Người dân chùa Hương chở đò đi hỗ trợ vùng lũ Thái Nguyên
Theo Đời sống pháp luật, lãnh đạo UBND xã Hương Sơn cho biết, thực tế có đò ở chùa Hương đi hỗ trợ bão lũ ở TP Thái Nguyên nhưng không đến mức như mạng xã hội chia sẻ.
Theo vị này, trước diễn biến lũ dâng cao, ngập úng nghiêm trọng tại TP Thái Nguyên, một số người là chủ xe cứu hộ đã kết nối với những chủ đò ở chùa Hương để đưa thuyền đến TP Thái Nguyên hỗ trợ người dân.
Đến nay, 4 ô tô chở tổng cộng 12 thuyền đã lên đường đi TP Thái Nguyên. Lãnh đạo xã cho biết đây là hoạt động cá nhân, không qua tổ chức hay chính quyền.
Cao Bằng tạm dừng vận tải hành khách
Sáng 10/9, Sở Giao thông Vận tải Cao Bằng cho biết, đơn vị vừa có Thông báo số 2608/TB-SGTVT về việc ứng phó với bão số 3 đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ ngày 9/9/2024 Cao Bằng tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng đối với vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún tại khu vực các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm và các huyện: Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An cho đến khi có thông báo mới.
Cấm xe khách, xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn lưu thông trên Cầu Chương Dương
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương (Hà Nội).
Theo đó, bắt đầu từ 8h30′ ngày 10/9, theo hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Hường từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.
Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.
Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30′ ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế.
Thành phố Nam Định ngập lịch sử, người dân vội vàng ‘chạy đồ’ trong đêm
Tại tỉnh Nam Định, đêm 9/9, rạng sáng ngày 10/9 xảy ra mưa lớn diện rộng. Riêng tại TP Nam Định, trận mưa lớn kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ đã gây ngập nhiều tuyến đường như Lê Hồng Phong, Quang Trung, Trần Bích San, Đỗ Huy Rừa,… có nơi ngập sâu đến hơn 1m. Đồng thời, nhiều tuyến phố đã bị cắt điện.
Trao đổi với PV trong đêm, lãnh đạo UBND TP Nam Định cho biết, theo đánh giá sơ bộ, lượng mưa đêm nay vào khoảng 300-400mm. Trận mưa lịch sử này đã khiến TP Nam Định xảy ra ngập diện rộng. Hiện tại, các trạm bơm đều đang hoạt động hết công suất để cố gắng tiêu nước càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, do tất cả cống rãnh, mặt đường trong thành phố đều bị ngập nặng, cộng thêm triều cường, nước lũ ngoài sông dâng cao khiến công tác bơm thoát nước gặp nhiều khó khăn.
Lũ sông Hồng sắp vượt đỉnh lịch sử, Hà Nội nguy cơ ngập các quận nội thành
Cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 11.9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2 – BĐ3, có sông trên BĐ3.
.Do nước lũ lên cao dẫn đến nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Một số khu vực tại nhiều tỉnh, thành có nguy cơ ngập lụt cao, gồm: các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, TP.Yên Bái (tỉnh Yên Bái); TP.Bắc Giang và các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam (tỉnh Bắc Giang); TP. Thái Nguyên TP.Sông Cầu, T.X Phổ Yên, các huyện: Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên); TP. Bắc Ninh, H.Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ); các huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); các quận: Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, H.Gia Lâm (TP.Hà Nội)
Lũ trên các sông, suối lên cũng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, nhiều bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế – xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng – Thái Bình.
Lũ lịch sử kinh hoàng ở miền Bắc
Nâng mức cảnh báo tím khắp vùng núi Bắc bộ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hình thành ở Bắc bộ, mưa lớn đã bao trùm khu vực trung du và vùng núi Bắc bộ hơn hai ngày qua với lượng mưa đặc biệt lớn.
Chỉ tính từ 19h ngày 8/9 đến 15h ngày 9/9, mưa tại Tân Phượng (Yên Bái) là 481mm, tại Nấm Dẩn (Hà Giang) là 451.2mm. Nhiều tỉnh khác ghi nhận lượng mưa trên 200mm trong chưa đầy một ngày như Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Dù chưa có số liệu thống kê chi tiết, tổng lượng mưa trong hơn hai ngày qua ở vùng núi và trung du phía Bắc được các chuyên gia nhận định là hiếm gặp, một số nơi có thể phá vỡ kỷ lục.
Do mưa lớn kéo dài kết hợp với thủy điện xả lũ, nước dâng rất nhanh trên các dòng sông. Vào 13h ngày 9/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái lên tới 33,98m, vượt qua báo động 3 là 1,98m, đồng thời tương đương với kỷ lục được thiết lập năm 2008. Lũ trên sông Lục Nam cũng vượt mức báo động 3. Ngoài ra, sông Cầu tại Đáp Cầu dưới báo động 2, sông Thương tại Phủ Lạng Thương trên báo động 2, sông Hoàng Long báo động 2, sông Lô tại Tuyên Quang dưới báo động 1, sông Thái Bình tại Phả Lại trên báo động 1 và sông Hồng tại Hà Nội dưới mức báo động 1. Trong chiều và đêm qua, mức nước lũ trên các dòng sông còn có xu hướng tiếp tục tăng lên với diễn biến phức tạp.