Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024. Ảnh: TG
Theo báo Giáo dục & thời đại, theo các chuyên gia dự đoán, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tương đương như năm trước, một số ngành có xu hướng tăng nhưng không “đột biến”; trong đó có nhóm ngành Sức khỏe và đào tạo giáo viên.
Xu hướng tăng
Năm nay, Trường ĐH Giao thông Vận tải tuyển sinh hệ đại học chính quy với gần 5.800 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023). PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo cho hay, nhà trường vẫn dành 70 – 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự báo điểm chuẩn vào trường bằng phương thức này có thể cao hơn so với năm ngoái, nhất là một số ngành có tổ hợp xét tuyển D01. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều.
“Những ngành có điểm chuẩn cao trong năm 2023, dự kiến năm nay sẽ ổn định. Với ngành thuộc tốp trung (khoảng 22 – 23 điểm/năm 2023) và một số ngành truyền thống, điểm chuẩn năm nay có thể cao hơn một chút” PGS.TS Nguyễn Thị Hòa nhận định.
Ngày càng có nhiều trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy để tuyển sinh nhưng hầu hết trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như một phương thức quan trọng để xét tuyển.
Chia sẻ thông tin, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng thời nhìn nhận, năm nay, mức điểm tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp phổ biến nhất là 22 – 23 điểm. Ở các môn, số bài thi đạt điểm giỏi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2023. Do đó, nếu không có sự biến động lớn về chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì điểm chuẩn đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả tổ hợp và có thể chênh từ 1 – 3 điểm (tùy từng ngành).
Dựa vào thống kê và phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo tổ hợp môn, ThS. Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) nhận định, dự kiến điểm trúng tuyển vào trường tăng từ 0,5 – 1,0 điểm đối với các ngành xét theo tổ hợp A00 và C00; trong đó có 3 ngành: Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện và Quản trị kinh doanh. Các ngành còn lại cơ bản bằng mức điểm chuẩn đầu vào của năm 2023.
Thí sinh dự thi năng khiếu vào ngành Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TG
Không biến động với ngành Sư phạm, Sức khỏe
Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh hơn 1.700 sinh viên, tăng 350 chỉ tiêu so với năm ngoái. Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT công bố, PGS.TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo phân tích, tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) là tổ hợp chính nhà trường sử dụng để tuyển sinh năm 2024. Trong khi đó, số lượng thí sinh đạt điểm cao ở tổ hợp này nhiều hơn so với các năm trước.
“Chúng tôi dự đoán, ngưỡng điểm trúng tuyển đầu vào các ngành có xu hướng tăng nhẹ. Một số ngành ở nhóm cao có mức độ tăng nhiều hơn. Chẳng hạn như: Y khoa, Răng Hàm Mặt. Mức tăng có thể tương đương, tiệm cận điểm chuẩn năm 2021, 2022”, PGS.TS Lê Đình Tùng nhận định và cho biết, năm 2021, điểm chuẩn vào ngành Y khoa là 28,85; Răng Hàm Mặt: 28,45 điểm. Năm 2022, đầu vào hai ngành này lần lượt là 28,15 và 27,7 điểm.
Nhấn mạnh, điểm sàn ngành Sư phạm năm nay phù hợp trên nhiều phương diện, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, “mức sàn” từ 17 – 19 điểm phù hợp với năng lực để học sinh được đào tạo trở thành giáo viên. So với thực tế đào tạo ở trường phổ thông, bình quân mỗi môn đạt trên 6 điểm trở lên cũng là mức điểm phù hợp. Ngoài ra, điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu. Tùy từng tổ hợp, môn khác nhau, các trường/ngành học có thể lấy điểm sàn và chuẩn ở các mức khác nhau nhằm chọn những thí sinh tốt, phù hợp nhất.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, những năm gần đây, điểm sàn của ngành Sư phạm tương đối ổn định: 19 điểm đối với trình độ đại học và 17 điểm với trình độ cao đẳng Giáo dục Mầm non. Điều này giúp học sinh có định hướng lâu dài trong tương lai và nhìn nhận việc mình có phù hợp với năng lực, khả năng vào học các trường sư phạm hay không.
Từ những phân tích nêu trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, mức điểm chuẩn năm nay không có biến động nhiều, cơ bản tương đương năm ngoái. Một số ngành có thể tăng nhưng không tạo “đột biến”.
Thực tế, những chính sách về giao chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế; miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm… đã giúp ngành Sư phạm “nóng” trở lại và ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, điều mà TS Nguyễn Trung Triều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (Khánh Hòa) mong đợi là, cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên sẽ phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ với nhà giáo. Qua đó nhằm gia tăng sức hút cho ngành Sư phạm.
Ngày 19/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và khối ngành đào tạo giáo viên. TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thí sinh có thể đăng ký vào các ngành thuộc lĩnh vực này và điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Còn hơn một tuần nữa để thí sinh cân nhắc, lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng phù hợp. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học tư vấn, đề phòng rủi ro, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: Trường tốp đầu, trung – phù hợp với năng lực mình hơn. Qua đó, cơ hội trúng tuyển của các em sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì Hệ thống sẽ không xét tiếp, kể cả thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.