Dù lương gấp 10 lần chồng tiến sĩ, nhưng tôi vẫn bị mẹ chồng chê ít học

Mẹ chồng nghe vậy liền im thin thít, từ dạo đó đã bớt khó khăn hơn với tôi. Đến giờ, tôi vẫn cho rằng việc dùng bằng cấp để đánh giá một con người là không nên. Ít học nhưng tự làm ra tiền bằng chính sức lao động của mình, biết cách cư xử với tất cả mọi người là được phải không ạ?

Mẹ chồng tôi đi đâu cũng khoe có con trai là tiến sĩ nọ kia, ra chiều tự hào lắm. Bản thân tôi cũng hãnh diện khi có chồng giỏi giang, công danh sự nghiệp ổn định, nhưng nhiều khi cũng tức lắm vì mỗi lần khoe con trai xong là kiểu gì mẹ chồng cũng tiện thể chê con dâu ít học mới vừa lòng.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in lời mẹ đẻ dặn dò vào cái đêm trước ngày tôi đi lấy chồng.

“Nhà chồng nói thế nào cũng không bằng nhà mình được, nên việc gì con cũng phải nhìn trước ngó sau mà hành xử cho phải phép, đừng có tùy tiện như ở nhà. Với cả, phải biết giữ hòa khí trong gia đình, nghe lời mẹ chồng với đối xử với em chồng cho tốt vào. Bà thông gia có nói gì cũng phải một dạ hai vâng, dù không hài lòng chuyện gì cũng phải cố mà nhịn, như vậy thì mới mong cuộc sống ấm êm được.”

Vì câu nói này của mẹ mà khi về nhà chồng, tôi luôn phải ý tứ với tất cả mọi người. Vì thế, bố chồng và hai cô em chồng đặc biệt yêu quý chị dâu, nhưng mẹ chồng thì ngược lại. Bà trước sau vẫn không hài lòng về tôi chỉ vì tôi mới học xong cấp ba, không đời nào xứng với con trai làm tiến sĩ của bà.

Nhà tôi nghèo, tôi lại là chị cả, dưới còn hai em nữa nên khi học xong cấp 3, tôi không thi đại học nữa mà chọn đi học nghề may nuôi hai em ăn học. Đến năm 25 tuổi thì tôi gặp chồng tôi bây giờ.

Anh cũng là con cả, bên dưới còn hai cô em gái nữa, nhưng nhà anh khá giả nên anh em anh đều được học cao. Chồng tôi thậm chí còn có bằng tiến sĩ, hiện đang làm việc trong một cơ quan nhà nước. Nói chung, tôi và chồng tôi là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, nhưng vì tình yêu, anh vẫn quyết định đưa tôi về ra mắt gia đình anh.

Ngày đầu tiên gặp mẹ chồng tương lai, tôi có chút căng thẳng. Bà nhìn tôi chăm chú, rồi đột nhiên lên giọng hỏi.

“Nghe nói chị chỉ là thợ may thôi à? Thợ may thì chắc chẳng cần học đại học đâu nhỉ? Không bằng cấp như vậy thì nhà chị sau này chắc mình con trai tôi phải cáng đáng hết. Cũng phải thôi, ai bảo nó là tiến sĩ, còn là công chức nhà nước nữa cơ mà.”

Mới lần đầu gặp mà mẹ anh đã không nể nang như vậy nên tôi cũng nói thẳng luôn.

“Dạ, đúng là cháu chẳng có bằng cấp gì, nhưng mấy năm nay cháu đều có công việc ổn định với thu nhập từ hai xưởng may nên cháu hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân và gia đình được, thưa bác.”

Nghe tôi nói vậy, mẹ anh không nói lại nữa. Nhưng, lần sau tôi đến chơi, nhân lúc con trai bà ra ngoài có việc, bà liền nói.

“Tôi nói thẳng là sẽ không đời nào chấp nhận thứ con dâu chỉ học hết cấp ba bước chân vào nhà này đâu, nên nếu chị còn chút tự trọng nào thì đừng bám lấy con trai tôi nữa.”

Lần đó, tôi đã khóc sau khi ra khỏi nhà của anh. Sau đó, tôi đề nghị chia tay và cũng nói rõ lý do cho anh hiểu nhưng anh nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, với sự cố chấp của anh, mẹ chồng đành phải cho chúng tôi cưới.

Sau khi cưới chồng, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng thêm xưởng may nên thu nhập có tháng lãi cả trăm triệu, trong khi đó lương tháng chồng tôi chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng.

Nhưng, mẹ tôi nào biết đấy là đâu. Bà luôn cho rằng con bà là tiến sĩ nên thu nhập sẽ cao, phải làm nuôi cả nhà, trong khi đó tôi chỉ là thứ ăn bám. Chính vì vậy, dù tôi làm bất cứ việc gì bà cũng không vừa ý, ngay đến chuyện tôi nấu canh cá bỏ sấu thay vì dọc mùng, bà cũng ý kiến chê bai.

“Đúng là ít học nên nấu canh cá cũng kiểu nhà quê. Canh cá mà không cho dọc mùng thì còn gì gọi là canh cá nữa.”

Bao tích tụ dồn nén bấy lâu nên hôm đó tôi không nhịn nữa.

“Vâng, con ít học nên chỉ nấu được như vậy. Nhưng, đứa ít học như con lại đang nuôi sống cả nhà này đấy ạ. Mẹ có biết tiền học của hai cô cũng là từ xưởng may của con, rồi tiền chồng con tiêu mỗi ngày nữa cũng đều là từ túi của con đấy mẹ ạ!”

Mẹ chồng nghe vậy liền im thin thít, từ dạo đó đã bớt khó khăn hơn với tôi. Đến giờ, tôi vẫn cho rằng việc dùng bằng cấp để đánh giá một con người là không nên. Ít học nhưng tự làm ra tiền bằng chính sức lao động của mình, biết cách cư xử với tất cả mọi người là được phải không ạ?

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/du-luong-gap-10-lan-chong-tien-si-nhung-toi-van-bi-me-chong-che-it-hoc-d25866.html
X