà còn khóc bảo:
“Còn đầy người thì không yêu, gần nhà cũng có mấy đứa đó thôi. Cứ nhất thiết phải yêu cái thằng ở xa thế làm gì hả con. Cưới nó thì có phải là bố mẹ mất luôn con không. Con nghĩ kỹ lại đi, tốt nhất cứ lấy người nào ở gần. Không có thì mẹ nhờ người mai mối”.
Biết rằng bố mẹ cũng muốn tốt cho em, em cũng thương bố mẹ lắm nhưng làm sao được đây, khi tình cảm em dành cho anh quá nhiều, em không có dũng cảm để buông bỏ tình yêu này được.
Đến ngay cả bị bố mẹ anh ấy coi thường em cũng không thể nào chia tay được. Gia đình anh có điều kiện hơn gia đình em, bố thì có vị trí trong xã hội, mẹ thì kinh doanh ăn nên làm ra, tiền bạc không là vấn đề. Còn gia đình em thì chỉ làm nông, nên nhà anh ấy bảo rằng không môn đăng hộ đối. Thỉnh thoảng, anh ấy đưa em về nhà chơi, mẹ anh ấy toàn nói ý bảo:
“Không ngờ cháu cũng khôn lắm nhỉ, biết chọn người để lấy đấy”.
Mẹ anh ấy còn dọa nạt:
“Cô tưởng lấy chồng giàu mà sướng à. Nhà tôi không dễ gì để cô dắt mũi đâu. Về làm dâu rồi thì liệu mà sống”.
Cũng có nhiều lần em tủi thân khóc lóc sau khi bị mẹ anh chế giễu, buông những lời nặng nề. Nếu người yêu anh ấy bênh vực, động viên em thì em sẽ đỡ hơn, nhưng ngược lại anh ấy lại hiền quá. Mặc dù yêu em nhưng lại nhu nhược, nghe lời mẹ. Mẹ có nói gì cũng chỉ biết một dạ hai vâng, không dám làm trái. Em có phàn nàn thì anh ấy bảo:
“Tính mẹ đã thế rồi, không ai cãi lại mẹ cả. Anh cũng chẳng muốn để mẹ phiền lòng. Sau khi kết hôn, em cố gắng sống cho tốt, nghe mẹ chút cho mẹ vừa lòng. Anh ở giữa cũng khó xử lắm, em phải nghe mẹ thì anh mới sống yên được. Dù chuyện gì thì anh cũng không làm phật lòng mẹ đâu”.
Tuy có thất vọng về người yêu nhưng em vẫn xem như mù mắt mà tiếp tục. Yêu nhau được bốn năm, thì chúng em quyết định kết hôn. Em nghĩ chuyện kết hôn hai gia đình đồng ý thì sẽ chẳng còn gì khó khăn nữa, nhưng ai ngờ đâu đến ngày cưới, em chán nản thực sự.
Mang tiếng lấy là lấy chồng giàu có, điều kiện, lại là con trai duy nhất. Nhiều người nghĩ chắc đám cưới của em phải linh đình lắm. Thế mà chẳng hiểu sao bố mẹ anh ấy chỉ làm qua loa. Thậm chí bên nhà anh ấy còn không đến nhà em để gặp mặt, thăm nhà, bàn chuyện cưới xin gì cả. Tất cả mọi chuyện chỉ nói qua điện thoại. Vì bố mẹ em thương em, nên chiều con gái, cho dù không thoải mái nhưng bố mẹ cũng không gây khó dễ gì cho nhà anh. Bố em cũng bảo:
“Điều quan trọng mà bố mong muốn đó là con được hạnh phúc, sống yên ổn ở nhà chồng. Còn thứ khác không phải vấn đề. Nhưng bố cứ thấy bên đó không nhiệt tình, niềm nở, không tôn trọng nhà mình thế này. Thì sau này con về đó chẳng biết có được vui vẻ, sống yên ổn hay không?
