Theo báo Tiền Phong, cụ thể, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi quy định, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, các trợ cấp hằng tháng khác được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chế độ này được điều chỉnh từ trợ cấp người cao tuổi đang áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng (mức trợ cấp hiện là 360.000 đồng/người/tháng).
Nếu điều khoản trên được thông qua, tuổi nhận trợ cấp của người già không có lương hưu, không có bất kể trợ cấp gì sẽ giảm 5 tuổi (từ 80 tuổi hiện nay xuống 75 tuổi). Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) – cơ quan chủ trì soạn thảo luật tính toán, sau khi giảm tuổi nhận trợ cấp như trên sẽ có thêm khoảng 800.000 người được nhận chế độ. Cùng đó, mức trợ cấp sẽ tăng từ 360.000 đồng/tháng tăng lên 500.000 đồng/tháng.
Trong tương lai, chỉ cần đóng BHXH 5 năm và không hưởng chế độ BHXH một lần sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng ngay khi nghỉ hưu, hoặc từ 65 tuổi (Ảnh minh họa).
Trường hợp người tham gia BHXH nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu, dưới 75 tuổi – chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, được chọn nhận trợ cấp hằng tháng từ thời gian đã đóng BHXH, mức hưởng thấp nhất bằng trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng tới khi đủ 75 tuổi để nhận trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo. Khi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, người hưởng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế.
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, hiện mức lương bình quân tính đóng BHXH khoảng 6 triệu đồng/tháng, mỗi năm đóng BHXH tương ứng với 2 – 2,5 năm hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (nếu không nhận BHXH một lần).
Như vậy, người lao động có 5 năm đóng BHXH được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng ngay từ 65 tuổi, hoặc ngay khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Tiền trợ cấp hằng tháng trong trường hợp này do quỹ BHXH chi trả từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Tới tuổi 75, người hết tuổi lao động chuyển sang nhận trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình kinh tế – xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ có thể quyết định hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách đảm bảo thấp hơn 75 tuổi. Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, với điều kiện Việt Nam, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo chỉ nên giảm tối đa tới 70 tuổi, để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, hoặc bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH.
Số liệu cho thấy, tới cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, chỉ 5,1 triệu người có lương hưu, trợ cấp (chiếm 35% tổng số người hết tuổi lao động). Cụ thể, có hơn 2,7 triệu người nhận lương hưu, hơn 63.000 người nhận trợ cấp BHXH hằng tháng, và hơn 1,8 triệu người nhận trợ cấp người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên). Như vậy, còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa có bất kể trợ cấp gì. Thời gian tới, con số này còn cao hơn, khi tốc độ già hoá dân số Việt Nam được xếp vào diện hàng đầu thế giới.
Hiện cả nước có khoảng 2,3 triệu người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH. Trong đó có 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên đang nhận trợ cấp người cao tuổi, nên khi giảm tuổi nhận chế độ này xuống 75 tuổi, sẽ có thêm khoảng 800.000 người được nhận chế độ trợ cấp hằng tháng, được ngân sách đóng bảo hiểm y tế.
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, với 2 chính sách trên (giảm tuổi hưởng và tăng mức hưởng), ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 3.456 tỷ đồng/năm. Trong đó, giảm tuổi nhận chế độ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ thêm kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng/năm; tăng mức hưởng từ 360.000 đồng/người/tháng hiện hành lên 500.000 đồng/người/tháng sẽ thêm kinh phí khoảng 2.100 tỷ đồng/năm.
Hiện trợ cấp người cao tuổi do ngân sách địa phương đảm bảo, nếu điều chỉnh như trên, với một số địa phương có ngân sách còn khó khăn cần thêm sự hỗ trợ từ ngân sách của trung ương.