Nghe bố nói em cũng thấy lo lắng. Nhưng em luôn trấn an mình rằng tình yêu của chúng em đủ lớn để vượt qua mọi sóng gió. Chỉ cần em sống thật tâm, đối xử tốt thì chắc chắn nhà anh cũng sẽ đón nhận và đối xử tốt với em.
Rồi em nhận ra đó chỉ là những suy nghĩ của riêng mình, còn thực tế thì trái ngược hoàn toàn. Khi bàn chuyện cưới xin, em và anh ấy đã bàn rằng nhà trai sẽ đem qua 9 lễ, anh cũng đồng ý. Thế rồi em đến ngày nhận lễ, em mời 9 cô em gái đến bê lễ, ai ngờ, nhà anh đến chỉ đem them 3 tráp lễ, gồm trầu cau, chè thuốc và rượu trắng. Không chỉ bố mẹ em, em mà họ hàng bên nhà em đều bất ngờ và sững người. Chỉ thấy xấu hổ với người khác. Khi em hỏi thì anh giải thích:
“Anh có về nói với mẹ nhưng mẹ bảo 9 lễ thì hơi nhiều, rườm rà quá làm gì. Mà anh nghĩ cũng thấy đúng em ạ”.
Trong lòng có khó chịu và bực tức nhưng bây giờ đã đến nước này rồi, chẳng nhẽ hủy hôn vì chuyện này. Người ngoài nhìn vào họ lại cười cho. Nên em chỉ đành im lặng chấp nhận.
Xong lễ ăn hỏi, chúng em bắt đầu mua sắm và đi vào chuẩn bị cho khâu kết hôn. Nhưng đến sát ngày cưới, gia đình anh ấy càng khiến em thấy thất vọng tột cùng và chẳng có sự tin tưởng, niềm tin nào cho nhà anh.
Chẳng hiểu sao, người yêu em lớn rồi, trưởng thành rồi mà còn phải để cho mẹ quyết định hết. Cho dù là chọn nhẫn cưới, chụp ảnh, mua đệm, cũng một tay mẹ anh ấy sắp xếp. Khi em thắc mắc thì anh ấy sẽ đều bảo rằng:
“Mẹ anh nói thế này, mẹ anh dặn phải làm thế”.
Rồi nào là:
“Mẹ anh quyết định rồi, anh không dám cãi lời đâu”.
Lúc đó em chỉ muốn buông bỏ cho rồi, không cưới xin gì nữa. Nhưng bố mẹ vì không muốn em bị người khác chê cười nên đã an ủi bảo:
“Con cố gắng vậy. Cưới nhau về rồi bảo ban, góp ý với nhau sau. Mẹ tin mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi”.
Rồi ngày cưới của chúng em cũng đến. Vì lấy chồng xa nhà nên các bác, các chú, mọi người trong gia đình đều đi đưa dâu. Nhà em còn thuê hẳn ba con xe 29 chỗ để cả họ hàng có thể đi. Ngồi trên xe hơn 200km, kéo dài cả 6-7 tiếng đồng hồ, mọi người trên xe đều mệt và đói. Thế mà khi đến nơi, nhà trai không nhiệt tình, niềm nở đón tiếp nhà gái. Đến gói thuốc, ngụm nước chè cũng chẳng có. Nhìn cả hội trường đúng chỉ được chục bộ bàn ghế giữa khoảng sân rộng. Quay qua nhìn họ hàng nhà mình không có nơi ngồi, phải đứng la liệt đủ nơi, em thấy quá buồn, đến nổi phát ngại. Đã thế, mẹ anh còn bảo:
“Ai bảo nhà gái kéo đến đông thế làm gì. Lấy đâu cho đủ bàn ghế để sắp xếp”.
Khi nghe mẹ anh nói, bố em tức giận vô cùng, nhưng ông cố gắng nhịn vì con gái. Ông chỉ lén quay ra bên ngoài lau vội nước mắt.
Điều đáng trách hơn nữa đó là rõ ràng trước ngày cưới hai bên đã nhất trí rằng ngày cưới, sau khi đón dâu về, nhà trai sẽ mời nhà gái một bữa cơm để cùng trò chuyện cho tình cảm. Hơn nữa nhà gái đi đường xa, cũng phải lót bụng mới ngồi xe về được. Thế mà hôm cưới, bên nhà anh lơ luôn chuyện mời nhà gái ở lại ăn. Em không thấy gì nên hỏi anh, thì anh nói:
“Bố mẹ vừa bảo với anh chắc bỏ khâu mời nhà gái ở lại ăn. Vì nhà em kéo người đến đông quá, cỗ cũng không chuẩn bị kịp, nên chỉ có nước thôi. Việc ăn uống chắc để cho nhà em tự lo. Em chịu khó lại nói với bố mẹ dẫn họ hàng ăn cơm quán ven đường tạm nhé”.
Điên quá em mới bảo:
“Nhà anh bị làm sao đấy, nếu có gì thay đổi cũng phải báo với họ gái. Anh nghĩ xem, bên nhà em đi xa như vậy để đưa dâu, mà nhà anh không chuẩn bị nổi một bữa ăn hay sao. Mọi người thấy kiểu gì cũng cười em, cười bố mẹ em, chẳng phải nhà anh cũng bị chê trách sao”.
Đúng lúc đó, mẹ anh đi đến. Mặt bà lạnh lùng, còn đáp:
“Người nào cười, người nào chê trách thì kệ họ thôi. Cô cũng là dâu nhà này rồi, dù trong chuyện gì cũng phải nghĩ cho nhà chồng trước. Ai đời kéo cả họ hàng đông đến thế này thì cỗ đâu mà đãi đủ được. Chắc nhà cô chủ yếu đến ăn cỗ nhà tôi chứ gì. Nhà tôi không thừa đồ ăn đâu”.
Nghe đến đây là em phát cáu rồi, còn thể nhẫn nhịn được thêm nữa. Sẵn tay em ném bó hoa cưới xuống đất rồi tuyên bố thẳng:
“Bà tưởng tôi muốn làm dâu nhà bà lắm ấy, bà tưởng nhà tôi thèm cỗ nhà lắm chắc. Tôi hủy hôn luôn, bà tìm người khác mà làm dâu”.
Anh người yêu đứng bên cạnh còn ra dấu hiệu để em im lặng, nhưng em cười nhạt bảo:
“Còn anh đó, anh lớn từng này rồi mà còn suốt ngày nghe lời mẹ. Ai lấy anh rồi cũng khổ mà thôi, đồ hèn”
Nói xong, em cầm tay bố em đi về:
“Về nhà thôi bố, con không làm dâu vào nhà này đâu”.
Bố em cũng gật đầu rồi cùng em lên xe về. Trên đường về, em và bố có mời họ hàng vào nhà hàng ven đường ăn uống. Bố em còn bảo:
“Thôi thì không cưới được cũng chẳng sao, hôm nay tôi làm tiệc mừng con gái hủy hôn. Thà bị người khác chê cười còn hơn kết hôn với người không xứng đáng, làm dâu nhà giàu nhưng coi thường người khác. Tôi chỉ cần con gái vui vẻ là được”.
Nhìn bố như vậy em thấy mình thoải mái và nhẹ nhõm hẳn. Em tin quyết định của mình là đúng. Thà không cưới còn hơn sống nhẫn nhịn mẹ chồng giàu có như vậy. Ở nhà với mẹ còn vui vẻ, hạnh phúc hơn là phải nhìn thái độ của người khác, suốt ngày bị mắng nhiếc.
Bây giờ cuộc sống của em thoải mái lắm, chẳng phải suy nghĩ gì. Chắc chắn em sẽ tìm được người chồng tốt cho mình sau này phải không chị em?